Hội nhập

45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc: Đối tác tin cậy, cùng vững bước phát triển

Trải qua 45 năm, quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc đã và đang góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngày 20/9/1977, lễ thượng cờ Việt Nam được chính thức tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc, ghi dấu ấn Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của tổ chức lớn nhất hành tinh này. Trải qua 45 năm, quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc đã và đang góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thành viên tích cực

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
Ảnh: TTXVN phát 

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, ngay sau khi gia nhập Liên hợp quốc, tổ chức đóng vai trò trung tâm trong xây dựng luật pháp quốc tế, gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột và ứng phó với các thách thức toàn cầu, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên Liên hợp quốc để Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 32 (năm 1977) thông qua Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh.

Với sự chung tay giúp đỡ, hỗ trợ của Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế, từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu sau chiến tranh, Việt Nam đã từng bước khắc phục khó khăn, phục hồi và chuyển mình mạnh mẽ.

Cùng với đó, Việt Nam chủ động triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia- dân tộc. Với phương châm "sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy", Việt Nam nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng quốc tế. Từ chỗ bị bao vây cấm vận kinh tế, chưa có tiếng nói trên các diễn đàn đa phương, Việt Nam đã có một vị thế quan trọng trên trường quốc tế.

Không chỉ là thành viên tích cực trong nỗ lực chung tay xây dựng hòa bình, Việt Nam luôn đề cao sự cần thiết tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực…

Trong suốt quá trình tham gia Liên hợp quốc, Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia các cơ chế hoạch định chính sách của Liên hợp quốc trong các lĩnh vực: Hòa bình-an ninh; phát triển, bảo vệ con người cũng như nhiều lĩnh vực khác.

Với việc đảm nhiệm nhiều vai trò trong các cơ chế của Liên hợp quốc, Việt Nam ngày càng tạo được vị thế, uy tín của đất nước với quốc tế; đóng góp tiếng nói, vai trò đối với các vấn đề của khu vực và quốc tế.

Việt Nam đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020-2021. Bên cạnh đó, Việt Nam giữ chức Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1997, tham gia Hội đồng Kinh tế Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) (1998-2000), hoàn thành trước hạn 5/8 Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG); là thành viên Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016) và thành viên của ECOSOC (nhiệm kỳ 2016-2018). Từ năm 2014, Việt Nam bắt đầu cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Việt Nam cũng là thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2017-2021, 2023-2027; thành viên Ủy ban Luật Thương mại quốc tế từ 2019-2025; thành viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế từ 2021-2023; thành viên Hội đồng khai thác Liên minh bưu chính thế giới từ 2022-2025...

Nâng tầm hợp tác, trong khuôn khổ Sáng kiến Một Liên hợp quốc, Việt Nam và Liên hợp quốc đã tích cực triển khai Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017-2021. Chương trình này bao gồm bốn lĩnh vực ưu tiên: Đầu tư vào con người; đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển môi trường bền vững; thúc đẩy sự thịnh vượng và quan hệ đối tác; tăng cường công lý, hòa bình và quản trị toàn diện. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang phối hợp với Văn phòng Điều phối viên Liên hợp quốc, các quỹ, chương trình Liên hợp quốc hoàn thiện Khung hợp tác phát triển bền vững Việt Nam - Liên hợp quốc giai đoạn 2022-2026, các Chương trình quốc gia hợp tác giữa Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) giai đoạn 2022-2026.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hợp tác giữa Việt Nam với Liên hợp quốc đã phát huy tính hiệu quả tối đa. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận gần 50 triệu liều vaccine phòng COVID-19 thông qua Chương trình COVAX (vượt con số cam kết ban đầu của COVAX là 38,9 triệu liều) và vật tư y tế trị giá 45 triệu USD từ các tổ chức Liên hợp quốc. Các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, đặc biệt là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã và đang hỗ trợ Việt Nam trên 5 lĩnh vực: Chuẩn bị khẩn cấp y tế cộng đồng, giám sát, đánh giá rủi ro, điều tra và phản ứng với dịch bệnh, phòng thí nghiệm, kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm và quản lý lâm sàng, truyền thông rủi ro. Các tổ chức Liên hợp quốc cũng đưa ra hướng dẫn phòng, chống COVID-19 cho trẻ em, người lao động và toàn xã hội và có 2 báo cáo tổng hợp đánh giá tác động của COVID-19 tại Việt Nam và khuyến nghị biện pháp ứng phó.

Đánh giá về quá trình tham gia Liên hợp quốc của Việt Nam, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, Việt Nam là đối tác tin cậy vững chắc của Liên hợp quốc. Ông cũng đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong việc đảm đương các vị trí quan trọng tại các cơ quan của Liên hợp quốc, trong đó có vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và sự tham gia của Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ hòa bình.

Gìn giữ hòa bình, điểm sáng trong hợp tác

Trong nhiều lĩnh vực có sự tham gia chủ động, tích cực của Việt Nam, việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc chính là một điểm sáng nổi bật trong hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong bối cảnh thế giới, khu vực ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

Các sĩ quan Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ.
Ảnh: TTXVN phát 

Mặc dù tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc muộn hơn nhiều so với các nước khác (2014), nhưng Việt Nam được Liên hợp quốc và các nước đánh giá cao bởi cam kết chính trị mạnh mẽ đóng góp lâu dài cho sứ mệnh chung, sự chủ động, tích cực trong quá trình tham gia cũng như năng lực chuyên môn đã tạo được niềm tin và uy tín trong lực lượng mũ nồi xanh.

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là bằng chứng sinh động cho cam kết tham gia và đóng góp lâu dài cho hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Chính phủ Việt Nam. Thời gian qua, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam vẫn bảo đảm duy trì sự tham gia liên tục và hiệu quả tại địa bàn, cũng như bảo đảm công tác huấn luyện tiền triển khai, chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng sang địa bàn.

Số lượt sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được cử tham gia các nhiệm vụ khác nhau theo hình thức cá nhân ở hai phái bộ Nam Sudan, Trung Phi tiếp tục gia tăng và bảo đảm tính tiếp nối liên tục. Tính từ tháng 6/2014 đến nay, Bộ Quốc phòng đã cử 512 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Trong số này, có 74 nữ quân nhân Việt Nam, trong đó 8 sĩ quan hoạt động độc lập; 45 người trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 và 21 người trong đội Công binh.

Ở hình thức đơn vị, Việt Nam cũng đã triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tới Nam Sudan. Đặc biệt, tháng 5/2022, đội công binh đầu tiên của Việt Nam với 184 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và 2.000 tấn thiết bị đã sang phái bộ an ninh lâm thời của Liên hợp quốc tại khu vực Abyei (khu vực giữa Sudan và Nam Sudan).

Ngoài ra, Việt Nam đang có 3 sĩ quan làm việc tại Cục Các hoạt động hòa bình, trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ) và 1 sĩ quan làm việc tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, điều phối các hoạt động quân sự với Chính phủ Cộng hòa Trung Phi. Đây được coi là bước tiến vô cùng quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam có sĩ quan làm việc tại trụ sở Liên hợp quốc, trực tiếp tham gia vào công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch hoạt động tại các phái bộ.

Theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng), thời gian tới, Việt Nam tiếp tục duy trì Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại phái bộ Nam Sudan; đội công binh tại Abyei và các cá nhân hoạt động độc lập. Bộ Quốc phòng sẽ cử thêm sĩ quan thi vào trụ sở Liên hợp quốc; mở rộng lĩnh vực khác như kiểm soát quân sự, bảo vệ…

Có thể nói, sự đa dạng trong lĩnh vực, hình thức và địa bàn tham gia, cùng số lượng quân nhân không ngừng tăng lên cho thấy sự tham gia tích cực, chủ động và đóng góp hiệu quả, có chất lượng cao của Việt Nam cho hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Điều này góp phần khẳng định rõ, Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm đối với sứ mệnh chung, là một đối tác tin cậy của bạn bè quốc tế. Ở chiều ngược lại cũng cho thấy sự ghi nhận của Liên hợp quốc đối với năng lực của Việt Nam khi tin tưởng mời nước ta cử lực lượng tham gia vào những nhiệm vụ mới, mang tính thiết thực đối với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

45 năm qua, hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc đã đạt kết quả tích cực, vừa đáp ứng được yêu cầu, lợi ích của Việt Nam trong từng giai đoạn, vừa góp phần tăng cường vai trò, tiếng nói và "dấu ấn" đóng góp của Việt Nam tại Liên hợp quốc. Những kết quả này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và Liên hợp quốc trong khắc phục những mặt còn tồn tại, củng cố niềm tin, trách nhiệm, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của Liên hợp quốc trong thời kỳ mới./.

Xem thêm