50 năm Thống nhất đất nước: Từ “vành đai lửa” trở thành “vành đai xanh”
Phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, Phong Ðiền đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; trong đó, nông nghiệp sinh thái chất lượng cao, dịch vụ du lịch sinh thái vẫn là hàng đầu; phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tiêu biểu để thu hút khách du lịch.
Lộ Vòng Cung không chỉ là địa danh mà còn có ý nghĩa lịch sử trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm của quân và dân Cần Thơ. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tuyến Lộ Vòng Cung (thành phố Cần Thơ) được ví như “vành đai lửa”. 50 năm sau giải phóng (1975 - 2025), Lộ Vòng Cung đã thay da, đổi thịt và trở thành một “vành đai xanh” với hàng nghìn héc-ta vườn cây ăn trái, hàng chục địa điểm du lịch sinh thái miệt vườn.
*Nơi "đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom"
Lộ Vòng Cung bắt nguồn từ chân cầu Cái Răng (quận Ninh Kiều) chạy qua huyện Phong Điền và kết thúc ở Lộ Tẻ Ba Se (quận Ô Môn) với khoảng 30km. Đây là đường giao thông thuận lợi, có vị trí chiến lược quan trọng nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam trung tâm thành phố Cần Thơ.
Theo dữ liệu từ Lịch sử Đảng bộ Phong Điền (2004 - 2024), với tầm quan trọng của vị trí Lộ Vòng Cung, trong chiến lược quân sự, Mỹ - Ngụy thiết lập hệ thống đồn bốt dày đặc trên toàn tuyến, xem Lộ Vòng Cung là vành đai bảo vệ sân bay Trà Nóc, Trung tâm vùng IV chiến thuật và các cơ quan đại diện của Mỹ - Ngụy ở Cần Thơ. Trong khi đó, Lộ Vòng Cung được xem là địa điểm chuyển quân, trạm quân y tiền phương và nơi cất giấu vũ khí cung cấp hậu cần cho các đơn vị bộ đội ta.
Theo Đại tá Huỳnh Thanh Phương, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh thành phố Cần Thơ, với tầm quan trọng đó, tuyến Lộ Vòng Cung đã diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa ta và địch. Địch tập trung càn quét dân, truy lùng, bắt bớ lực lượng của ta; thường xuyên bắn pháo, ném bom hòng biến nơi đây thành “vùng trắng”, đẩy lực lượng cách mạng xa dân.
Trong ký ức của nhiều lão thành cách mạng, từ năm 1968 kéo dài đến khi giải phóng, dọc tuyến Lộ Vòng Cung hứng chịu hàng trăm nghìn tấn bom đạn, cây cỏ xác xơ. Nơi đây từng được nhà thơ Lâm Thao miêu tả "đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom" để thể hiện tính chất khốc liệt từ vùng đất này.
Dẫu chiến sự ác liệt, kẻ thù dùng nhiều thủ đoạn tàn ác để tàn phá, cách ly người dân ra khỏi vùng kháng chiến, cắt đứt liên lạc giữa quần chúng nhân dân với cách mạng nhưng bộ đội vẫn được sống giữa lòng dân, quân dân kiên cường bám trụ chiến đấu giữ vững vùng căn cứ cách mạng Lộ Vòng Cung làm bàn đạp tiến công giải phóng Cần Thơ năm 1975.
Sau giải phóng, chính quyền, người dân Lộ Vòng Cung vượt lên khó khăn, đoàn kết, ra sức xây dựng vùng đất "bom cày, đạn xới" hoang tàn, đổ nát trở thành một “vành đai xanh”. Đã 50 năm trôi qua nhưng ký ức ngày ấy vẫn còn hiện hữu trong tâm trí người cựu tù yêu nước Nguyễn Văn Xã (80 tuổi, nguyên xã đội trưởng, Chủ tịch xã Giai Xuân giai đoạn 1969 - 1978): Từ năm 1971 người dân đi tản cư đã bắt đầu quay trở về nhà. Nhưng phải đến sau năm 1975, Lộ Vòng Cung mới thật sự có sức sống khi những vườn rau, ruộng lúa phủ màu xanh... Tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng chính quyền, cán bộ và nhân dân cùng quyết tâm vực dậy "vùng đất trắng".
*Xanh hóa "vành đai lửa"
Phần lớn diện tích Lộ Vòng Cung ngày nay thuộc địa phận huyện Phong Ðiền. Chiều dài Lộ Vòng Cung ngang qua địa phận huyện Phong Điền khoảng 15km. Huyện Phong Điền được Cần Thơ xác định là "lá phổi xanh", địa bàn trọng điểm của thành phố. Thời gian qua, phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, trù phú của những vườn cây ăn trái, Phong Ðiền đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; trong đó, nông nghiệp sinh thái chất lượng cao, dịch vụ du lịch sinh thái vẫn là hàng đầu; phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tiêu biểu để thu hút khách du lịch.
Lộ Vòng Cung giờ đây có thêm tên gọi hành chính mới là Đường tỉnh 923 gắn liền với những địa danh nổi tiếng xứ Tây Đô như: Chợ nổi Cái Răng, khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh, những nhà vườn trái cây Trường Long, Nhơn Ái, Tân Thới (huyện Phong Điền)...
Từ Đường tỉnh 923 có nhiều tuyến đường rẽ đi các điểm di tích văn hóa như: Di tích văn hóa cấp quốc gia mộ cụ Phan Văn Trị, di tích lịch sử văn hóa Ông Hào, Bia căm thù tại xã Tân Thới, khu di tích văn hóa bưng đá nổi Lung Cột Cầu và khu du lịch Vàm Gừa (xã Nhơn Nghĩa)...
Nhắc đến du lịch Phong Điền phải kể đến Làng du lịch Mỹ Khánh (xã Mỹ Khánh). Làng du lịch Mỹ Khánh hình thành và phát triển hơn 20 năm. Từ một làng du lịch với khoảng 1 ha, hiện nay, nơi đây mở rộng hơn 30 ha gồm các khu chức năng phục vụ du lịch; trong đó, có khu vui chơi giải trí (đua heo, đua chó,...), khu làng nghề có nghệ nhân làm bánh dân gian phục vụ khách, dịch vụ nhà mát, vườn cây ăn trái...
Làng du lịch Mỹ Khánh được xếp hạng là sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên của Cần Thơ nói riêng và toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Hằng năm, khu du lịch sinh thái miệt vườn Mỹ Khánh đón hàng chục nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, cảnh đẹp vùng sông nước miền Tây.
Phong Điền còn được biết đến là "vương quốc cây ăn trái" ở Cần Thơ. Huyện hình thành những vùng chuyên canh, sản xuất sầu riêng (xã Tân Thới), vú sữa (Giai Xuân, Trường Long), nhãn (Nhơn Nghĩa)...
Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Bí thư Huyện ủy Phong Điền, "vành đai lửa" - Lộ Vòng Cung những năm bom đạn, ngày nay dần chuyển mình thành một “vành đai xanh” với hơn 9.000 ha vườn cây trái, 65 điểm du lịch. Trong năm 2024, các điểm du lịch trên địa bàn huyện thu hút gần 2 triệu lượt khách đến tham quan, doanh thu hơn 532 tỷ đồng.
Phong Điền đang hướng tới mục tiêu đô thị sinh thái, phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, đảm bảo là "lá phổi xanh" của thành phố Cần Thơ.
Huyện Phong Điền được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Đến nay, tất cả 6 xã của huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trong đó, 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện đang tập trung thực hiện các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.
Nằm trên tuyến Lộ Vòng Cung, xã Tân Thới vừa được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024. Theo bà Nguyễn Hồ Phương Thảo, Chủ tịch UBND xã Tân Thới, thế mạnh của xã là phát triển kinh tế vườn. Xã hiện có 1.270ha vườn cây ăn trái; trong đó, có 1.249ha trồng sầu riêng, sản lượng mỗi năm trên 15.000 tấn. Xã có 17 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp để xuất khẩu. Đời sống người dân sung túc, xã không còn hộ nghèo từ năm 2023.
Huyện Phong Điền sau 50 giải phóng đã bước sang trang mới trong quá trình phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn duy trì ở mức cao, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phong Điền Trần Lê Bình thông tin, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện từng bước được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Công tác chỉnh trang đô thị được quan tâm, diện mạo đô thị có nhiều thay đổi. Đặc biệt, trong 8 dự án trọng điểm của thành phố Cần Thơ (nhiệm kỳ 2021 - 2026) có 2 dự án lớn tạo sức bật, đột phá mới liên quan đến Lộ Vòng Cung: Dự án Đường vành đai phía Tây thành phố nối Quốc lộ 91 với Quốc lộ 61C đi qua địa bàn 5 quận, huyện (Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng và Phong Điền); Dự án nâng cấp, cải tạo Tỉnh lộ 923 dài trên 13km (có điểm đầu từ thị trấn Phong Điền đến phường Trường Lạc, quận Ô Môn) với tổng mức đầu tư trên 570 tỷ đồng.
50 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Vòng Cung đất lửa đã ghi dấu vào trang sử hào hùng của dân tộc. Giờ đây, nhịp sống sung túc đang diễn ra trên vùng đất anh hùng. Một vùng đất từng bị cày nát, oằn mình vì bom đạn nay đã vươn mình trở thành vùng du lịch sinh thái miệt vườn, vương quốc cây ăn trái nổi tiếng vùng đất Tây Đô. Vòng Cung đất lửa đã thực sự được xanh hóa./.
- Từ khóa:
- 50 năm
- Thống nhất
- đất nước
- Đất lửa
- nở hoa
- Phong Điền