Hội nhập

Chia sẻ thông tin về định hướng hợp tác ASEAN trong giai đoạn tới

Chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2025 của Malaysia là: Bao trùm và Bền vững.

Chiều 17/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin về tình hình, định hướng hợp tác ASEAN cho cán bộ thông tin tuyên truyền, các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông.

Ông Trần Đức Bình, Vụ trưởng, Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao thông tin về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN 44,45: ASEAN: Thúc đẩy Kết nối và Tự cường - thành tựu và định hướng ưu tiên của ASEAN trong giai đoạn tới
Ảnh: TTXVN 

Thông tin về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN 44,45: ASEAN: Thúc đẩy Kết nối và Tự cường - thành tựu và định hướng ưu tiên của ASEAN trong giai đoạn tới, ông Trần Đức Bình, Vụ trưởng, Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao cho biết: Năm Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào có chủ đề: "ASEAN: Thúc đẩy Kết nối và Tự cường" (ASEANO LAO PDR 2024) đặt ra 9 ưu tiên; trong đó, có 4 ưu tiên về tăng cường kết nối ASEAN, bao gồm hội nhập, kết nối kinh tế, xây dựng tương lai toàn diện và bền vững, chuyển đổi số, văn hóa - nghệ thuật; cùng 5 ưu tiên về tự cường ASEAN, gồm: xây dựng chiến lược tổ chức thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hợp tác về môi trường, phụ nữ - trẻ em, và y tế.

Hội nghị cấp cao ASEAN 44,45 đã xác định: Xây dựng Cộng đồng ASEAN ASEANO LAO PDR 2024: củng cổ đoàn kết, thống nhất, tự chủ chiến lược, vai trò trung tâm, cân bằng chiến lược trong quan hệ đối ngoại, kết thúc cuộc đối thoại, hợp tác, tin cậy, đề cao luật pháp quốc tế. Đã có 91 văn kiện được thông qua.

Quang cảnh cuộc họp
Ảnh: Phúc Hằng - TTXVN

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng tái khẳng định cam kết hỗ trợ Timor Leste thực hiện lộ trình trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN, nâng cao năng lực, thủ tục cho Timor Leste tham gia các văn kiện pháp lý.

Đối với tình hình Myanmar, các nước bày tỏ quan ngại về bất ổn, bạo lực tiếp diễn, các loại hình tội phạm xuyên quốc gia gia tăng sẽ ảnh hướng môi trường an ninh, ổn định khu vực; kiểm điểm thực hiện 5PC và thông qua nhiều quyết định: Yêu cầu chấm dứt bạo lực, ngừng tấn công thường dân và hạ tầng công cộng; tiếp tục can dự với các bên liên quan để xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại toàn diện hướng tới một giải pháp hòa bình, bền vững; tiếp tục triển khai cơ chế Troika và mở rộng cho các nước ASEAN quan tâm. Đồng thời tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44
Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Liên quan đến quan hệ đối ngoại của ASEAN (8 Hội nghị cấp cao ASEAN+1, Hội nghị cấp cao ASEAN+3, Hội nghị cấp cao EAS) LAD PDR 2024, các đối tác khẳng định ASEAN là ưu tiên trong chính sách tại khu vực, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN; cùng ASEAN triển khai hợp tác toàn diện, đẩy mạnh kết nối kinh tế, thương mại và đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao tự cường, hợp tác giáo dục, đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về môi trường an ninh thế giới và khu vực, các nước quan ngại về biến động, các thách thức đang nổi lên do cạnh tranh nước lớn, xung đột tại nhiều khu vực và các vấn đề an ninh phi truyền thống; đề cao luật pháp quốc tế, Hiến chương Liêp hợp quốc, chủ nghĩa đa phương, tránh cường quyền, sử dụng vũ lực, cưỡng ép, các nước lớn quản lý quan hệ, xử lý hòa bình khác biệt, đóng góp cho hòa bình, xử lý các thách thức chung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Phiên bế mạc Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44, 45. 
Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Đối với vấn đề Biển Đông, các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; kiềm chế, không sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình, tranh chấp theo Luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển (UNCLOS), thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) hiệu thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS.

Chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2025 của Malaysia là: Bao trùm và Bền vững. Các ưu tiên gồm: kỷ niệm 10 năm Cộng đồng ASEAN; chung tay xử lý các thách thức; thúc đẩy thịnh vượng chung, không bỏ lại ai phía sau; củng cố, liên kết nội khối, thúc đẩy hội nhập và kết nối các nền kinh tế ASEAN; tăng cường thương mại và đầu tư, mở rộng hợp tác kinh tế với các đối tác vì tăng trưởng bao trùm và bền vững; xây dựng ASEAN tự cường ở khía cạnh số...

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe chia sẻ về Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau 2025, cơ hội và triển vọng từ Hiệp định khung Kinh tế Số ASEAN (DEFA); thông tin về nỗ lực của ASEAN trong việc hình thành và thiết lập các biện pháp hỗ trợ lao động di cư trong khu vực do đại diện các Bộ Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày.../.

Phúc Hằng

Tin liên quan

Xem thêm