Thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc một lần nữa khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Đó là bản hùng ca không bao giờ quên của cả dân tộc.
TTXVN - Rạng sáng 17/2/1979, quân và dân cả nước ta đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc gồm 6 tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Dọc dài biên cương Tổ quốc, những đồi hoa sim tím vẫn in đậm tên đất, tên người và những trận chiến đấu ác liệt năm đó. Nhắc đến quá khứ hào hùng đó để mỗi người dân Việt Nam tôn vinh, tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do, vì khát vọng hòa bình; đồng thời giáo dục thế hệ trẻ và nhắc nhở tất cả các thế hệ người dân Việt Nam phải trân trọng giá trị của hòa bình.
-
Để bờ cõi biên cương được bình yên, hàng nghìn thanh niên trai tráng, bộ đội, quân và dân ta đã ngã xuống. Những ngôi mộ liệt sĩ “chưa biết tên” đã làm nên tên tuổi của một dân tộc anh hùng. Trong ảnh Cựu chiến binh trở lại Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) thắp nén hương thơm tưởng nhớ những người đồng đội đã hi sinh. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
-
Thắp nén hương thơm tưởng nhớ những đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) - "ngôi nhà chung" của các liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
-
Người cựu chiến binh tham gia Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ở mặt trận Vị Xuyên năm xưa, trở lại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên để thắp nén hương tưởng nhớ những người đồng đội đã hy sinh. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
-
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim và đồng đội đưa hài cốt liệt sĩ Đình Văn Chung (hy sinh trên cao điểm 900, mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang) về nghĩa trang liệt sĩ xã Thanh Thủy. (Ảnh: TTXVN phát)
-
Cầu Hồ Kiều ở thị xã Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc tỉnh Lào Cai) bị địch dùng thuốc nổ phá sập khi rút lui, cuối tháng 3/1979 (Ảnh: Nguyễn Trân/TTXVN)
-
Cầu Bằng Giang và 1 phần trung tâm thị xã Cao Bằng bị địch phá hủy. (Ảnh: Nguyễn Trân/TTXVN)
-
Nhà cửa, đường phố ở thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Tuyên bị đạn pháo của địch tàn phá trong ngày 8 và 9/3/1979 (Ảnh: Ngọc Quán/TTXVN)
-
Ngày 17/2/1979, địch dùng bộc phá, thuốc nổ, đại bác bắn vào khu mỏ Apatít Lào Cai (tỉnh Hoàng Liên Sơn), phá hủy toàn bộ khu mỏ (Ảnh: Nguyễn Trân/TTXVN)
-
Hình ảnh người chiến sĩ cầm súng B41 hướng về phía quân xâm lược, bên cạnh là cột mốc số 0 Lạng Sơn, rạng sáng 17/2/1979 mang tính biểu tượng về Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 (Ảnh tư liệu/TTXVN phát)
-
Bộ Chỉ huy mặt trận Lạng Sơn cùng chỉ huy Đoàn 327 bàn phương án tác chiến tại hang Chùa Tiên (thị xã Lạng Sơn) (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)
-
Bộ đội ta hành quân lên mặt trận phía Bắc, tháng 2/1979. (Ảnh: Nhật Trường/TTXVN)
-
Các nữ chiến sĩ tự vệ Lâm trường Bản Phiệt, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc tỉnh Lào Cai) bám trụ chiến đấu, phối hợp với bộ đội địa phương đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. (Ảnh: Nguyễn Trân/TTXVN)
-
Chi đoàn thanh niên huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) vận chuyển đạn lên chốt, góp phần cùng bộ đội đánh trả các đợt lấn chiếm của địch (Ảnh: Đình Trân/TTXVN)
-
Chiến sĩ biên phòng Ngô Duy Nhung cứu sống kịp thời một cháu bé từ trong đống đổ nát (Ảnh: Ngô Đình Phước/TTXVN)
-
Chiến sĩ thông tin Phạm Văn Do, Đại đội 18, Đoàn Y Hà Tuyên dũng cảm làm nhiệm vụ, đảm bảo đường dây thông suốt phục vụ chiến đấu. Anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba (Ảnh: Minh Lộc/TTXVN)
-
Phóng viên Isao Takano (đeo kính) của Báo Akahata - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản đi đưa tin tại thị xã Lạng Sơn những ngày đầu của cuộc chiến đấu. Anh hy sinh vào trưa ngày 7/3/1979, tại đầu đường Quang Trung, phường Chi Lăng, thị xã Lạng Sơn. (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)