Đà Nẵng tích cực hợp tác với các địa phương nước bạn Lào; thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Đà Nẵng với 5 tỉnh Nam Trung Lào. Trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Lào, hợp tác về lĩnh vực nông - lâm, công thương.
Với vị thế là trung tâm kinh tế của miền Trung, Đà Nẵng luôn quan tâm đến công tác hội nhập và hợp tác quốc tế. Công tác ngoại giao kinh tế cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa luôn là trụ cột vững chắc trong đối ngoại của TP. Đà Nẵng. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Đề án Hội nhập và hợp tác quốc tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2030. Đối với nước bạn Lào, thành phố đang tích cực hợp tác với các địa phương nước bạn.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Đà Nẵng là thành phố có vị trí chiến lược ở khu vực, vì vậy Bộ Chính trị đã có nhiều Nghị quyết về xây dựng và phát triển thành phố, nổi bật là Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đang được thành phố quyết liệt triển khai. Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam cũng ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, trong đó cho phép Đà Nẵng nghiên cứu hình thành Khu thương mại tự do đầu tiên tại Việt Nam. Một trong những mục tiêu hình thành Khu thương mại tự do là để kết nối thương mại giữa các nước trong khu vực và quốc tế, trong đó có nước bạn Lào. Quốc hội cũng cho phép Đà Nẵng thực hiện các cơ chế phát triển về khoa học, đổi mới sáng tạo, nhất là các ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... Hiện, thành phố tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để triển khai Nghị quyết; đồng thời thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại Đại hội XIII của Đảng cũng như Đại hội Đảng bộ thành phố về phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, thành phố đang tích cực hợp tác với các địa phương nước bạn Lào; thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Đà Nẵng với 5 tỉnh Nam Trung Lào. Trong đó, Đà Nẵng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Lào, cấp thêm nhiều học bổng toàn phần cho các du học sinh Lào. Thành phố cũng cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác, trao đổi các chuyên gia về lĩnh vực nông - lâm, công thương và thúc đẩy hợp tác với các địa phương trong Hành lang kinh tế Đông - Tây. Thời gian tới, Đà Nẵng tăng cường trao đổi đoàn với các địa phương, mong muốn thúc đẩy mối quan hệ giao lưu hữu nghị với các địa phương Lào.
Thời gian qua, Lào đạt được những thành tựu quan trọng, an ninh và ổn định chính trị được giữ vững; kinh tế có xu hướng tăng trưởng tốt hơn, GDP 6 tháng đầu năm 2024 đạt 4,7%. Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena cho biết, bản thân rất quan tâm quá trình phát triển của thành phố; những chỉ đạo, định hướng mới của Bộ Chính trị, Quốc hội Việt Nam đối với Đà Nẵng, nhất là mô hình chính quyền đô thị. Lào và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng trong phát triển đất nước, Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện mô hình mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lào cho biết, các địa phương Lào đang quan tâm về các mô hình, bài học kinh nghiệm của Đà Nẵng; mong thành phố tiếp tục ủng hộ, trao đổi với các địa phương Lào trong xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Vừa qua, Đà Nẵng đã hỗ trợ 300 suất học bổng cho du học sinh Lào, ông mong muốn thành phố tiếp tục có những chính sách hỗ trợ đối với công tác đào tạo nhân lực cho các tỉnh Nam Trung Lào.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lào mong muốn, lãnh đạo các địa phương hai nước tiếp tục lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hai bên trong hoạt động thông thương, buôn bán. Đồng thời, ông hy vọng thời gian tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tại Đà Nẵng và của Việt Nam quan tâm đầu tư, phát triển tại các địa phương của Lào...
Cũng tại buổi hội đàm hội đàm giữa Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena (Sổm - Mạt Phôn - Xể - Na) tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra chiều 4/9 vừa qua, hai bên thống nhất tiếp tục nỗ lực phối hợp để tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư thành một trụ cột quan trọng, xứng tầm với quan hệ chính trị; có cơ chế chính sách phù hợp, hiệu quả để giải phóng nguồn lực cho hợp tác kinh tế, đẩy mạnh thương mại, đầu tư giữa hai nước, trọng tâm là kết nối hai nền kinh tế, nhất là hạ tầng về giao thông, hướng kinh tế Lào ra biển (Cảng Vũng Áng và các cảng Việt Nam)…/.