Thời sự

Đại hội X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Nghiên cứu có tài khoản đặc biệt để tiếp nhận nếu người ủng hộ không muốn công bố danh tính

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, khi thực hiện công khai minh bạch, tỷ lệ những người ủng hộ cũng như số kinh phí đóng góp nhiều hơn và tăng rất nhanh.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa X trả lời các câu hỏi của các nhà báo. 
Ảnh: TTXVN

Diễn ra từ ngày 16-18/10, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã thành công tốt đẹp. Sau phiên bế mạc Đại hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X đã có những chia sẻ với báo chí liên quan đến kết quả Đại hội cũng như việc thực hiện các mục tiêu, nội dung chương trình hành động trong nhiệm kỳ mới.

Liên quan đến vai trò và phương hướng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ mới trong việc thực hiện các nhiệm vụ để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, đến năm 2030 chúng ta sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhìn lại 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: Đó là sự đột phá về thể chế, đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; đột phá về nguồn nhân lực.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong nhiệm kỳ mới là tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, cần thiết đưa ra những chương trình, nội dung có thể phát huy được sức mạnh trong nhân dân, bao gồm cả nhân tài, tiền tài, vật lực và sự đồng thuận của nhân dân; tiếp tục tập hợp, vận động, thuyết phục nhân dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, ủng hộ các chương trình, hoạt động lớn do Đảng, Nhà nước phát động, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển vươn mình.

Khẳng định chuyển đổi số là một chủ trương, yêu cầu rất quan trọng phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho hay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xác định đây là một trong những nội dung quan trọng để có thể tăng cường, thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ của mình.

Về lĩnh vực này, Ban Thường trực đã chỉ đạo, cùng phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo về Đề án chuyển đổi số. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong nhiệm kỳ tới, sẽ thực hiện chung với Đề án chuyển đổi số của các ban Đảng, các cơ quan Trung ương. Điển hình như ngay trong Đại hội X, toàn bộ nội dung tài liệu cho các đại biểu đã được đưa vào ứng dụng, chỉ cần quét mã hoặc truy cập ứng dụng có thể theo dõi được toàn bộ tài liệu.

Trong Đề án chuyển đổi số, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự kiến sẽ thực hiện mạnh mẽ trong công tác tham mưu chuyên môn, nắm bắt, tập hợp ý kiến của cử tri, của nhân dân trên môi trường mạng, môi trường số. Bên cạnh đó, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sẽ sử dụng rất nhiều ứng dụng chuyển đổi số. Tất cả vì mục tiêu là thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới. Chuyển đổi số cũng là nội dung đã được đề cập trong Nghị quyết, Văn kiện Đại hội X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây sẽ là nội dung sẽ được thực hiện rất mạnh mẽ trong thời gian tới.

Chia sẻ về vấn đề sao kê tiền ủng hộ bão, lũ trong thời gian qua, trong đó có bão Yagi, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, khi thực hiện công khai minh bạch, tỷ lệ những người ủng hộ cũng như số kinh phí đóng góp nhiều hơn và tăng rất nhanh. Đến ngày 10/10/2024, Ban Vận động Cứu trợ Trung ương đã nhận kinh phí ủng hộ là 2.091 tỷ đồng, trong đó đã phân bổ 1.035 tỷ đồng về 26 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, để phù hợp với yêu cầu và tình hình, thời gian tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ nghiên cứu có thêm tài khoản đặc biệt để dùng trong những trường hợp tiếp nhận từ các tập thể, cá nhân có số tiền ủng hộ lớn nhưng không nhất thiết công bố danh tính, sẽ chỉ có người ủng hộ và một số ít người biết.

Ông Đỗ Văn Chiến cũng thông tin: Nguồn tiền ủng hộ được phân bổ để tập trung giải quyết 3 việc chính, theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ và tương đối công bằng: Thứ nhất, hỗ trợ nhà bị sập, đổ và sửa chữa nhà. Định mức tối thiểu hỗ trợ cho nhà sập đổ hoàn toàn là 50 triệu đồng, có thể cao hơn do địa phương quyết định vì đây chỉ là nguồn của Mặt trận, ngoài ra còn nhiều nguồn khác. Thứ hai, hỗ trợ cho những người gia đình bị mất, bị thương, mất tích; hỗ trợ lương thực thực phẩm, đảm bảo không ai bị đói, thiếu nước, hỗ trợ cho học sinh quay trở lại trường học. Thứ ba, sau khi hỗ trợ đợt 1 sẽ thống kê lại tình hình thiệt hại của từng địa phương để phân bổ tiếp đợt 2.

“Tôi cam kết nếu phát hiện được sử dụng nguồn này mà không đúng mục đích, không hiệu quả, có biểu hiện tiêu cực thì tôi xin thưởng. Vì đây là đồng tiền rất thiêng liêng. Tôi đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chi phí cho công tác tiếp nhận, phân bổ, sử dụng đều phải sử dụng ngân sách nhà nước, không được sử dụng “một cắc, một đồng” nào của nhân dân đóng góp. Tất cả các gia đình, tổ chức cá nhân được thụ hưởng phải niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nói. Ông cũng khẳng định Mặt trận các cấp sẽ nỗ lực cao nhất để công khai minh bạch ở cả hai đầu: tiếp nhận và phân bổ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực có thể xảy ra.

Về vấn đề xóa đói giảm nghèo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng cần tổ chức phân loại. Cụ thể, đối với hộ không còn sức lao động, không có khả năng tự lo được cho mình, nên chuyển sang chế độ "trợ cấp xã hội" để họ có cuộc sống ổn định, không tiếp tục thống kê họ vào số hộ nghèo để áp dụng các biện pháp xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, đề xuất có chính sách nâng mức trợ cấp xã hội để nhóm đối tượng này có thể đảm bảo duy trì được mức sống trung bình.

Theo ông Đỗ Văn Chiến, hiện nay Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang phát động chương trình “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước, phấn đấu năm 2025 sẽ xóa xong nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, cận nghèo trên toàn quốc, thiết thực kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước.

“Cả hệ thống chính trị vào cuộc thì chúng ta sẽ làm được. Khó khăn như Điện Biên, nghèo như Điện Biên, yếu như Điện Biên mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong 8 tháng làm được 5.000 căn nhà, thì với quyết tâm rất cao, tôi tin chúng ta sẽ làm được, góp phần vào xóa đói giảm nghèo. Bởi trong các khó khăn của người nghèo thì nghèo về nhà ở là cái cần quan tâm đầu tiên, an cư thì mới lạc nghiệp, sau đó là các sinh kế khác", Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói./.

Hiền Hạnh – Đỗ Bình

Tin liên quan

Xem thêm