Xã hội

Đảm bảo cung ứng rau sạch cho người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão

Quảng Nam

Theo Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, vụ rau Tết năm nay, theo kế hoạch, làng trồng rau truyền thống Trà Quế sản xuất khoảng 20 tấn rau các loại phục vụ nhân dân dịp Tết.

Người dân làng trồng rau truyền thống Trà Quế ở xã Cẩm Hà, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam). (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)

(TTXVN) Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nhưng hiện nay, hầu hết lượng rau xanh của làng trồng rau truyền thống Trà Quế ở xã Cẩm Hà, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) sản xuất dự bán ra dịp Tết được thương lái, siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh đặt mua.

Theo ông Mai Kim Phương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, vụ rau Tết năm nay, theo kế hoạch, làng trồng rau truyền thống Trà Quế sản xuất khoảng 20 tấn rau các loại phục vụ nhân dân dịp Tết. Với giá thị trường dịp Tết ước khoảng 25.000 đồng/kg, làng rau đạt doanh số khoảng 500 triệu đồng, sau khi trừ đi tất cả chi phí còn lãi khoảng 400 triệu đồng.

Theo thống kê của UBND xã Cẩm Hà, hiện nay, làng rau truyền thống Trà Quế có 220 hộ tham gia sản xuất rau trên tổng diện tích 18,5ha, các hộ tham gia trồng từ 0,5-1,5 sào/hộ. Năm 2022, làng trồng rau Trà Quế sản xuất, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh trên 852 tấn rau (cải, xà lách, dền, cúc, bắp cải, su hào, hành lá…và các loại rau thơm dùng ăn sống), bình quân 2 tấn/ngày, đạt doanh số 12,78 tỷ đồng, tăng gần 0,7 tỷ đồng so với năm 2021. Sau khi trừ đi chi phí, người dân trồng rau truyền thống Trà Quế còn lãi gần 11,5 tỷ đồng.

Làng trồng rau truyền thống Trà Quế đã có hơn 400 năm lịch sử. Tất cả các hộ dân trong làng đều xem trồng rau là nghề truyền thống. Để bảo tồn và phát triển làng nghề, từ bao đời nay, người dân đã có hương ước, quy định, tất cả hộ dân tham gia sản xuất rau phải theo phương châm “Vì sức khỏe của người sử dụng lên hàng đầu”. Do đó, các hộ dân đều trồng, chăm sóc rau theo hướng hữu cơ, không sử dụng hóa chất, thuốc kích thích, ưu tiên áp dụng phương pháp phòng, chống sâu bệnh được chế biến theo truyền thống từ nguyên liệu tự nhiên như ớt cay, tỏi, gừng, bạc hà...

Một số hộ dân trong làng cho biết, nhờ trồng rau nên đời sống của người dân trong làng ngày càng ổn định và phát triển. Đặc biệt, người dân có điều kiện chăm sóc con học hành đến nơi đến chốn. Nhờ đó, tỷ lệ con em trong làng thi đỗ các trường đại học, cao đẳng hàng năm tăng.

Để tạo điều kiện cho các hộ dân đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, hàng năm, thành phố Hội An và xã Cẩm Hà đều có chương trình hỗ trợ cây giống, phân bón cho làng nghề (30 triệu đồng/năm); phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm, Phòng kinh tế của thành phố tổ chức mở lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để bà con áp dụng vào sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm của làng nghề.

Bên cạnh đó, xã tổ chức cho người dân đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở một số làng nghề trồng rau nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Xã Cẩm Hà thành lập Hợp tác xã rau Trà Quế xanh để quảng bá, làm đầu mối kết nối, tiêu thụ nguồn rau sạch của làng với các trung tâm thương mại, chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh; phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa - Thể dục - Thể thao và Truyền hình của thành phố tổ chức tour du lịch trải nghiệm tại làng nghề để quảng bá sản phẩm du lịch...

Tháng 10/2022, làng trồng rau truyền thống Trà Quế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông Mai Kim Phương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà khẳng định, để bảo tồn, phát triển làng nghề, vừa qua, Ủy ban nhân dân xã đã khoanh vùng, quy hoạch diện tích trồng rau nhằm bảo vệ diện tích và cảnh quan làng nghề; hướng người dân sản xuất theo quy trình hữu cơ, bảo vệ thương hiệu rau Trà Quế trên thị trường./.

Trịnh Bang Nhiệm

Xem thêm