"Dân vận khéo 1+10” ở Hưng Yên - cách làm sáng tạo, việc khó hóa dễ: Bài 2 - Công nghệ kết nối, lòng dân hòa quyện
Mô hình nhóm Zalo Dân vận khéo được lập ra theo nhóm đối tượng cụ thể: Nhóm tôn giáo, nhóm thanh niên, nhóm tiểu thương, nhóm môi trường… để kết nối với nhân dân, truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước một cách kịp thời, trực quan, gần gũi.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, đối với cán bộ làm công tác dân vận là “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; dân vận “không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” mà “phải thật thà nhúng tay vào việc”. Từ những nội dung đã chỉ ra của công tác dân vận, Người kết luận: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Quán triệt tinh thần đó, với sứ mệnh đi trước mở đường, đi cùng thực hiện và đi sau đúc rút, vai trò dân vận đã và đang tạo ra những đổi thay về nhận thức của người dân Hưng Yên trong tiến trình phát triển. Không chỉ với cách thức tuyên truyền truyền thống, công tác dân vận của Đảng tại Hưng Yên đã bám sát Nghị quyết 57-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia để đưa chính sách của Đảng tới nhân dân. Từ đó, nâng tầm công tác dân vận ở Hưng Yên, dẫn dắt lòng dân tin theo Đảng.
* Dân vận khéo dẫn dắt chuyển đổi số tới từng người dân
Tại thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm cũ), 566 đảng viên ở 6 chi bộ khu dân cư tham gia mô hình “Dân vận khéo 1+10”, phụ trách 4.785 hộ dân (trong đó có 410 hộ có đảng viên đang sinh hoạt nơi cư trú).
Để tăng cường kết nối và tương tác với người dân, các chi bộ, tổ dân phố thành lập các nhóm Zalo “Dân vận khéo 1+10”. Mỗi nhóm có 1 đảng viên phụ trách và 10 hộ dân. Đây là diễn đàn để đảng viên cập nhật nhanh chóng tình hình an ninh trật tự, chủ trương, chính sách mới; đồng thời là nơi người dân phản ánh tâm tư, đề xuất nguyện vọng hoặc vấn đề xảy ra trong khu dân cư tới chính quyền.
Mô hình “Dân vận khéo 1+10” đóng vai trò tích cực trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ về chuyển đổi số. Ở thị trấn Như Quỳnh, các đảng viên trực tiếp hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng, cập nhật dữ liệu dân cư, tạo tài khoản định danh điện tử cấp độ 2, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, góp phần nâng cao chỉ số chuyển đổi số của địa phương.
Cũng từ mô hình này, việc lấy ý kiến nhân dân về các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trở nên dễ dàng, minh bạch, hiệu quả hơn trước. Trong đợt lấy ý kiến cử tri về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, thị trấn Như Quỳnh có tỷ lệ lấy ý kiến đạt gần 100%. Kết quả này phản ánh sự đồng thuận cao của người dân, trong đó có vai trò dẫn dắt, tuyên truyền sâu sát của đảng viên theo mô hình 1+10.
Còn gần đây nhất, ở lần lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, mô hình “Dân vận khéo 1+10” tại Hưng Yên đã phát huy tác dụng rõ rệt trong tuyên truyền hỗ trợ người dân đóng góp ý kiến. Kết quả cho thấy, cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận rất cao với chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo đồng chí Nguyễn Hồng Vương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Như Quỳnh, không chỉ là phong trào mà hằng tháng, trong các cuộc họp chi bộ đều đánh giá kết quả thực hiện mô hình “Dân vận khéo 1+10”, gắn triển khai nghị quyết chi bộ với thực hiện nhiệm vụ của các đảng viên được phân công phụ trách các hộ.
“Việc gắn kết quả mô hình với đánh giá, xếp loại đảng viên giúp đảm bảo công bằng, phát huy trách nhiệm cá nhân, đồng thời thúc đẩy chất lượng sinh hoạt chi bộ”, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Như Quỳnh khẳng định.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, các mô hình “Dân vận khéo 1+10” trên địa bàn tỉnh đã có sự linh hoạt trong ứng dụng công nghệ, mạng xã hội để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng tại mỗi địa phương và khu dân cư.
Mô hình nhóm Zalo Dân vận khéo được lập ra theo nhóm đối tượng cụ thể: Nhóm tôn giáo, nhóm thanh niên, nhóm tiểu thương, nhóm môi trường… để kết nối với nhân dân, truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước một cách kịp thời, trực quan, gần gũi. Mô hình dân vận khéo kết hợp với ứng dụng công nghệ góp phần đưa công tác tuyên truyền, vận động của Đảng tại Hưng Yên lên tầm cao mới, phù hợp thực tiễn.
Không chỉ tuyên truyền đường lối, việc ứng dụng công nghệ trong nhóm dân vận khéo là bằng chứng sinh động, cụ thể, sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Nhờ mô hình “Dân vận khéo 1+10” giúp nhiều hộ dân trên địa bàn bàn tỉnh có thêm kiến thức; cảnh giác trước thông tin xấu độc. Đặc biệt, mô hình còn bổ trợ kiến thức cho nhiều người dân nông thôn thoát được bẫy lừa đảo qua mạng.
*Kết nối, chia sẻ niềm tin, hơi ấm của Đảng
Nằm trong con ngõ sâu của thôn Trà Phương, xã Hồng Quang (Hưng Yên) là nhà bà Trần Thị Hằng năm nay hơn 60 tuổi.
Những lúc nông nhàn, bà lại tìm đến mạng xã hội để giải khuây. Trong một lần như thế, bà nhận được cuộc gọi bằng hình ảnh có khuôn mặt của người thân, hỏi vay tiền, hướng dẫn cách vào đường link để chuyển khoản. Đang thao tác làm theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo, bà Hằng chợt nhớ đến những khuyến cáo của đảng viên mô hình “Dân vận khéo 1+10” nên kịp thời dừng lại không chuyển số tiền hơn 10 triệu đồng cho kẻ xấu. Nhắc lại tình huống với vẻ xúc động, bà Hằng còn nhấn mạnh: "Nhờ mô hình mà tôi mới thoát nạn. Tôi thấy mô hình rất hiệu quả, bổ ích đối với người dân. Qua sự việc của mình, tôi đã đi tuyên truyền rộng rãi tới bà con trong làng để cùng cảnh giác với tội phạm mạng”.
Tương tự, bà Đỗ Thị Vang, thôn Đình Dù (xã Như Quỳnh), trong buổi sáng mùa hè bị đối tương đe dọa “liên quan đường dây ma túy” và liên tục hối thúc chuyển tiền để minh oan. Khi đang vội ra ngân hàng, bà được một người đảng viên - người họ hàng trong mô hình "Dân vận khéo 1+10" - kịp thời cảnh báo. Nhờ đó, bà tránh được một vụ lừa đảo tinh vi.
Không chỉ có vậy, qua thống kê, các mô hình “Dân vận khéo 1+10” ở Hưng Yên vận động quyên góp được hàng trăm triệu đồng, giúp hàng chục hộ cải tạo nhà, xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Đơn cử bà Trần Thị Nghĩa, thôn Trà Phương (Hồng Quang) là hộ neo đơn ở trong căn nhà dột nát. Chi bộ thôn cắt cử đảng viên Nguyễn Thị Thủy theo dõi hỗ trợ, giúp đỡ.
Sau khoảng 1 năm đã huy động được 100 triệu đồng để cải tạo, sửa chữa cho bà Nghĩa căn nhà kiên cố. Ngoài ra những lúc rảnh rỗi, đảng viên trong mô hình còn đến thăm hỏi, động viên, giúp cuộc sống đỡ cô quạnh. Bà Nghĩa chia sẻ, bà rất cảm ơn mô hình “Dân vận khéo 1+10” mang đến cho bà sự an tâm tuổi già, khi được sống trong ngôi nhà vững chãi hơn.
Những câu chuyện đời thường ấy chứng minh, dân vận khéo không chỉ là chính trị mà còn là điểm tựa bình yên cho từng người dân Hưng Yên.
Nói về điều này, ông Trần Văn Vui, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phù Cừ (cũ) cho biết, với quyết tâm chính trị rất cao, huyện “phủ sóng” mô hình “Dân vận khéo 1+10” tới tất cả các xã. Theo đó, các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy được phân công đôn đốc, giám sát mô hình. Kết quả bước đầu cho thấy, rất khả quan, đã huy động sức mạnh tổng hợp của đảng viên, quần chúng nhân dân trong xây dựng quê hương giàu đẹp. Địa phương bổ sung thêm nhiệm vụ cho mô hình để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng quan điểm, bà Tôn Kim Thúy, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lạc Đạo chia sẻ, mô hình là minh chứng sinh động cho tư tưởng gần dân, sát dân của Bác Hồ. Cầu nối giữa máu thịt giữa Đảng và nhân dân không còn chỉ là khẩu hiệu mà được hiện thực hóa bằng những hành động, sự gắn bó, trách nhiệm của từng đảng viên qua công tác dân vận.
Từ góc độ chi bộ, ông Nguyễn Văn Sơn, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Trà Phương (Hồng Quang) cho hay, khi có mô hình giúp việc quản lý dân cư trên địa bàn thuận lợi hơn. Tình hình an ninh trật tự ổn định; tệ nạn trong thôn không còn.
“Trước kia, dân còn e dè, giờ cứ có việc là tìm đến đảng viên. Chúng tôi coi đó là thành công lớn nhất. Chi bộ có nghị quyết sẽ phát huy và mở rộng, làm sâu sắc thêm mô hình này tới tất cả các khu dân cư, để lan tỏa hơn”, ông Nguyễn Văn Sơn nói.
Qua khảo sát tại địa bàn tỉnh Hưng Yên nhận thấy, nhiều chi bộ nâng tầm mô hình “Dân vận khéo 1+10”, qua việc phát sổ “nhật ký dân vận”. Theo đó, mỗi lần thăm, gặp người dân, đảng viên ghi lại tâm tư nguyện vọng để báo cáo tổ chức đảng xem xét, giải quyết theo chức năng, thẩm quyền. Đây sẽ là kho dữ liệu quý để tổ chức Đảng điều chỉnh phương pháp lãnh đạo, sát thực tế hơn.
Không phải ngẫu nhiên mô hình “Dân vận khéo 1+10” ở Hưng Yên lại tạo được sức sống bền bỉ, lan tỏa sâu rộng như hiện nay. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa công nghệ và con người, giữa chủ trương đúng và cách làm khéo. Từ việc hỗ trợ dân chuyển đổi số, cảnh báo tội phạm mạng, đến ghi nhật ký tiếp xúc dân, lắng nghe ý kiến nhân dân… mô hình đang từng bước hiện thực hóa tinh thần “lấy dân làm gốc” trong điều kiện mới. Nhờ vậy, mỗi đảng viên trong mô hình không còn chỉ là người truyền đạt nghị quyết mà còn là người bạn đồng hành, người bảo vệ, người kết nối niềm tin - một cách tự nhiên, giản dị nhưng đầy hiệu quả./. (Còn tiếp)
Bài 3 - Củng cố tổ chức Đảng bằng sức mạnh từ lòng dân
- Từ khóa:
- "Dân vận khéo 1+10”
- Hưng Yên
- công nghệ
- lòng dân