Để cuộc sống người dân ổn định, tỉnh Yên Bái đã chủ động những giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Yên Bái là tỉnh miền núi với địa hình phức tạp. Mùa mưa thường xảy ra ngập sâu tại vùng trũng, sạt lở đất ở khu vực đồi núi gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Do vậy, để cuộc sống người dân ổn định, tỉnh chủ động những giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
* Người dân chủ động “4 tại chỗ”
Phường Hồng Hà là cửa ngõ của thành phố Yên Bái nối với các huyện phía Tây của tỉnh. Từ lâu, khu vực này là tâm điểm ngập lụt của thành phố mỗi khi trời mưa to kéo dài và nước sông Hồng dâng cao.
Những ngày cuối năm 2024, tại vùng tâm lũ ngập sâu này, hoạt động kinh doanh buôn bán của người dân phường Hồng Hà nhộn nhịp trở lại.
Tại một ki ốt ở tầng 1 chợ Yên Bái (chợ Ga), bà Ngô Thị Lệ Nga đã chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Bà Nga bộc bạch, bao nhiêu hàng hóa chuẩn bị cho dịp Trung thu vừa rồi đều bị nước lũ cuốn trôi, thiệt hại hơn một tỷ đồng. Thiệt hại lớn cũng một phần do sự chủ quan. Bà không nghĩ nước lũ lên nhanh và ngập sâu như vậy. Không chỉ ki ốt của bà, toàn bộ các ki ốt ở tầng 1 trong chợ đều mất sạch.
Ông Phạm Ngọc Quý, Phó Chủ tịch UBND phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái cho biết, sau lũ, phường triển khai ngay các giải pháp để nhanh chóng ổn định đời sống cho nhân dân. Thiệt hại vừa qua, đa số người dân còn chủ quan cứ nghĩ chỉ ngập như năm 2008. Thế nên, khi nước dâng lên nhanh, người dân rơi vào bị động.
Theo ông Quý, một trong những khó khăn di dời người dân ra khỏi vùng ngập lụt là thông tin liên lạc bị gián đoạn. Do vậy, để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, các nhà mạng cần đầu tư lại cơ sở hạ tầng thông tin; các đầu mối trạm cần được đặt ở vị trí cao, khi nước ngập sẽ không bị ảnh hưởng. Đồng thời, chính quyền các cấp quan tâm, bổ sung kinh phí nạo vét toàn bộ hệ thống thoát nước, cống rãnh trên địa bàn, đảm bảo an toàn trong mùa mưa.
Không chỉ khu vực ngập lụt, các hộ dân ở thành phố Yên Bái nằm dưới chân đồi cũng bị thiệt hại lớn. Toàn thành phố có gần 500 điểm sạt lở với trên 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng (trong đó, 69 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng hoàn toàn).
Gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái bị sạt lở đất đá vào khu vực tầng 1, phải ở tạm ngoài sân hơn 1 tháng. Anh Tuấn chia sẻ, khi địa chất ổn định, anh kiểm tra khu vực đồi phía sau nhà nhận thấy có thể khắc phục được. Anh Tuấn đã báo cáo chính quyền địa phương xin được múc đất hạ ta luy nhằm đảm bảo an toàn cho gia đình. Đến nay, cuộc sống gia đình anh ổn định, yên tâm làm ăn.
Ông Nguyễn Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái cho biết, bão Yagi gây thiệt hại 1.179 tỷ đồng tại thành phố. Ngoài các biện pháp triển khai trước mắt, thành phố cũng đưa ra các giải pháp lâu dài. Theo đó, thành phố tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, các hộ dân đánh đất, xử lý, khắc phục các điểm có nguy cơ cao sạt lở để đảm bảo an toàn; đẩy nhanh tiến độ khắc phục, sửa chữa các công trình hạ tầng bị thiệt hại đã được bố trí vốn để sớm đưa vào sử dụng.
Về khôi phục sản xuất, thành phố khuyến cáo nhân dân lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu thay đổi; phối hợp với các ngân hàng thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vay vốn với lãi suất ưu đãi; gia hạn các khoản nợ vay cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái kiến nghị cấp trên tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thành phố đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở, ngập úng; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, hỗ trợ tập huấn cho người dân về phòng, chống thiên tai; hỗ trợ đầu tư thêm thiết bị cứu hộ, cứu nạn để ứng phó nhanh với các tình huống khẩn cấp trong tương lai.
Có thể thấy, ngoài các biện pháp của chính quyền, những hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở cũng cần chủ động kiểm tra, theo dõi, kịp thời di dời khi có nguy cơ. Đặc biệt, để mỗi người dân trở thành chiến sĩ trong phòng, chống thiên tai, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp, nhất là trong các trường học, giúp thế hệ trẻ có ý thức và biết cách phòng, chống từ nhỏ nhằm giữ an toàn cho mình và gia đình.
* Đầu tư cơ sở hạ tầng, viễn thông
Đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng được xem là một trong những giải pháp căn cơ nhằm nâng cao hiệu quả công trình phòng, chống thiên tai. Tỉnh Yên Bái dành nhiều nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng lưới điện, công trình thủy lợi và các công trình kè chống sạt lở bờ sông, suối và các khu tái định cư…, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước, để khắc phục hệ thống cơ sở hạ tầng do bão Yagi gây ra, UBND tỉnh đã ban hành Lệnh xây dựng khẩn cấp và cho phép chuẩn bị đầu tư 78 dự án khắc phục khẩn cấp thiên tai với tổng kinh phí trên 741,5 tỷ đồng. Tại kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh khóa XIX, UBND tỉnh cũng đề nghị HĐND tỉnh cho phép sử dụng 88,7 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi để bố trí các dự án khắc phục khẩn cấp thiên tai năm 2024. Đến nay, đã có 23 dự án hoàn thành thủ tục đầu tư đủ điều kiện giao vốn, với số vốn 31,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc xây dựng công trình phòng, chống thiên tai phải tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch. Mặt khác, xây dựng các khu tái định cư cũng phải đảm bảo khoảng cách an toàn với các vùng có nguy cơ sạt lở và bảo đảm thuận lợi việc sản xuất nông nghiệp của người dân. Đặc biệt, khi xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, cơ quan chức năng phải tính toán theo hướng đa chức năng, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa vừa là nơi cho nhân dân tránh trú khi xảy ra thiên tai.
Ảnh hưởng của bão Yagi không chỉ làm giao thông ở Yên Bái chia cắt, mà thông tin liên lạc cũng bị gián đoạn trong nhiều ngày. Toàn tỉnh có 652 trạm thu phát sóng di động (trạm BTS) bị ảnh hưởng. Trong đó, Viettel Yên Bái là nhà mạng có 312 trạm BTS gặp sự cố do mất điện. Một số trạm trong khu vực bị ngập, cô lập phải tắt sóng để đảm bảo an toàn.
Trung tá Đỗ Thanh Tuấn, Giám đốc Viettel Yên Bái thông tin, nhằm chủ động thông tin liên lạc và chuẩn bị hạ tầng thông tin từ câu chuyện chia cắt kéo dài trên diện rộng sau bão Yagi vừa qua, đơn vị dự kiến chi khoảng 72 tỷ đồng để củng cố. Cụ thể, Viettel Yên Bái xây dựng kịch bản ứng phó với siêu bão, lấy mốc dữ liệu bão Yagi làm đầu vào để đầu tư hạ tầng mạng lưới; đầu tư 2 đường cáp độc lập tại Trung tâm sở chỉ huy phòng, chống thiên tai của tỉnh; trang bị các công cụ, dụng cụ và hệ thống giám sát thời gian thực; kiên cố hóa mạng truyền dẫn…
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái, qua thiệt hại bão Yagi vừa qua, tỉnh đã đề nghị Trung ương xây dựng một bản đồ sạt lở đất trên phạm vi cả nước với tỷ lệ cụ thể hơn để quy hoạch các cơ sở sản xuất, bố trí các khu dân cư đảm bảo an toàn. Đặc biệt, do thiệt hại lớn, tỉnh cần nhiều thời gian và nguồn lực mới có thể khôi phục trở lại. Tỉnh mong muốn Trung ương quan tâm bố trí kinh phí để tỉnh bố trí di dân, xây dựng các khu tái định cư và các công trình chống sạt lở cho người dân vùng có nguy cơ./.
- Từ khóa:
- Giải pháp
- phòng
- chống thiên tai
- yên bái