Hải Phòng định hướng tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, trong đó tập trung vào mở rộng không gian kinh tế, thúc đẩy giao thương, nâng cao hiệu quả và giá trị thu hút ODA, FDI, giao lưu văn hóa, kết nối khoa học- công nghệ, đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Sáng 25/3, Sở Ngoại vụ thành phố Hải Phòng tổ chức Tọa đàm "Đối ngoại địa phương: Phát huy vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố". Sự kiện là dịp các đại biểu thảo luận, trao đổi, chia sẻ về những kinh nghiệm, sáng kiến của công tác đối ngoại để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời là hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống công tác đối ngoại của thành phố Hải Phòng (25/3/1955-25/3/2025).
Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường khẳng định, với vị thế địa chính trị, tính cách mạnh mẽ, sáng tạo của người Hải Phòng, đặc biệt là sự chủ động trong cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương, kinh nghiệm của địa phương, sự đồng hành của các cơ quan, đơn vị liên quan, đã tạo ra những thời cơ thuận lợi cho thành phố trong quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế. Đến nay, Hải Phòng có giao thương với trên 130 quốc gia, vùng lãnh thổ; có quan hệ hợp tác hữu nghị, kết nghĩa với 26 địa phương các nước; ký kết 54 thỏa thuận quốc tế; hợp tác với 45 tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai các chương trình, dự án cùng nhiều hoạt động đối ngoại khác.
Ngoại giao kinh tế được triển khai đa dạng, phong phú. Hải Phòng đã tích cực tổ chức các hoạt động trao đổi đoàn, xúc tiến đầu tư, quảng bá, phát triển thị trường xuất khẩu, trao đổi khoa học, công nghệ… tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, đã thu hút được các nhà đầu tư hàng đầu thế giới đến sinh sống, làm việc, tiêu biểu như: LG (Hàn Quốc), Kyocera, Bridgestone (Nhật Bản), Foxconn (Đài Loan, Trung Quốc), VSIP (Singapore), Deep C (Bỉ)... Các hoạt động này đã góp phần quan trọng vào chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đưa Hải Phòng là địa phương duy nhất của cả nước trong 10 năm qua luôn đạt mức tăng trưởng trên 10%.
Cùng với đối ngoại trong phát triển kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại của thành phố có nhiều điểm sáng; đối ngoại nhân dân được triển khai rộng khắp. Giai đoạn 2021 - 2024, công tác xúc tiến, vận động và triển khai các dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài triển khai tích cực, chủ động với giá trị cam kết ước đạt 24,5 triệu USD, giá trị giải ngân ước đạt 20 triệu USD, góp phần bảo đảm an sinh, xã hội. Thành phố cũng đã tăng cường thu hút các nguồn lực kiều hối, trí thức kiều bào. Lượng kiều hối chuyển về qua ngân hàng giai đoạn 2021 - 2024 ước đạt 1.6 tỷ USD (tăng 19,4% so với giai đoạn 2016 - 2020).
Theo ông Hoàng Minh Cường, thành phố đề ra mức tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 12,5%; phấn đấu đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; đồng thời định hướng mô hình phát triển thành phố theo hướng bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, lấy khoa học - công nghệ làm động lực để phát triển.
Để đạt mục tiêu này, Hải Phòng định hướng tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, trong đó tập trung vào mở rộng không gian kinh tế, thúc đẩy giao thương, nâng cao hiệu quả và giá trị thu hút ODA, FDI, giao lưu văn hóa, kết nối khoa học- công nghệ, đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài, cùng nhiều hoạt động khác
Tại tọa đàm, các đại biểu đến từ Bộ Ngoại giao, các sở, ngành của Hải Phòng, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế đều khẳng định, công tác đối ngoại đóng góp vô cùng quan trọng trong xúc tiến, quảng bá hình ảnh của Hải Phòng đến với bạn bè quốc tế, mang đến những kết quả hợp tác đã được minh chứng bằng hơn 1.000 dự án đầu tư nước ngoài, có tổng vốn đầu tư đạt khoảng 41 tỷ USD. Các đại biểu đề nghị, thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục khai thác các hoạt động ngoại giao kinh tế địa phương; phát huy sức mạnh của công tác đối ngoại trong xúc tiến đầu tư, nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển kinh tế; các nội dung trọng điểm trong hợp tác quốc tế, xây dựng chiến lược truyền thông đối ngoại hiệu quả./.