“Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hiền hòa, con người Cự Nẫm thân thiện, tình nghĩa…đã trở thành thương hiệu du lịch cộng đồng ở Cự Nẫm và ngày càng thu hút được du khách trong nước, quốc tế.
Trong những năm tháng kháng chiến cứu nước, xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) được xem là cửa ngõ, điểm dừng chân một đêm nghỉ ngơi của bộ đội, thương binh trên đường vào miền Nam. Vào những ngày tháng Tư lịch sử, cả nước sục sôi hào khí kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), về thăm nơi đây, mọi người được nghe kể về sự đấu tranh kiên cường, bất khuất của người dân Cự Nẫm anh hùng và ghi nhận những đổi thay, khởi sắc của vùng đất này.
* Điểm tập kết hàng hóa, đưa đón bộ đội
Cự Nẫm là một xã phía Tây của huyện Bố Trạch (Quảng Bình), có vị trí chiến lược quan trọng, từ năm 1965, xã được chọn làm điểm tập kết hàng hóa quân sự, đưa đón bộ đội, thanh niên xung phong vào chiến trường miền Nam. Đế quốc Mỹ biến Cự Nẫm trở thành “tọa độ lửa”, nơi đây phải hứng chịu mưa bom, bão đạn của quân thù hòng cắt đứt vị trí chiến lược, quan trọng này.
Ông Nguyễn Hữu Phi (sinh năm 1941, nguyên Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Hùng Vương), người chắp bút cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Cự Nẫm” giai đoạn 1945 – 2005 nhớ lại: “Xã Cự Nẫm là nơi Bộ đội Trường Sơn chọn làm nơi đặt binh trạm, là điểm dừng chân của những đoàn quân trước lúc vào miền Nam đánh giặc. Các Sư đoàn Bộ đội trên đường hành quân đều dừng lại đây một đêm trước khi vào trận, các thương bệnh binh trên đường ra Bắc cũng dừng lại đây để nghỉ ngơi, lấy nhu yếu phẩm”.
Thời điểm đó, với tinh thần “vì miền Nam ruột thịt”, nhân dân xã Cự Nẫm đã nhường nhà, giường chiếu cho bộ đội ngủ, còn gia đình lại dùng rơm vàng lót ổ để nằm. Nhiều lính trẻ vừa rời ghế nhà trường nhớ gia đình được người dân động viên, chở che đùm bọc để vững tin, bền chí trước khi vào tiền tuyến miền Nam. Người dân xã Cự Nẫm dù thiếu gạo, thiếu lương thực, phải chịu đói, chịu khát nhưng quân lương của bộ đội thì cầm chặt tay thề “không đụng đến”.
Theo ông Nguyễn Hữu Phi, trong giai đoạn 1969 - 1973, giặc điên cuồng trút xuống Cự Nẫm hàng ngàn tấn bom, phá hủy hàng trăm căn nhà, trường học, hàng trăm người đã ngã xuống. Những địa danh như Rú Nguốn, Đôộng Dôn, Cồn Tro, Cồn Nàn, Đồi Vải Chết… đều gắn liền với những trận chiến đấu anh dũng, kiên cường của người dân Cự Nẫm. Bom đạn của kẻ thù không làm lung lay được ý chí, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của người dân.
Những năm tháng kháng chiến ác liệt, mảnh đất kiên cường, nghĩa tình này đã chứng kiến nhiều mối tình của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. Trong đó, có cựu chiến binh Cao Văn Tơn (sinh năm 1946), người lính Cụ Hồ ngày ấy trong một lần chiến đấu bị thương được chuyển về hậu phương chữa bệnh đã yêu cô dân quân Cự Nẫm - Nguyễn Thị Luyến. Khi non sông thống nhất, đất nước trọn niềm vui, anh lính thanh niên xung phong gốc Thái Bình ngày xưa đã tìm về Cự Nẫm, tìm lại người con gái mình yêu, lập gia đình và sống trên mảnh đất này từ đó đến nay.
"Thời điểm đó, khi kháng chiến chống đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt, tôi được đơn vị điều vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, khi bị thương thì được đưa về hậu phương. Khi dừng nghỉ chân tại xã Cự Nẫm, tôi tình cờ được gặp và quen vợ tôi bây giờ. Sau nhiều lần viết thư, ngày thống nhất đất nước, chúng tôi đã đến với nhau và định cư trên mảnh đất ân tình này đến tận ngày hôm nay", ông Cao Văn Tơn chia sẻ.
Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng, xã Cự Nẫm đã được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lao động năm 1967 và Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân năm 1996 và vinh dự được đón các đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm, động viên, khen thưởng.
* Làng văn hóa du lịch
Phát huy tinh thần quật cường và dũng cảm trong thời chiến, xã Cự Nẫm đã từng bước vươn mình đi lên. Năm 2018 xã đã cán đích nông thôn mới, đời sống của người dân từng bước được nâng cao, diện mạo làng quê cũng thêm phần khởi sắc.
Những cánh đồng hứng bom đạn năm xưa giờ đã thành những ruộng lúa, ruộng ngô xanh tươi, trù phú. Các thôn trong xã nơi đâu cũng khang trang, sạch đẹp, cờ bay phấp phới. Đặc biệt, trong ánh mắt, nụ cười của người dân xã Cự Nẫm đã ánh lên một niềm tin tươi sáng về một ngày mai tốt đẹp hơn.
Ông Nguyễn Văn Lương cho biết: “Từ gian khó, xã vươn lên thoát nghèo. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Cự Nẫm quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, quê hương trong tình hình mới. Hiện xã Cự Nậm đang phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Địa phương chú trọng lấy du lịch cộng đồng làm ngành kinh tế mũi nhọn để bứt phá, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân địa phương, góp phần quảng bá về một vùng quê kiên cường, bất khuất trong thời chiến, nay lại bình yên, trù phú”.
Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, các loại hình du lịch cộng đồng tại Cự Nẫm bắt đầu được nhận diện trên bản đồ du lịch Quảng Bình với hàng chục cơ sở lưu trú, nhiều nhà nghỉ, khu du lịch sinh thái, cũng như khu nghỉ dưỡng homestay, farmstay. Hàng chục địa điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, các cửa hàng có vị trí đẹp, phục vụ những món ăn dân dã, đặc trưng vùng miền.
Bà Lê Thị Bích, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Le Mitchell chia sẻ: "Lần đầu tiên đến đây, tôi và chồng là Benjamin Joseph Mitchell (Ben) đã rất ấn tượng về cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, các di tích lịch sử văn hóa cũng như con người xã Cự Nậm rất hiền lành, chất phác. Năm 2010, vợ chồng tôi quyết định xây dựng điểm du lịch Phong Nha Farmstay (thôn Hòa Sơn) với quy mô 10.000m2 với đầy đủ các thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách như: Phòng lưu trú, sân vườn cà phê, bể bơi, khu xông hơi sauna và massage, phòng tập gym, phòng trò chơi trẻ em, khu thể thao thanh thiếu niên, quầy bar và nhà hàng". Mỗi năm Phong Nha Farmstay đón từ 3.000 – 5.000 khách quốc tế. Tại đây, du khách được hòa mình vào không gian trong lành, yên tĩnh của một làng quê mộc mạc, vừa được tìm hiểu, khám phá giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương; trải nghiệm, thưởng thức những món ăn đặc trưng, nhiều loại hình giải trí phong phú, mới lạ. Mô hình du lịch cộng đồng này cũng tạo công việc ổn định, thu nhập kinh tế cao của người dân địa phương.
Để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển du lịch tại xã Cự Nẫm, ngày 1/11/2021, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Làng Văn hóa Du lịch Cự Nẫm với mục tiêu đến 2025 đủ điều kiện công nhận khu du lịch cấp tỉnh, trở thành điểm đến tham quan, vui chơi giải trí hấp dẫn tại khu vực Bắc Trung Bộ. Làng văn hóa du lịch Cự Nẫm sẽ được xây dựng có tổng diện tích 3.279ha, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 100.000 lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 50.000 lượt khách lưu trú mỗi năm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Hồng cho biết, địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Ngoài di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, Bố Trạch có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Riêng xã Cự Nẫm là địa phương có nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và tài nguyên du lịch tiêu biểu, nổi bật hàng đầu, rất thuận lợi xây dựng Làng văn hóa du lịch.
“Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hiền hòa, con người Cự Nẫm thân thiện, tình nghĩa…đã trở thành thương hiệu du lịch cộng đồng ở Cự Nẫm và ngày càng thu hút được du khách trong nước, quốc tế. Do đó huyện Bố Trạch muốn chuyển tải đầy đủ các giá trị đời sống sản xuất, inh hoạt, văn hóa ký ức của xã Cự Nẫm đến với du khách gần xa”, ông Nguyễn Hữu Hồng thông tin.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cự Nẫm hôm nay đang tập trung xây dựng một làng quê trù phú bằng những sản phẩm du lịch đặc trưng và nỗ lực trở thành Làng văn hóa du lịch, sẵn sàng đón du khách từ năm châu đến khám phá, trải nghiệm./.