Thời sự

Đột phá từ Nghị quyết 57: Trí thức kiều bào gửi gắm niềm tin và kỳ vọng

Các trí thức kiều bào bày tỏ tin tưởng vào các mục tiêu đặt ra; đồng thời kỳ vọng, các giải pháp đề ra sẽ tạo thành bước đột phá quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Các đại biểu kiều bào triêu biểu tham dự Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, chụp ảnh cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. 
Ảnh: Diệp Trương - TTXVN

Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, diễn ra sáng 13/1 tại Thủ đô Hà Nội, nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57).

Tham dự Hội nghị, các trí thức kiều bào bày tỏ sự phấn khởi và tin tưởng vào các mục tiêu đặt ra; đồng thời kỳ vọng, các giải pháp đề ra sẽ tạo thành bước đột phá quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. 

Thông điệp rõ ràng

Là một trong 10 kiều bào tiêu biểu tham dự Hội nghị, bà Trần Tuệ Tri, kiều bào tại Singapore cho rằng, Nghị quyết 57 đã thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược lâu dài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nổi bật, Nghị quyết đã thể hiện được tinh thần quyết tâm "nói là làm", tránh "trải thảm ở trên, trải đinh ở dưới" với có những giải pháp cụ thể, kế hoạch, mục tiêu rõ ràng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bà Trần Tuệ Tri, kiều bào từ Singapore trả lời phỏng vấn báo chí về Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. 
Ảnh: Diệp Trương - TTXVN

Bà Trần Tuệ Tri bày tỏ ấn tượng với chỉ đạo "Thống nhất nhận thức và hành động" của Tổng Bí thư Tô Lâm để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và kịp thời.

Để hiện thực mục tiêu thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế, kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, bà Tuệ Tri cho rằng: "Đây không chỉ là giải pháp quan trọng về nguồn lực tài chính mà còn là sự nỗ lực rất lớn, đột phá để cởi trói kịp thời vướng mắc. Tôi hy vọng, sự độc lập, tự chủ về khoa học, công nghệ sẽ góp phần không nhỏ để chúng ta thay đổi về chất, nâng tầm và trở thành quốc gia phát triển".

Theo bà Trần Tuệ Tri, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi đến một thông điệp gắn kết rất rõ ràng khi đề ra các mục tiêu, giải pháp nhằm thay đổi nhận thức, kêu gọi sự phát triển của thể chế, cơ chế, nhân lực, lấy con người làm trọng tâm, nhà khoa học làm then chốt. Đây là chìa khóa tạo sự đột phá trong phát triển của đất nước.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Singapore, bà Trần Tuệ Tri nhấn mạnh, tất cả các nước phát triển về khoa học công nghệ, đều có sự phát triển rất mạnh mẽ về giáo dục đào tạo. Con người là yếu tố, là nền tảng rất quan trọng, "bài toán" đặt ra là "phải làm sao để thu hút được nhân tài".

"Chúng ta cần xây dựng kế hoạch đào tạo, trọng dụng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ người Việt Nam ở trong nước, nước ngoài cho tới các chuyên gia nước ngoài; kết nối với các trường đại học hàng đầu thế giới về khoa học, công nghệ sáng tạo, đặt trụ sở tại Việt Nam, nghiên cứu và đào tạo tại Việt Nam", bà Tuệ Tri đề xuất.

Thúc đẩy đột phá

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, kiều bào tại Hoa Kỳ, Viện trưởng Viện trí tuệ Nhân tạo VinAI Research, cựu chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind, nhấn mạnh vai trò của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển khoa học, công nghệ.

So với các nước trong khu vực, ông Bùi Hải Hưng cho rằng, lợi thế phát triển khoa học, công nghệ của Việt Nam chủ yếu đến từ yếu tố con người. Chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào, được quan tâm và đầu tư về giáo dục; mặt bằng kiến thức STEAM rất tốt; có tố chất và bắt kịp công việc nhanh chóng, kể cả trong nghiên cứu khoa học.

Cho rằng công tác đào tạo phải thực hiện ngay từ phổ thông, ông Hải Hưng đề xuất cần tăng cường đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển các trường đại học top đầu khu vực Đông Nam Á, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ; đồng thời ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống.

"Với những mục tiêu cụ thể, đổi mới cách làm và quyết tâm của Nghị quyết số 57-NQ/TW, chúng ta hoàn toàn có thể kịp thời tháo gỡ các khó khăn, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ đất nước trong kỷ nguyên mới", Tiến sĩ Hải Hưng chia sẻ.

Niềm tin lớn đối với các doanh nghiệp công nghệ

Dự Hội nghị, ông Tạ Sơn Tùng, Nhà sáng lập và Chủ tịch của Tập đoàn Rikkei Soft, kiều bào tại Nhật Bản cho biết, thông điệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra rất rõ ràng, thể hiện sự quyết tâm rất cao đối với lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số. "Đây là niềm tin lớn vào tương lai tươi sáng đối với các doanh nghiệp công nghệ", ông Tạ Sơn Tùng nói.

Cùng với việc Chính phủ sẽ đầu tư cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, ông Tạ Sơn Tùng cho rằng, công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ sẽ tạo sức bật để đất nước phát triển mạnh mẽ. Những ứng dụng về AI, Internet vạn vật (IoT), robot... sẽ giúp tăng năng suất, chất lượng và là chìa khóa để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Chia sẻ về thế mạnh của Việt Nam trong việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, theo ông Sơn Tùng, so với nguồn nhân lực của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan..., kỹ sư Việt Nam rất giỏi, không bị chênh lệch về trình độ khi giải quyết các bài toán lớn của khách hàng. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên toàn cầu, các bạn trẻ Việt Nam, nhất là các kỹ sư công nghệ thông tin phải giỏi ngoại ngữ, am hiểu kiến thức và biết cách sử dụng AI, từ đó tự tin bước ra thế giới.

"Với những chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ngành Công nghệ thông tin của Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa. Việt Nam đã và sẽ là điểm sáng trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới", ông Tạ Sơn Tùng chia sẻ./.

Diệp Trương

Tin liên quan

Xem thêm