Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Viện Nghiên cứu Trung Quốc (1993-2023), sáng 12/9, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu Trung Quốc trong bối cảnh mới”.
TTXVN)- Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Viện Nghiên cứu Trung Quốc (1993-2023), sáng 12/9, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu Trung Quốc trong bối cảnh mới”.
Phát biểu khai mạc, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc cho biết, qua 30 năm xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu Trung Quốc đã triển khai tốt công tác nghiên cứu cơ bản, tư vấn chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy đối ngoại nhân dân và quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.
Những nghiên cứu của Viện đã theo sát chuyển biến của đối tượng nghiên cứu; phân tích, đánh giá tiến trình cải cách mở cửa, sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đồng thời, luận giải những thay đổi của Trung Quốc trong ba thập niên đầu thế kỷ XXI, đưa ra dự báo tới giữa thế kỷ XXI và tác động của nó tới thế giới, khu vực, Việt Nam.
Các nghiên cứu đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học để Việt Nam chủ động ứng phó trước bối cảnh quốc tế, khu vực diễn biến khó lường, tận dụng thời cơ, hóa giải thách thức. Đặc biệt, trước những diễn biến mới ở khu vực Biển Đông, Viện tập trung nghiên cứu, kiến nghị cho Đảng và Nhà nước về đối sách xử lý vấn đề phức tạp ở Biển Đông, quan hệ Việt - Trung, chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Qua từng giai đoạn, những nghiên cứu của Viện đã có sự chuyển biến trong mô tả, tổng hợp, phân tích chuyển sang nhận diện, đánh giá, luận giải, dự báo xu hướng phát triển trong tương lai, đánh giá tác động, luận giải cơ hội, thách thức và đề xuất các kiến nghị có cơ sở khoa học khả thi và có ý nghĩa hơn; gắn kết với thực tiễn, xã hội.
Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, trên cơ sở phát huy những thành quả đã đạt được, đồng thời tích cực đổi mới phương pháp nghiên cứu và tiếp cận, coi trọng tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, thời gian tới, các nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu Trung Quốc cần tiếp tục nhận diện, phân tích, dự báo về sự phát triển của Trung Quốc đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, an ninh, đối ngoại.
Cùng với đó, đưa ra những phân tích về quá trình thực hiện mục tiêu siêu cường của Trung Quốc cùng tác động của nó đối với trật tự thế giới, khu vực và Việt Nam; quan hệ hai nước trên các lĩnh vực. Qua đó, đề xuất kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhằm tận dụng khai thác cơ hội, giảm thiểu thách thức từ Trung Quốc.
Viện tiếp tục duy trì mối quan hệ đã có với các tổ chức và đơn vị nghiên cứu Trung Quốc ở các nước; đồng thời mở rộng thêm các đối tác khác. Cụ thể, hướng ưu tiên trong hợp tác quốc tế vẫn là các cơ quan nghiên cứu, tư vấn ở Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… cố gắng xây dựng một số đối tác hợp tác mang tính chiến được để vừa tăng thêm nguồn lực cho công tác nghiên cứu, vừa góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất cán bộ trẻ tâm huyết với nghề và có triển vọng trong nghiên cứu khoa học về Trung Quốc.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá, đúc rút bài học kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội Trung Quốc trong những năm gần đây nhằm đề xuất, kiến nghị chính sách đối với Việt Nam./.