Các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI thực hiện các dự án tại Hải Phòng về địa điểm, quy hoạch, đất đai, môi trường, lao động, phòng cháy chữa cháy...
Ngày 5/10, Thường trực Thành ủy Hải Phòng gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với chủ đề: Doanh nghiệp FDI phát triển cùng thành phố Hải Phòng; đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, kinh tế chia sẻ; kết nối doanh nghiệp với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tham dự sự kiện này có khoảng 600 lãnh đạo doanh nghiệp FDI, đại diện cho 985 dự án FDI đang đầu tư tại Hải Phòng. Họ đã kiến nghị một số nhóm vấn đề như chiến lược thu hút vốn FDI của thành phố, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết nhu cầu về nhà ở xã hội và đã được lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các ngành liên quan trả lời trực tiếp tại hội trường.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhấn mạnh, khối doanh nghiệp FDI đã đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự phát triển của thành phố về kinh tế và xã hội. Lãnh đạo thành phố cam kết, sẽ luôn đồng hành và dành sự quan tâm đặc biệt, hỗ trợ thực chất, hiệu quả để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp FDI bằng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có đẩy nhanh tiến độ thành lập, mở rộng các Khu công nghiệp, Khu kinh tế, đặc biệt là thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam. Hải Phòng xác định đây là động lực mới cho phát triển kinh tế thành phố, là nơi "làm tổ" của các doanh nghiệp FDI công nghệ cao, thu hút các dòng vốn phát triển bền vững. Cùng với đó, thành phố thúc đẩy thủ tục thành lập Khu Thương mại tự do thế hệ mới với cơ chế ưu đãi vượt trội thu hút các dòng vốn ngoại, tập đoàn toàn công nghệ đến đầu tư. Hải Phòng còn tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng logistics, giao thông kết nối hệ thống cảng biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay, đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc...
Thành phố đặc biệt quan tâm việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng lao động có tay nghề. Thường trực Thành ủy yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI thực hiện các dự án tại Hải Phòng về địa điểm, quy hoạch, đất đai, môi trường, lao động, phòng cháy chữa cháy... Thường trực Thành ủy giao Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo nghiên cứu xây dựng cơ chế một cửa khi doanh nghiệp FDI thực hiện thủ tục dự án, không để doanh nghiệp phải qua lại nhiều cơ quan để thực hiện các thủ tục dự án tại Hải Phòng.
Thành phố tập trung phát triển nhà ở chất lượng cao, nhà ở xã hội, hệ thống trường học, bệnh viện quốc tế, khu vui chơi, giải trí, du lịch chất lượng cao, nhà ở tiện ích… để các nhà đầu tư và gia đình có thể yên tâm ổn định cuộc sống, làm việc lâu dài, biến Hải Phòng thành thành phố đáng sống, quê hương thứ 2 của nhà đầu tư và gia đình.
Ông Lê Tiến Châu đề nghị các doanh nghiệp cần luôn nêu cao ý thức thượng tôn pháp luật, tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ quy định của pháp luật trong đầu tư kinh doanh, các nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội; tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ. Việc tăng cường liên kết hợp tác là giải pháp quan trọng để các doanh nghiệp tiết giảm kinh phí, thể hiện tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng hợp tác và mong muốn gắn bó lâu dài với thành phố.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ bối cảnh quốc tế và trong nước cùng định hướng hợp tác đầu tư trong tình hình mới. Đồng thời đánh giá Hải Phòng là một địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thành phố không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đầu tư hạ tầng đồng bộ, đầu tư quỹ đất sạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để thu hút các nhà đầu tư lớn.../.
- Từ khóa:
- Hải Phòng
- ' doanh nghiệp
- phát triển kinh tế