9+ là mô hình đào tạo song hành học nghề và văn hóa.
TTXVN - Ngày 16/3, Trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi (thành phố Biên Hoà, Đồng Nai) tổ chức tọa đàm khoa học “Đặc điểm tâm lý và các giải pháp giáo dục sinh viên cao đẳng nghề hệ 9+”.
Theo Trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi, đào tạo sinh viên cao đẳng nghề hệ 9+ là mô hình đào tạo song hành học nghề và văn hóa sau khi học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và có thể tiếp tục liên thông lên bậc cao đẳng, rút ngắn thời gian đào tạo. Trong hệ thống giáo dục hiện đại, việc đào tạo sinh viên hệ cao đẳng nghề 9+ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, việc hiểu và đáp ứng đúng nhu cầu, đặc điểm tâm lý của sinh viên trong hệ cao đẳng nghề 9+ là một yếu tố vô cùng quan trọng.
Thông qua việc hiểu rõ đặc điểm tâm lý của sinh viên hệ cao đẳng nghề 9+ và áp dụng các giải pháp giáo dục phù hợp sẽ giúp các nhà giáo dục, các nhà quản lý hỗ trợ sinh viên phát triển toàn diện từ các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, sáng tạo, tự chủ và tự tin trong công việc và cuộc sống. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho sinh viên, nâng cao chất lượng đào tạo mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi cho biết, trường đã triển khai chương trình đào tạo cao đẳng nghề hệ 9+ được 5 mùa tuyển sinh và hiện đang bước sang mùa tuyển sinh thứ 6, đến thời điểm hiện tại trường đã có 2 khoá tốt nghiệp, sinh viên ra trường và có việc làm. Từ những khoá đầu tiên chỉ tuyển được 40 sinh viên, đến nay trường đã có hơn 2.000 sinh viên thuộc cao đẳng nghề hệ 9+, điều đó đã phản ánh chủ trương đúng đắn của Chính phủ về việc phân luồng người học từ sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, đối với sinh viên cao đẳng nghề hệ 9+ thì có những vấn đề liên quan đến tâm lý sinh viên mà các trường nghề bắt buộc phải có sự nghiên cứu và chuyển biến để phù hợp với đối tượng sinh viên này. Do các em ở độ tuổi từ 16-18, đây là độ tuổi tương ứng với học sinh trung học phổ thông nhưng các em lại phải học cùng lúc 2 chương trình gồm chương trình phổ thông trong trường nghề và chương trình nghề ở bậc trung cấp. Vì vậy đây cũng là áp lực lớn mà các em phải chịu khi theo học nghề hệ 9+.
Tại buổi toạ đàm, đại diện các sở, ngành, các chuyên gia về tâm lý, các nhà giáo dục thảo luận về những khó khăn và các giải pháp giáo dục, cập nhật những xu hướng mới nhất trong giáo dục nghề nghiệp như: Thực trạng tâm lý học tập và hành vi của sinh viên Cao đẳng nghề hệ 9+ hiện nay, giải pháp khắc phục; đặc điểm tâm lý của sinh viên cao đẳng nghề hệ 9+; những phương pháp tạo động cơ, hứng thú học tập hiệu quả cho sinh viên cao đẳng nghề hệ 9+…
Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá, chủ đề được lựa chọn tại buổi toạ đàm rất hay và đáng được chú ý bởi vì việc đào tạo nghề cho sinh viên không chỉ là đào tạo tay nghề mà còn phải hiểu được tâm lý của sinh viên, giúp sinh viên hoàn thiện nhân cách. Bên cạnh quan tâm công tác đào tạo, nhà trường đã quan tâm vấn đề hình thành nhân cách, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên cao đẳng nghề.
Ông Nguyễn Sơn Hùng cho biết, hiện nay công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở ở Đồng Nai mới chỉ đạt khoảng 30% trong khi chỉ tiêu đặt ra là 60%. Như vậy, trong thời gian tới tỉnh Đồng Nai cần phân luồng sau trung học cơ sở nhiều hơn nữa. Do đó, những sinh viên cao đẳng nghề hệ 9+ không nên mặc cảm, tự ti khi lựa chọn theo học. Mong muốn thời gian tới, các trường nghề sẽ đào tạo được những lao động có tay nghề, có ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp tốt để trở thành lực lượng lao động có chất lượng, tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai theo mục tiêu phát triển xanh, bền vững./.
- Từ khóa:
- Đồng Nai
- cao đẳng nghề
- nguồn nhân lực