Trong quá trình phát triển, báo chí đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong nền kinh tế thị trường; một số cơ quan báo chí khai thác thông tin nhạy cảm hoặc lợi dụng thông tin để tạo lợi ích từ doanh nghiệp...
Sáng 5/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội), tổ chức Hội thảo “Sơ kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định 362/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” nhằm đánh giá tiến độ và hiệu quả thực hiện Quy hoạch báo chí toàn quốc, trong đó có các cơ quan báo chí của Liên hiệp Hội. Từ đó, phân tích những thành tựu đã đạt được, khó khăn và vướng mắc trong quá trình thực hiện, cũng như thảo luận các giải pháp để đạt được các mục tiêu phát triển báo chí thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Linh cho biết, trước khi thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg, Liên hiệp Hội có hơn 400 cơ quan báo chí, trong đó có 113 cơ quan thuộc hệ thống. Tuy nhiên, hiện tại số lượng này đã giảm còn 69 cơ quan, gồm 1 báo và 68 tạp chí. Việc sáp nhập và tái cơ cấu các cơ quan báo chí đã gây ra nhiều khó khăn về nguồn nhân lực và tài chính, ảnh hưởng đến hoạt động chung của lực lượng báo chí thuộc Liên hiệp Hội. Trong bối cảnh đó, các cơ quan báo chí thuộc Liên hiệp Hội đã ứng dụng công nghệ số, cải thiện nguồn nhân lực, đổi mới nội dung truyền thông và tăng cường đạo đức nghề nghiệp; cải cách quản lý các tạp chí khoa học nhằm nâng cao tiêu chuẩn chất lượng và mở rộng hợp tác quốc tế.
Đánh giá chung về tình hình báo chí hiện nay, Nhà báo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Bích San, đại diện Tạp chí Kinh tế nghe nhìn Việt Nam cho rằng, từ thời kỳ Đổi mới năm 1986 đến nay, báo chí đã phát triển mạnh mẽ, thể hiện qua việc tăng số lượng đầu báo và sự mở rộng của truyền thông số, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân. Tuy nhiên, quá trình phát triển, báo chí đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong nền kinh tế thị trường; một số cơ quan báo chí khai thác thông tin nhạy cảm hoặc lợi dụng thông tin để tạo lợi ích từ doanh nghiệp... Hiện báo chí cũng đang phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh khốc liệt từ mạng xã hội và thông tin không chính thống. Để vượt qua khó khăn này, Nhà báo Phạm Bích San đề xuất dừng các quy định cản trở, đồng thời tiếp tục cải cách thể chế kinh tế đối với báo chí để lực lượng này có thể tồn tại bền vững trong xã hội hiện đại; đồng thời, có giải pháp giữ lại những giá trị cần thiết cho sự phát triển của báo chí.
Nhà báo Nguyễn Thế Khoa, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam đánh giá cao Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2025; nhấn mạnh, quy hoạch này có vai trò quan trọng trong việc lập lại trật tự quản lý và phát huy sức mạnh của báo chí; tuy nhiên, lại dẫn đến việc sắp xếp, giải tán một số cơ quan báo chí hoạt động hiệu quả, tự chủ tài chính và có uy tín. Nhà báo Nguyễn Thế Khoa cho rằng, cần tăng số lượng báo chính thống thay vì giảm để đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần đảm bảo quyền lợi công bằng cho báo chí khoa học công nghệ, đặc biệt là khối tạp chí khoa học, để hỗ trợ phát triển bền vững báo chí phục vụ cho lĩnh vực khoa học và công nghệ tại Việt Nam.
Tiến sỹ Lê Công Lương, Phó Trưởng Ban Khoa học công nghệ và Môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, để nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đang tập trung vào ứng dụng công nghệ số, cải thiện nguồn nhân lực, đổi mới nội dung, tăng cường đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, cải cách quản lý các tạp chí khoa học, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng và tăng cường hợp tác quốc tế.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá kết quả đạt được, khó khăn gặp phải khi giảm số lượng cơ quan báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam; đề xuất nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, bao gồm ứng dụng công nghệ số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới nội dung truyền tải, đảm bảo đạo đức nghề nghiệp và phát triển tài chính bền vững. Riêng với tạp chí khoa học, các đại biểu khuyến nghị nâng chuẩn chất lượng theo quốc tế, xây dựng hệ thống xếp hạng và thúc đẩy hợp tác quốc tế.../.
- Từ khóa:
- Quy hoạch báo chí
- bền vững