Hội nghị Thường trực Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
10 tháng năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 55%, tăng gần 4% so với cùng kỳ. Nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương giải ngân thấp hơn so với mức trung bình của cả nước.
Sáng 27/11, Hội nghị Thường trực Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đã diễn ra tại Trụ sở Chính phủ.
Khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, chỉ còn hơn một tháng là kết thúc năm 2023 - năm bản lề để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Đồng thời, đây cũng là năm diễn ra nhiều biến động phức tạp, bất thường. Đầu tư công là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, không chỉ với phát triển kinh tế, mà cả với chính trị, an ninh quốc phòng và an toàn xã hội...
"Đầu tư công tạo nền tảng về kết cấu hạ tầng, góp phần khơi thông điểm nghẽn, tạo động lực, không gian phát triển mới, tăng cường tính liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương và của quốc gia. Đồng thời, đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư và tổng vốn toàn xã hội nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tạo sinh kế thúc đẩy tăng trưởng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phục hồi và phát triển kinh tế", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, đầu tư công càng có ý nghĩa quan trọng khi các động lực tăng trưởng khác gặp khó khăn. Phó Thủ tướng phân tích, tăng trưởng có ba trục chính: Đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Trong lúc xuất khẩu gặp khó khăn do thị trường tổng cầu thế giới bị thu hẹp và tiêu dùng, thu ngân sách tuy có tăng, tháng sau tăng cao hơn tháng trước, nhưng so với cùng kỳ vẫn giảm, trong điều kiện hiện nay, đầu tư công là một động lực cần phải thúc đẩy để tháo gỡ khó khăn.
Tác động vào khu vực này là chủ động nhất trong thời điểm hiện nay. Do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn tập trung chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, ba chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2023, đã ban hành 8 nghị quyết, 1 chỉ thị, 6 công điện và các văn bản. Đặc biệt, tháng 2/2023, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp toàn quốc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, nội dung giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nội dung quan trọng.
Theo Phó Thủ tướng, trong báo cáo phát triển kinh tế - xã hội hàng tháng, hàng quý, Chính phủ dành một lượng rất dày dặn để báo cáo đánh giá về kết quả giải ngân vốn đầu tư công. Thực hiện chỉ đạo, Chính phủ đã duy trì 5 tổ công tác để kiểm tra, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và thành lập 26 đoàn công tác do Thành viên Chính phủ làm Trưởng đoàn để làm việc với các địa phương nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, trong đó có tháo gỡ cho việc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong những tháng cuối năm 2023.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thông tin, báo cáo kinh tế - xã hội 10 tháng cho thấy, đã giải ngân được trên 55%, tăng gần 4% so với cùng kỳ và số tuyệt đối cũng tăng hơn gần 100 nghìn tỷ đồng.
Đặt vấn đề "giải ngân tương đối tốt hơn so với năm ngoái, nhưng tại sao Thường trực Chính phủ quyết định tổ chức hội nghị ngày hôm nay", Phó Thủ tướng lý giải, qua đánh giá chi tiết, còn nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương giải ngân thấp hơn so với mức trung bình của cả nước. Tuy có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chưa phát huy tốt vai trò động lực của giải ngân và thực hiện đầu tư công.
Phó Thủ tướng cho rằng, trong một môi trường pháp lý và chỉ đạo như nhau, có địa phương và cơ quan giải ngân tốt, nhưng cũng có những địa phương, cơ quan giải ngân chậm hơn. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức hội nghị này. Đây là hội nghị rất quan trọng để đánh giá chi tiết, cụ thể tình hình giải ngân của các đơn vị, đặc biệt là những nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm.
Chúng ta đã đôn đốc, đề ra nhiều giải pháp nhưng tại sao đến thời điểm hiện nay tình trạng, một số địa phương, đơn vị giải ngân còn chậm?... Cần làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra là từ nay đến cuối năm 2023 cam kết các địa phương giải ngân không dưới 95%, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Nhấn mạnh, nhiệm vụ hiện nay còn rất nặng nề ở một số địa phương, đơn vị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các địa phương, bộ, ngành tập trung phát biểu đi vào trọng tâm, trọng điểm, phản ánh khó khăn, vướng mắc, nêu giải pháp hiệu quả để thực hiện được mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra, cũng như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đối với công tác giải ngân năm 2023.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, kết quả giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2023 cả nước là hơn 389 nghìn tỷ đồng, đạt 55,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đến nay, giải ngân 11 tháng của cả nước khoảng 461 nghìn tỷ đồng, đạt 65,1%, cao hơn cùng kỳ (58,33%) và số tuyệt đối cao hơn gần 123 nghìn tỷ đồng.
Về tình hình giải ngân của 41 bộ, cơ quan Trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng dưới mức trung bình của cả nước, báo cáo cho biết, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương này giải ngân được 102,3 nghìn tỷ đồng, đạt 36,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đến nay, ước giải ngân 11 tháng của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nêu trên khoảng 125 nghìn tỷ đồng, đạt 44,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ giải ngân chung của cả nước là 65,1%.
Tuy nhiên, trong số các bộ, địa phương nêu trên, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân trung bình 11 tháng cao hơn so với mức bình quân của các nước như: Văn phòng Quốc hội (đạt 83,61%), Bộ Công an (đạt 70,01%), Đài Tiếng nói Việt Nam (đạt 68,49%), Hưng Yên (đạt 68,60%), Quảng Ngãi (đạt 68,29%).
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ban chỉ đạo, tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp trên tinh thần tháo gỡ những "nút thắt", "điểm nghẽn", đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách. Sau những đợt đôn đốc, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã từng bước khắc phục được một số vướng mắc, hạn chế, qua đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư công bắt đầu từ tháng 7/2023 đến nay đã có sự thay đổi tích cực, cao hơn cùng kỳ năm 2022.
Báo cáo nêu rõ các tồn tại, hạn chế và khó khăn vướng mắc trong thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 như: Nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách; nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện; nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2023 do quy mô vốn đầu tư công lớn, tăng khoảng 23% (khoảng 130 nghìn tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022…
Trong các nhóm nguyên nhân trên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân chưa đạt kỳ vọng là công tác tổ chức triển khai thực hiện. Trong cùng một mặt bằng pháp luật, cùng điều kiện khó khăn chung về giá nguyên vật liệu tăng cao, một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương vẫn có tỷ lệ giải ngân tốt.
Báo cáo nêu các khó khăn, vướng mắc riêng của 3 chương trình mục tiêu quốc gia; khó khăn vướng mắc của 41 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp,… đồng thời kiến nghị một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian cuối năm.
Cho biết, số vốn chưa giải ngân kế hoạch năm 2023 còn khá lớn (còn khoảng 247 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), trong khi thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 35 ngày, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, cần có sự quyết tâm rất cao, sự vào cuộc quyết liệt, triển khai một cách đồng bộ, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành mới có thể hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 08/CT-TTg là tỷ lệ giải ngân trên 95%.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật nội dung Hội nghị./.
- Từ khóa:
- Đầu tư công
- Giải ngân
- Thường trực Chính phủ