Chính sách mới

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 55/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch nêu rõ việc thực hiện: Các dự án đầu tư công và dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công; kế hoạch sử dụng đất; nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

Trong đó, về dự án đầu tư công và dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, đối với các dự án đầu tư công: Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bảo đảm đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, kết nối nội vùng và liên vùng; tập trung huy động mọi nguồn lực tạo không gian phát triển mới theo nguyên tắc "Một trục động lực - Hai trục liên kết - Ba trung tâm - Ba hành lang phát triển" và phát triển 04 khu vực có vai trò động lực đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh.

Đồng thời, ưu tiên đầu tư các dự án, chương trình có sức lan tỏa, có vị trí, ý nghĩa quan trọng, giải quyết nhu cầu bức thiết về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng cho phát triển kinh tế biển, hạ tầng các khu công nghiệp, hạ tầng thông tin, truyền thông, chuyển đổi số và hạ tầng thủy lợi, bảo vệ nguồn nước.

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đối với các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Huy động tối đa nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có tiềm lực mạnh, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh; ưu tiên thu hút đầu tư vào 03 trụ cột phát triển đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh; tăng cường khuyến khích, đẩy mạnh hình thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức xã hội hóa.

Kế hoạch đưa ra 7 giải pháp thực hiện Quy hoạch gồm giải pháp về: Thu hút đầu tư phát triển; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ môi trường; bảo đảm nguồn lực tài chính; bảo đảm quốc phòng, an ninh.

*Lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư

Về thu hút đầu tư phát triển: Thực hiện tốt phương châm "Lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư"; bố trí vốn đầu tư công theo hướng tập trung, ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công cho các công trình, dự án trọng điểm, công trình có tính chất tạo động lực mới, không gian mới, tạo sự đột phá, có tác động lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng danh mục chương trình/dự án quan trọng ưu tiên đầu tư nhằm tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực ở địa phương; hoàn thành công tác lập, điều chỉnh, công bố quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất theo quy định.

Đẩy mạnh huy động các nguồn vốn khu vực kinh tế tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP), bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội. Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh và quy định của pháp luật để huy động các nguồn lực thực hiện quy hoạch có hiệu quả.

Nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư; chú trọng thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có tiềm lực mạnh, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khác, ưu tiên các lĩnh vực: năng lượng, công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ cao, du lịch…

Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; thường xuyên rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho chủ đầu tư các dự án ngoài ngân sách đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào hoạt động.

*Tập trung xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh

Về phát triển khoa học và công nghệ: Khuyến khích, thu hút các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghệ cao; các dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường; phát triển hệ thống mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực của tỉnh hướng tới mục tiêu xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển đổi số, trọng tâm là phát triển hạ tầng số, cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số; tập trung xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh; đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt, quan trắc môi trường tự động, hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử.../.

Ngô Hải Ngọc

Tin liên quan

Xem thêm