Hội nhập

Khắc phục khó khăn, nỗ lực đóng góp hiệu quả vì nền hòa bình

Hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam tại địa bàn phái bộ được Liên hợp quốc và bàn bè quốc tế đánh giá cáo, để lại dấu ấn tích cực về hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời đại mới.

Chuyên cơ của Chính phủ Australia đưa Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ. 
Ảnh: TTXVN phát 

(TTXVN) Từ khi chính thức tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, được Liên hợp quốc và các đối tác quốc tế đánh giá cao, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

Đây cũng là một trong những điểm sáng trong công tác đối ngoại quốc phòng trong những năm qua, góp phần hiện thực hóa đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam tại địa bàn phái bộ được Liên hợp quốc và bàn bè quốc tế đánh giá cáo, để lại dấu ấn tích cực về hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời đại mới. Bên cạnh những kết quả đạt được và nhiều mặt thuận lợi cơ bản, quá trình tham gia hoạt động này của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng còn tồn tại một số khó khăn.

Đối với việc triển khai đội hình đơn vị mới, do có sự cạnh tranh giữa các quốc gia cử quân, Liên hợp quốc yêu cầu nước cử quân phải sẵn sàng về con người và trang bị mới tiến hành các thủ tục xem xét cho triển khai, nên quốc gia cử quân cần phải chủ động, đầu tư mua sắm trang thiết bị và chuẩn bị con người trước khi có cam kết triển khai của Liên hợp quốc.

 Việc cung ứng trang thiết bị bổ sung, vật chất tiêu hao, đáp ứng cho thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo đời sống đối với lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Việt Nam tại các phái bộ, nhất là với những đội hình đơn vị còn nhiều vướng mắc, chưa kịp thời.

Nguyên nhân là do chưa chủ động về phương tiện vận chuyển, còn phụ thuộc vào các đường vận chuyển quốc tế, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, các đường bay quốc tế bị dừng và gián đoạn; thủ tục mua sắm trong nước còn kéo dài thời gian...

Vấn đề về ngoại ngữ là một trong những khó khăn lớn nhất của Việt Nam trong tuyển chọn lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đặc biệt là đối với đội hình đơn vị.

Công tác tuyển chọn nhân sự cho 5 đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội Công binh cho thấy, tỷ lệ lớn quân nhân làm chuyên môn ở các đơn vị (Quân y, Công binh…) năng lực tiếng Anh còn hạn chế, cần nhiều thời gian để trau dồi, nâng cao trình độ tiếng Anh theo yêu cầu của Liên hợp quốc, trong khi thời gian tập trung huấn luyện không dài.

Bên cạnh đó, nhu cầu về tiếng Pháp  đang là thách thức vì hiện nay một số vị trí như Sỹ quan Điều phối hoạt động quân sự giữa Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Quân đội Cộng hòa Trung Phi hay Sỹ quan Huấn luyện tại Phái bộ Huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Trung Phi và một số phái bộ cần triển khai trong thời gian tới như Phái bộ Cộng hòa Dân chủ Congo (MINUSCO); tiếng Arab cho lực lượng đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ UNISFA (Abyei).

Về nguồn nhân sự, nhất là lực lượng nữ chuẩn bị cho tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc còn thiếu và chưa có cơ chế tuyển chọn chủ động, nên từ khâu tuyển chọn đến điều động về Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam còn kéo dài.

Hiện Bộ Quốc phòng đang triển khai khoảng 270 sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp tại các phái bộ. Để chuẩn bị lực lượng luân phiên, thay thế hàng năm rất khó khăn trong khi việc tập trung làm công tác chuẩn bị phải có ít nhất 18 tháng để đào tạo ngoại ngữ, huấn luyện chuyên môn gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…

Chất lượng nguồn nhân lực không đồng đều là một hạn chế đáng lưu tâm khác. Theo đó, nhân sự có ngoại ngữ chủ yếu là giáo viên tiếng Anh nhưng lại thiếu kiến thức về quân sự chung, kiến thức luật pháp quốc tế và nhân sự có kiến thức quân sự lại yếu về ngoại ngữ.

Một khó khăn khác phải kể đến là việc đảm bảo lực lượng nữ tham gia hoạt động này theo yêu cầu của Liên hợp quốc chưa được chắc chắn, ổn định. Thực tế vừa qua, Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị và tuyển chọn, cử lực lượng nữ tham gia cả hình thức cá nhân và đơn vị cao hơn tỷ lệ yêu cầu của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, trên cơ sở yêu cầu trong Chiến lược giới tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình đến năm 2028 của Liên hợp quốc, yêu cầu đối với tỷ lệ nữ rất cao và rất quyết liệt. Quốc gia cử quân không đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia sẽ bị cắt giảm quân số, nhất là đối với đội hình đơn vị đông quân như Đội Công binh (184 người) trong khi đặc thù các đơn vị trong quân đội chủ yếu không có lực lượng nữ, nhất là đối với công binh.

Làm việc tại những khu vực xa xôi, chế độ, chính sách, môi trường làm việc tại các phái bộ rất khắc nghiệt, nguy cơ gia tăng; trong khi yêu cầu nhiệm vụ của Liên hợp quốc ngày càng cao..., đó cũng là những khó khăn mà các quân nhân Việt Nam đã và đang tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình phải đối diện.

Do đó, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) đã đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung chế độ, chính sách cho phù hợp, không chỉ đối với các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tại phái bộ, mà còn đối với lực lượng giảng dạy, huấn luyện, lực lượng phục vụ, chỉ huy điều hành, đảm bảo chính sách gia đình hậu phương cán bộ; cũng như chính sách khuyến khích, thu hút nhân lực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhất là đối với lực lượng nữ...

Tuy vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, Quân đội nhân dân Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực khắc phục khó khăn để đóng góp ngày càng sâu rộng, hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam đối với hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực và trên thế giới./.

PV

Xem thêm