Quốc hội với Cử tri

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thảo luận hai dự án Luật quan trọng

Việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình dự phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

TTXVN - Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dành cả ngày 19/6 cho công tác xây dựng pháp luật.

Trong phiên làm việc sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật gồm 13 chương với 196 điều. So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật (sửa đổi) đã tăng hơn 13 điều; trong đó bãi bỏ 7 điều trong Luật hiện hành; giữ nguyên 47 điều; sửa đổi, bổ sung 104 điều; bổ sung mới 34 điều; Luật hóa từ Nghị định 11 điều.

Việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường. Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 để phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan.

Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật đã luật hóa một số quy định từ Nghị định số 69/2021/NĐ-CP để bảo đảm hiệu lực pháp lý cao và sự đồng bộ của hệ thống pháp luật như: Các trường hợp phá dỡ nhà chung cư; nguyên tắc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư; các hình thức cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư...

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 3/2023, dự thảo Luật trình Quốc hội đã bỏ phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Tuy nhiên, dự thảo Luật bổ sung quy định về thời hạn sử dụng chung cư, trường hợp phá dỡ và làm rõ trách nhiệm các chủ thể liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Việc này, theo Chính phủ, để có cơ sở pháp lý, giải quyết tháo gỡ các trường hợp khó khăn, vướng mắc thực tế.

Trong phiên làm việc chiều 19/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021; biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi).

Sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Quốc hội thảo luận ở tổ về nội dung này./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm