Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 29/11, Quốc hội biểu quyết thông qua: Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Trong phiên họp chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Việc Quốc hội xem xét ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định của Luật hiện hành; đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật, nghị quyết có liên quan mới được Quốc hội ban hành.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật trước đó, các đại biểu đề nghị giám sát của Quốc hội phải có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề Đảng đặt ra cho Quốc hội, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm. Thông qua giám sát phải chỉ ra được điểm mạnh, vấn đề còn hạn chế; đặc biệt đưa ra kiến nghị/giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời, quan tâm tới hậu giám sát, đảm bảo các kiến nghị sau giám sát được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật hoàn chỉnh các khái niệm về giám sát tối cao, giám sát chuyên đề, giám sát của Quốc hội, giám sát của Hội đồng nhân dân; đảm bảo ngắn gọn, tập trung, rõ nghĩa, dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện và dễ giám sát; xác định đầy đủ các nguyên tắc cần thiết trong hoạt động giám sát; rõ tiêu chí chọn nội dung giải trình…
Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Thảo luận tại tổ trước đó, các ý kiến cho rằng, việc xây dựng dự án Luật còn nhằm tạo môi trường, khung pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Dự án Luật cũng có nhiều điểm mới hơn so với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành. Về cơ bản, nội dung dự án Luật đã giải quyết được những khó khăn, vướng mắc của Luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các ý kiến đều nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi luật, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành./.