Nếu Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông khai lập là dòng thiền thứ nhất của Việt Nam, Thiền phái Liễu Quán là dòng thiền thứ hai.
TTXVN- Ngày 31/12, tại thành phố Huế, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Huế tổ chức Hội thảo khoa học "Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển".
Khai mạc hội thảo, Hòa thượng Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Trưởng Ban Tổ chức nhấn mạnh, cách đây gần 300 năm, Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667-1742) đã sáng lập nên một dòng thiền mới ở Nam Hà - Đàng Trong mang đậm nét bản sắc văn hóa Việt. Nếu Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông khai lập là dòng thiền thứ nhất của Việt Nam, Thiền phái Liễu Quán là dòng thiền thứ hai. Đặc biệt, sự truyền thừa của dòng thiền này đã liên tục được tiếp nối, phát triển theo bước chân Nam tiến, mở mang bờ cõi đất nước. Đến nay, Thiền phái Liễu Quán đã phát triển rộng khắp mọi miền đất nước, lan tỏa đến nhiều vùng đất ở nước ngoài. Đây là hội thảo đầu tiên mang tính lịch sử nhằm đánh giá vị thế, nội hàm giá trị đóng góp to lớn của Thiền phái Liễu Quán trong dòng chảy văn hóa dân tộc.
Diễn ra từ ngày 31/12/2023 đến ngày 1/1/2024, hội thảo gồm 3 diễn đàn chính về các nội dung: Tổ sư Liễu Quán: Cuộc đời, đạo nghiệp và nền tảng tư tưởng; Phổ hệ truyền thừa và quá trình phát triển của Thiền phái Liễu Quán và Kế thừa và phát huy di sản Thiền phái Liễu Quán.
Ban Tổ chức đã nhận được hơn 120 bài tham luận của các vị tăng ni, nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước tập trung nghiên cứu, cung cấp nhiều thông tin về cuộc đời, đạo nghiệp, ảnh hưởng của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán cũng như thiền phái mang tên ngài - một hiện tượng tư tưởng và tôn giáo đặc sắc của Việt Nam sau Thiền phái Trúc Lâm thời Trần; định hướng phát triển...
Đặc biệt, nhiều tham luận cung cấp thông tin quê hương của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán, đặc trưng tư tưởng và thiền học của ngài, nhất là vấn đề Việt hóa mà Thiền phái Liễu Quán đã thực hiện qua các phương diện giáo lý, nghi thức, lễ nhạc,... từ buổi đầu khai phái đến các thế hệ truyền thừa sau này.
Cùng với đó là chuỗi sự kiện Lễ Tảo tháp, Lễ Tưởng niệm Húy nhật Đức Tổ sư, hai triển lãm "Hoàn Gia Lý" tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán và "Bảo đạc trường minh" tại Trung tâm Lưu trữ và Nghiên cứu của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Đây là những hoạt động tưởng niệm 281 năm ngày Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán viên tịch (1742 - 2023)./.