Lấy "xây" để "chống" trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: Giữ vững trận địa tư tưởng
Từ những việc làm hằng ngày, vừa sức, phù hợp trình độ, năng lực của mỗi người để “góp gió thành bão” tạo nên sức mạnh tổng hợp đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Trong các hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ban chỉ đạo về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của tỉnh Phú Thọ (Ban chỉ đạo 35), ông Phùng Khánh Tài, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo 35 của tỉnh nhấn mạnh: Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phải dựa trên quan điểm, tinh thần 4 tự tin. Đó là tự tin vào lý luận của Đảng; tự tin vào sự lãnh đạo của Đảng; tự tin vào thể chế và tự tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, việc huy động và phối hợp các tổ chức, lực lượng là một trong những yếu tố căn bản nhất để phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo đảm thắng lợi cho cuộc đấu tranh trên mặt trận “không khói súng” này.
*Đồng tâm hiệp lực
Nếu như trước đây, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được triển khai chủ yếu trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, hiện nay, khi không gian được mở rộng sang môi trường internet và mạng xã hội thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều lực lượng, tạo thành mạng lưới rộng khắp. Điển hình trên nhiều fanpage, group trên mạng xã hội về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân chia sẻ thông tin tích cực, bình luận, đấu tranh với những thông tin sai trái, tiêu cực.
Dù đã về hưu nhiều năm nay nhưng ông Nguyễn Đình Xá (khu Đại Tụ, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao) luôn tích cực tham gia công tác Đảng tại nơi cư trú. Ông thường xuyên dành thời gian theo dõi các vấn đề chính trị - xã hội, chủ động cập nhật chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước để thông tin, chia sẻ cùng cán bộ, đảng viên trong chi bộ cũng như bà con trong khu.
Ông vẫn luôn trăn trở nhiệm vụ đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng rất quan trọng nhưng làm thế nào để truyền tải thành ý thức của từng người dân để mọi người cùng thực hiện. Niềm trăn trở ấy được ông gửi gắm trong các bài viết về công tác xây dựng Đảng. Với lối viết giản dị, chắt lọc từ chính sự chiêm nghiệm và trải nghiệm trong cuộc đời của mình, những tác phẩm của ông được đăng tải rộng rãi trên báo chí và trên các nền tảng mạng xã hội. Qua đó, góp phần lan tỏa trong xã hội, giúp các tầng lớp nhân dân nhất là thế hệ trẻ có nhận thức đúng đắn về những giá trị cốt lõi của độc lập, tự do, của nền hòa bình được đổi bằng máu xương của biết bao thế hệ cũng như giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta phấn đấu xây dựng.
Ông chia sẻ, đấu tranh với các luận điệu chống phá, xuyên tạc của thế lực thù địch là trách nhiệm của mỗi người. Hiện nay, chiêu trò của các thế lực thù địch rất đa dạng. Bản thân ông với kinh nghiệm và kiến thức lý luận tích lũy được trong quá trình công tác sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền, vận động nhân dân để mọi người sẽ xác định và thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Khu Thống Nhất, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập có gần 200 hộ với 789 nhân khẩu, trong đó có 3 dân tộc cùng sinh sống gồm: Dân tộc Mường, Dao, Kinh. Điều kiện kinh tế còn gặp khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nên để triển khai các nhiệm vụ chính trị không phải lúc nào cũng thuận lợi. Là người đứng đầu chi bộ, ông Nguyễn Văn Định luôn trăn trở làm sao tạo sự đoàn kết thống nhất trong chi bộ, tập trung công tác lãnh đạo, phát triển kinh tế, khu dân cư.
Ông cùng các đảng viên trong chi bộ đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, vận động người dân hiểu về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nếp sống văn minh. Trước những công việc quan trọng của khu, của chi bộ hoặc những chủ trương mới hay khi phát động các phong trào thi đua, ông Định cùng tập thể cấp ủy, chi bộ đều xin ý kiến các đảng viên và những người có uy tín; phân công đảng viên phụ trách các chi hội đoàn thể nắm chắc tình hình tư tưởng, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Người dân thay đổi nếp nghĩ, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước đưa xóm làng đổi mới và phát triển. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm, là khu có bình quân thu nhập cao nhất trong Đảng bộ xã.
Ông Định quan niệm, khi người đứng đầu nêu gương tốt sẽ là “hình mẫu” để nhân dân tin tưởng, học tập và noi theo, từ đó đồng thuận cùng cấp ủy xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh. Đó cũng chính là cách mỗi người góp phần tham gia công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Những việc làm cụ thể của ông Xá, ông Định là minh chứng rõ nét cho thấy mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng nhau “đồng tâm hiệp lực”, từ những việc làm hằng ngày, vừa sức, phù hợp trình độ, năng lực của mỗi người để “góp gió thành bão” tạo nên sức mạnh tổng hợp đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
*Góp gió thành bão
Như tinh thần của Nghị quyết số 35-NQ/TW nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta, trong đó, các cơ quan báo chí, tuyên truyền các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm không của riêng ai.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, tại tỉnh Phú Thọ thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là các cơ quan báo chí truyền thông của tỉnh đã nhận thức rất rõ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tư tưởng nói chung, công tác quản lý đấu tranh, phản bác các quan điểm sai lệch, xuyên tạc nói riêng nên đã có những biện pháp giải quyết, định hướng thông tin, dư luận xã hội trước những vấn đề nổi cộm, bức xúc, phát sinh, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Các cơ quan báo chí truyền thông của tỉnh đã tập trung kiến tạo dòng thông tin tích cực, chủ lưu, lan tỏa mạnh mẽ, dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội về những điều tốt đẹp trong xã hội.
Điển hình liên quan đến bão số 3 và sự cố sập cầu Phong Châu xảy ra vào tháng 9/2024, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin tiêu cực, xuyên tạc, sai sự thật về tình hình bão lũ tại các địa phương trong tỉnh làm ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo khắc phục thiệt hại của chính quyền, địa phương.
Ngay lập tức, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở, hệ thống thông tin điện tử và mạng xã hội thông tin chính thống tới người dân về tình hình bão lũ; nỗ lực của lãnh đạo tỉnh và Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai các cấp khẩn trương ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai.
Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, yêu cầu gỡ bỏ và xử lý nghiêm hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin, hình ảnh kèm theo nhiều bình luận thiếu chính xác, không tích cực liên quan đến bão số 3. Qua đó, định hướng nhân dân nâng cao nhận thức, chắt lọc thông tin, tránh bị kẻ xấu lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo gây thiệt hại về kinh tế cho người dân và làm giảm lòng tin của cộng đồng đối với các hoạt động từ thiện chân chính.
Cùng với luồng thông tin chính thống, các cơ quan báo chí truyền thông tại tỉnh không ngừng đổi mới, sáng tạo trong cách thể hiện, truyền tải những thông điệp nhân văn. Với hệ thống hàng nghìn trang fanpage, facebook từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường liên kết đăng tải, chia sẻ những việc làm tốt, câu chuyện đẹp trở thành dòng thông tin chủ lưu. Những luồng thông tin chính thống không chỉ định hướng dư luận xã hội mà còn “lấn át” các thông tin xấu, thông tin tiêu cực, phản bác thông tin xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, vào những thành tựu đạt được của đất nước cũng như của tỉnh Phú Thọ.
Cô Hoàng Thị Nguyệt Nga, Phó trưởng Khoa lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ là một trong những điển hình trong thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong cán bộ đảng viên. Là giáo viên xuất sắc của Trường Chính trị tỉnh, cô luôn tâm huyết giảng dạy về lý luận chính trị, nhất là truyền đạt kiến thức chuyên đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào chương trình giảng dạy ở các lớp bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức cho học viên. Không chỉ vậy, cô còn tích cực tham gia và 2 lần xuất sắc đạt giải A Cuộc thi Chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
Cô chia sẻ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị nói chung và đối với mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng. Với vai trò là giảng viên của Trường Chính trị tỉnh, cô xác định mình phải là một trong “những chiến sĩ” tiên phong, là lực lượng “nòng cốt” truyền tải chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... đến với học viên và nhân dân.
Từ đó, giúp học viên và nhân dân ngày càng nâng cao bản lĩnh chính trị, khả năng “miễn dịch” và nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và có tinh thần chủ động trong đấu tranh, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của chúng, nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chính là việc mỗi người góp phần trách nhiệm bé nhỏ của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hiểu một cách đơn giản nhất, đó có thể từ những việc làm hằng ngày, vừa sức, phù hợp trình độ, năng lực của mỗi người trong việc bảo vệ những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cùng những thành tựu đạt được của đất nước và của tỉnh Phú Thọ trong thời gian qua. Đó là việc tham gia, góp tiếng nói, ý kiến đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, những thông tin xấu độc, bôi nhọ, xuyên tạc về đất nước, con người Việt Nam… Việc cụ thể, hằng ngày như vậy nhiều lúc, nhiều khi tưởng là chỉ của từng cá nhân nhưng lại hết sức quan trọng, đóng góp vào sự thành công chung của tỉnh Phú Thọ trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW./.