Thời tiết

Luật Phòng thủ dân sự - Hợp nhất về một đầu mối, tạo hành lang pháp lý trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Luật Phòng thủ dân sự được ban hành cũng khắc phục những bất cập trong thực tiễn công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ Dân sự Quốc gia 
Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Phòng thủ dân sự luôn là vấn đề lớn đối với mỗi quốc gia, dân tộc nhằm bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Đa số các quốc gia trên thế giới, bằng hình thức hoặc tên gọi khác nhau nhưng đã ban hành đạo luật riêng nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động phòng thủ dân sự. Tại Việt Nam, Luật Phòng thủ dân sự số 18/2023/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 ngày 20/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Để triển khai Luật Phòng thủ dân sự kịp thời, thống nhất, hiệu quả, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai với mục đích xác định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

* Cơ quan đầu mối về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ

Luật Phòng thủ dân sự đã thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các thảm họa, sự cố, giảm thiểu thiệt hại góp phần củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới đã được quy định tại các Nghị quyết như: Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 01-KL/TW ngày 4/4/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Luật Phòng thủ dân sự được ban hành cũng khắc phục những bất cập trong thực tiễn công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, góp phần to lớn vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh: Luật Phòng thủ dân sự khi đưa vào thi hành từ ngày 1/7/2024, đặt ra các yêu cầu phải sửa đổi, bãi bỏ, thay thế một số điều của các luật liên quan như Luật Đê điều, Luật Hóa chất, Luật Năng lượng Nguyên tử…

Quốc hội thông qua Luật Phòng thủ dân sự
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đặc biệt, về cơ cấu tổ chức sẽ hợp nhất một số ban gồm: Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban ứng phó sự cố thiên tai – tìm kiếm cứu nạn về một mối là “Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia”. Đồng thời, đổi tên “Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn” thành “Ban chỉ huy phòng thủ dân sự” ở các cấp địa phương hoặc tương đương.

Như vậy, Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự quốc gia và Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự các địa phương từ sau ngày 1/7 sẽ là cơ quan làm đầu mối tham mưu các nhiệm vụ về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cũng như mở rộng thêm các nhiệm vụ theo quy định. Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự được nhận định là phù hợp và đáp ứng linh hoạt các nhiệm vụ trong cả thời bình và thời chiến.

Việc hợp nhất này thực hiện tương ứng với các Cơ quan chỉ huy Phòng thủ dân sự ở cấp bộ, ngành, trung ương và các cấp ở địa phương. Việc hợp nhất này tạo khung pháp lý chung nhất cũng như tăng cường các biện pháp phòng ngừa trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả và thảm họa sự cố thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng sức khỏe tài sản của người dân, cơ quan tổ chức bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.

* Phân cấp, phân quyền trong việc công bố tình trạng thiên tai, thảm hoạ theo 3 cấp độ

Cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng trên các loại bản đồ, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai: cấp 1 màu xanh dương nhạt là rủi ro thấp; cấp 2 màu vàng nhạt là rủi ro trung bình; cấp 3 màu da cam là rủi ro lớn; cấp 4 màu đỏ là rủi ro rất lớn; cấp 5 màu tím là rủi ro ở mức thảm họa

Trong trường hợp có hai hay nhiều thiên tai xảy ra đồng thời hoặc liên tiếp thì cấp độ rủi ro thiên tai có thể điều chỉnh tăng lên 1 cấp dựa trên tác động của thiên tai; trong trường hợp có nguy cơ xảy ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, cấp độ rủi ro có thể được xem xét tăng lên hai cấp, cao nhất là cấp 5.

Đánh giá quá trình soạn thảo trước khi Luật Phòng thủ dân sự được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 ngày 20/6/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, nội dung quan trọng mang tính “cách mạng” trong Luật Phòng thủ dân sự đó là việc phân cấp, phân quyền rõ ràng trong việc công bố tình trạng thiên tai, thảm hoạ theo 3 cấp độ bao gồm cấp huyện, thị; cấp tỉnh, thành phố và liên tỉnh, thành phố và cao nhất là cấp quốc gia. Đây là vấn đề then chốt giúp các địa phương chủ động huy động được các lực lượng, bao gồm lực lượng 4 tại chỗ một cách linh hoạt nhất để ứng phó với 5 cấp độ thiên tai, thảm họa xảy ra.

Luật Phòng thủ dân sự được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2023
Ảnh; Doãn Tấn - TTXVN

Theo báo cáo từ các địa phương, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng thủ dân sự và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật đã và đang được triển khai rộng rãi, tưng bước hoàn thiện thể chế, kiện toàn hoàn thiện bộ máy công tác chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, không ngừng nâng cao năng lực ứng phó, phòng chống kể cả công tác dự báo, cảnh báo cho đến công tác ứng phó bằng các thiết chế công trình, nâng cao nhận thức của cộng đồng, của mỗi người dân đến tổ chức cũng như các thành phần kinh tế và toàn xã hội.

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho rằng: Cùng với việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự, Việt Nam sẽ thực hiện được mục tiêu trong chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Theo chiến lược, đến năm 2025, sẽ tập trung nâng cao nhận thức, thống nhất hành động, năng lực và kỹ năng ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa cho các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn dân. Đồng thời, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng thủ dân sự và các cơ chế, chính sách về phòng thủ dân sự, đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo sẽ tập trung kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa cho cộng đồng; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự các cấp. Bên cạnh đó, tổ chức triển khai thực hiện chương trình, đề án, dự án, trọng điểm về phòng thủ dân sự quốc gia, bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa gây ra, nâng cao năng lực phòng ngừa thảm họa chiến tranh. Đồng thời, đầu tư hoàn thiện trang thiết bị cho lực lượng chuyên trách đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, kết hợp với nâng cao năng lực cho các lực lượng tại chỗ, bảo đảm thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ"…/.

PV

Xem thêm