Thời sự

Miễn nhiệm chức vụ: Việc bình thường trong xây dựng Đảng và Nhà nước pháp quyền

Chiều 18/1, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với đồng chí Nguyễn Xuân Phúc. Phóng viên TTXVN ghi nhận ý kiến cán bộ, đảng viên và người dân tại một số địa bàn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

TTXVN - Mới đây, tại Hội nghị bất thường ngày 17/1/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã chấp thuận đơn xin thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước). Tiếp đó, tại kỳ họp bất thường lần thứ ba vào chiều 18/1, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với đồng chí Nguyễn Xuân Phúc. Phóng viên TTXVN ghi nhận ý kiến cán bộ, đảng viên và người dân tại một số địa bàn.

* Tiến sỹ Vũ Trung Kiên (Học viện Chính trị khu vực II):

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Vũ Trung Kiên, giảng viên Học viện Chính trị khu vực II cho rằng, việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và trước đó, một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước xin thôi các chức vụ hiện giữ, trên góc độ công tác cán bộ của Đảng cũng như các quy định của pháp luật, điều này là bình thường trong tiến trình xây dựng Đảng và Nhà nước pháp quyền hiện nay.

Theo Tiến sỹ Vũ Trung Kiên, mỗi con người bình thường đều mong muốn đạt được sự thăng tiến, giữ chức vụ nào đó để khẳng định mình, để cống hiến. Khi cảm thấy uy tín giảm sút vì bất cứ lý do gì, việc chủ động xin rút lui cũng là cách để giữ lại chút gì đó sự kính trọng, tôn trọng của mọi người dành cho mình lâu nay. Ngoài ra, việc cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao xin thôi chức cũng là thực hiện theo tinh thần Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Chính vì vậy, việc các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhận trách nhiệm chính trị và xin thôi đảm nhiệm chức vụ vì lĩnh vực mình phụ trách có nhiều cán bộ sai phạm là tinh thần, trách nhiệm của người đảng viên, người lãnh đạo trước đất nước, dân tộc, vừa để giữ uy tín cá nhân, vừa để nhận trách nhiệm của bản thân và chúng ta nên xem đó, dù xét ở bất kỳ góc độ nào cũng là việc đáng được tôn trọng.

Tiến sỹ Vũ Trung Kiên nhấn mạnh, ở một góc độ nào đó, những sự việc vừa qua sẽ mở ra tiền lệ tốt trong công tác xây dựng Đảng và tổ chức cán bộ. Tinh thần này nếu được tiếp tục nhân rộng sẽ tác động tích cực đến bộ máy chính trị, vừa nhắc nhở, vừa như cảnh tỉnh, răn đe đối với mỗi cán bộ, đảng viên để ngày càng nâng cao chất lượng cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng trong tình hình mới.

* Đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:

Đổi mới công tác cán bộ là cả một quá trình. Chủ trương "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ đã được Đảng và Nhà nước đề cập nhiều lần, đặc biệt là trong thời gian gần đây trong nhiều hội nghị, nhiều văn bản và nhiều dịp khác nhau.

Đảng ta đã có Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên... Vì vậy, việc hiện thực hóa chủ trương này là hết sức phù hợp, đáp ứng được chủ trương mà Đảng ta đã đặt ra.

Không chỉ trong nhiệm kỳ này mà trong nhiều nhiệm kỳ gần đây công tác hoàn thiện thể chế, bộ máy luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, chú trọng. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định việc hoàn thiện thể chế, hoàn thiện bộ máy là một trong những đột phá chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Có thể nhận thấy từ đầu nhiệm kỳ của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đến nay, công tác cán bộ đã có rất nhiều bước tiến quan trọng, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Chúng tôi cho rằng trong thời gian tới, công tác này cần tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là tiếp tục cần có sự phối hợp chặt chẽ, thông suốt, nhuần nhuyễn giữa các quy trình của Đảng, Nhà nước, bảo đảm việc xử lý được thực hiện theo đúng các quy định của Hiến pháp, pháp luật.

* Đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội:

Đảng ta luôn luôn xác định xây dựng đội ngũ cán bộ là "then chốt của then chốt" trong công tác xây dựng Đảng, trong đó có xây dựng về tư tưởng, về tổ chức cán bộ. Công tác cán bộ được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra là tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; coi trọng cán bộ quản lý cấp chiến lược.

Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu. Cùng với đó là việc quy định về những điều đảng viên không được làm, xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ, đảng viên, nhất người đứng đầu.

Theo quan điểm cá nhân tôi, trong vấn đề xử lý cán bộ chúng ta đã nhất quán, kiên định và kiên trì. Đây là một trong những mục tiêu mà chúng ta đã làm được trong công tác xây dựng Đảng. Tôi hết sức đồng tình với những việc mà Đảng đã làm trong thời gian vừa qua.

* Tiến sĩ Trần Khánh Dung (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội):

Theo quan điểm của Tiến sĩ Trần Khánh Dung, chưa bao giờ kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật lại được đề cao như thời điểm hiện nay. Việc gần đây, Trung ương đã đồng ý cho một số cán bộ chủ chốt giữ chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước thôi giữ các chức vụ do những sai phạm của cấp dưới chính là sự khẳng định rất rõ “không có vùng cấm”.

“Dư luận đang rất quan tâm đến việc Đảng ta chấn chỉnh đội ngũ. Điều đó cũng đồng nghĩa là nhân dân vững tin vào quyết tâm của Đảng...,” Tiến sĩ Trần Khánh Dung cho biết.

* Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh):

Quan tâm về việc Trung ương đồng ý cho một số lãnh đạo giữ các vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước thôi giữ các chức vụ, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng, Nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là quyết định rất nghiêm khắc, nghiêm minh của Đảng ta. “Dù không trực tiếp can dự nhưng cấp dưới vi phạm nhiều như vậy thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng chia sẻ quan điểm.

Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng, hệ thống chính trị của chúng ta là hệ thống quyền lực thống nhất, tức là đặt trọng tâm quyền lực lên người đứng đầu. Người đứng đầu cũng vì thế mà có quyền lực và trách nhiệm rất lớn. Sự việc này cho thấy, cơ chế và phương thức kiểm tra giám sát, kiểm soát quyền lực vẫn còn nhiều hạn chế, bị buông lỏng đã để một số cá nhân lợi dụng, làm những điều sai trái mà không bị phát hiện và bị ngăn chặn từ sớm.

Từ việc một số cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước gần đây xin thôi giữ các chức vụ do nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, do vai trò người đứng đầu khi để nhiều cán bộ có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng nêu rõ: Từ năm 2013 đến nay, có hơn 110 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý. Đó là mất mát rất lớn cho bộ máy quản trị quốc gia. Nhưng đây là việc buộc phải làm. Nếu không mạnh tay xử lý vi phạm, thì tiến trình phát triển của đất nước chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

“Bên cạnh việc xử lý quyết liệt như vậy, chúng ta cần nhanh chóng hiện đại hóa thể chế quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, quy trình chính sách để có thể giảm thiểu những kẽ hở chính sách, gia tăng khả năng kiểm soát hành vi của cán bộ công quyền. Khi bộ máy quản trị quốc gia hiện đại, hoạt động ổn định như ở các nước phát triển thì chuyện những cán bộ lệch chuẩn chỉ là thiểu số và hậu quả cũng không lớn do sớm bị phát hiện”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng bày tỏ.

* Ông Trần Lương Bắc (Cục Hải quan thành phố Hà Nội):

Ông Trần Lương Bắc, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Ga đường sắt Quốc tế Yên Viên (Cục Hải quan thành phố Hà Nội) nhìn nhận: Việc Trung ương gần đây quyết định đồng ý cho một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước thôi giữ các chức vụ là việc làm chưa có tiền lệ trong lịch sử chính trị Việt Nam hiện đại.

Nhưng cũng cần phải nhìn sự việc này trên nhiều phương diện khách quan. Theo lẽ thường, mỗi người xin thôi giữ chức đều có lý do riêng. Có người xin nghỉ vì sức khỏe, nghỉ vì đã hết động lực cống hiến, nghỉ vì thấy mình không đủ uy tín với tổ chức. Đó là nguyện vọng chính đáng của cá nhân. Hơn nữa, công tác cán bộ trong hệ thống công quyền theo nguyên tắc “có vào, có ra”, “có lên, có xuống” vốn là chuyện rất bình thường. Đối với việc này đã có tổ chức xem xét và giải quyết theo đúng quy định của Đảng và pháp luật.

“Tuy nhiên, điều đó đã cho thấy ý thức, lòng tự trọng của người cán bộ, đảng viên về trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Khi thấy mình đã nỗ lực hết sức nhưng không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, thì chủ động dừng lại, rút lui. Đó cũng là thực hiện đúng trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu”, ông Trần Lương Bắc bày tỏ.

* Ông Võ Tấn Tài, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đắk Lắk:

Ông Võ Tấn Tài, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đắk Lắk, nguyên Vụ trưởng Vụ Dân tộc - Tôn giáo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Đảng đã có chủ trương là cán bộ, đảng viên phải noi theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chức vụ càng cao càng phải gương mẫu để làm gương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân noi theo. Việc đó còn có ý nghĩa củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Điểm mới nữa là quy định của Đảng cho phép cán bộ, đảng viên dù ở cấp bậc nào được từ chức khi thấy mình không thể đảm đương được nhiệm vụ được giao.

Quang cảnh kỳ họp bất thường lần thứ ba của Quốc hội khoá XV. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Với các cách làm hợp tình, hợp lý về công tác cán bộ, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố. Nguyện vọng của nhân dân chính là lãnh đạo càng cao càng phải gương mẫu. Nhân dân mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ thực hiện tốt lời hứa trước nhân dân, trước cử tri, để Nhà nước ta thực sự là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cán bộ hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân./.

TTXVN

Tin liên quan

Xem thêm