Thời tiết

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo từ sớm, từ xa các loại hình thiên tai

Việc sử dụng AI sẽ giúp cải thiện khả năng phân tích dữ liệu lớn (quan trắc, radar, vệ tinh, mô hình số,...) và sử dụng hiệu quả nhất trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Nhân viên của Đài khí tượng thủy văn duy tu, bảo dưỡng máy đo mưa, đo bức xạ, đo nhiệt độ tự động
Ảnh: Thế Duyệt-TTXVN

Năm 2025, dự báo tình hình thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi ngành Khí tượng thủy văn chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn. Phóng viên TTXVN đã trao đổi với Tiến sỹ Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về công tác khí tượng thuỷ văn trong năm 2024 và những định hướng phát triển của ngành giai đoạn tới.

*Phóng viên: Xin ông đánh giá công tác dự báo khí tượng thuỷ văn trong năm 2024-một năm đầy thử thách của ngành Khí tượng thuỷ văn khi tần suất bão lũ dày đặc; xuất hiện siêu bão số 3 đổ bộ vào đất liền?

*Tiến sỹ Hoàng Đức Cường: Năm 2024, tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến cực đoan, dị thường, phức tạp như nắng nóng gay gắt và cao hơn từ 0,5 độ C đến 1,5 độ C so với mức trung bình, số lượng bão xấp xỉ so với mức trung bình trên Biển Đông, ngập lụt lớn xảy ra trong nhiều đợt trong năm với một số khu vực ghi nhận mức nước lũ lịch sử vượt qua các mức báo động 1, 2, một số sông vượt báo động 3; xâm nhập mặn sớm và gay gắt đã ảnh hưởng đến nông nghiệp và cuộc sống hàng ngày...Đặc biệt bão số 3 (bão Yagi) - cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền với sức gió mạnh cấp 10-12, giật cấp 13-15, riêng trạm Bãi Cháy mạnh cấp 14, giật cấp 17. Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8-10, giật 12-14. Thủ đô Hà Nội có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9 đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Cán bộ Trạm khí tượng Mẫu Sơn, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lạng Sơn quan trắc thời tiết tại Trạm
Ảnh: Anh Tuấn-TTXVN

Trước tình hình đó, ngành chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng thủy văn, thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, nguồn nước theo quy định. Cụ thể, ngành đã theo dõi và dự báo 10 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới, trong đó có 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước; 18 đợt không khí lạnh; 19 đợt nắng nóng; 21 đợt mưa lớn trên diện rộng; 14 đợt lũ; 39 đợt lũ quét, sạt lở đất trên phạm vi cả nước. Cùng với đó, theo dõi, dự báo mực nước và dòng chảy các sông trên toàn quốc; xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, triều cường, gió mạnh, sóng lớn và nước biển dâng trên các khu vực biển ngoài khơi và ven bờ.

Tính đến hết tháng 12/2024, ngành đã ban hành gần 9.000 bản tin, trong đó có trên 2.700 bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn nguy hiểm. Đặc biệt, với bão số 3, đã có 46 bản tin chính thức và 63 bản tin nhanh bổ sung phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó, trên 5.700 bản tin dự báo khí tượng thủy văn trong điều kiện bình thường. Đồng thời, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (nay là Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia) và các cơ quan liên quan, từ đó góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

*Phóng viên: Trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, ngành Khí tượng thuỷ văn cần triển khai những giải pháp gì để ngày càng chủ động hơn trong ứng phó với thiên tai, thưa ông?

*Tiến sỹ Hoàng Đức Cường: Trước tình hình thiên tai có khả năng diễn biến phức tạp, gia tăng về tần suất và cường độ, trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác theo dõi, giám sát tình hình khí tượng thủy văn trong phạm vi cả nước, đặc biệt tập trung vào khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của các đợt thiên tai như: Bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt diện rộng, hạn hán…; chủ động có công văn gửi thông tin nhận định sớm đến Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm thông tin về diễn biến của bão số 3. 
Ảnh: Hoàng Hiếu-TTXVN

Các đơn vị dự báo khí tượng thủy văn chủ động bổ sung các dự báo chuyên đề, dự báo từ sớm, từ xa để chính quyền và người dân địa phương biết, chủ động trong phòng, chống; nhất là đối với các cơn bão mạnh, mức độ ảnh hưởng lớn và các đợt mưa lũ lớn, diện rộng. Trước đó, bản tin dự báo riêng cho huyện đảo Bạch Long Vỹ, Trường Sa, Lý Sơn đã được thực hiện nhằm truyền tải kịp thời thông tin để cộng đồng chủ động phòng tránh.

Cùng với đó, các đơn vị chức năng thuộc ngành thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo trên các trang thông tin điện tử, hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất theo thời gian thực tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn; hệ thống cảnh báo sớm dông sét, mưa lũ tại địa chỉ: https://iweather.gov.vn và mạng xã hội.

*Phóng viên: Ngành Khí tượng thuỷ văn sẽ ứng dụng những giải pháp gì về khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong công tác phòng, chống thiên tai thời gian tới, thưa ông?

*Tiến sỹ Hoàng Đức Cường: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng và đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia. Đối với nước ta, đây cũng là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết số 57 đã đề cập tới những vấn đề rất mới của thời đại như dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, blockchain, IoT, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các công nghệ mới để thúc đẩy nhanh nhất, đưa các sản phẩm công nghệ mới, công nghệ chiến lược vào cuộc sống. Đây là một văn kiện tạo nên sự thay đổi từ nhận thức đến nội dung, phương thức làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tạo đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; từ đó nâng cao năng suất, hiệu quả.

Để thực hiện tốt Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như chiến lược phát triển của ngành trong kỷ nguyên mới, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực dự báo và cảnh báo sớm thiên tai như: Việc tăng cường số lượng và chất lượng các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, đặc biệt ở các khu vực trọng điểm, trên biển và các khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa; tăng cường các giải pháp quan trắc hiện đại như ra đa thời tiết, ra đa biển, ứng dụng ảnh mây vệ tinh,…

Thiết bị đo gió tại Trạm khí tượng Mẫu Sơn, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lạng Sơn. 
Ảnh: Anh Tuấn-TTXVN

Ngành cũng nâng cao chất lượng các công nghệ dự báo, cảnh báo sớm bằng việc phát triển các công nghệ dự báo, cảnh báo hiện đại tiệm cận với các nước phát triển về khí tượng thủy văn như mô hình số phân giải cao dự báo bão, dự báo mưa, lũ, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; tích hợp các tác động của biến đổi khí hậu đến diễn biến thiên tai vào các phương án dự báo khí tượng thủy văn. Ngành nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự báo, cảnh báo thiên tai, trước mắt là đối với dự báo bão, mưa và các hiện tượng nguy hiểm ít xảy ra theo quy luật thông thường. Việc sử dụng AI sẽ giúp cải thiện khả năng phân tích dữ liệu lớn (quan trắc, radar, vệ tinh, mô hình số,...) và sử dụng hiệu quả nhất trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.Việc sử dụng AI sẽ giúp cải thiện khả năng phân tích dữ liệu lớn (quan trắc, radar, vệ tinh, mô hình số,...) và sử dụng hiệu quả nhất trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Cùng với đó, ngành chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin dữ liệu, đặc biệt là trên biển đối với bão và ở thượng nguồn các dòng sông chảy vào Việt Nam cũng tiếp nhận, phát triển các công nghệ, quy trình dự báo tiên tiến, hiện đại của các nước thông qua hợp tác song phương và đa phương.

Ngoài ra, ngành tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong và ngoài nước; tăng cường công tác truyền thông và phổ biến kiến thức về thiên tai khí tượng thủy văn; tăng cường xã hội hóa để thu hút các nguồn lực; ứng dụng các phương tiện, công nghệ hiện đại trong công tác truyền tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến các đối tượng chịu tác động khác nhau trên các nền tảng công nghệ thông tin phù hợp theo hướng thông tin được diễn giải theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ hình dung tác động với mức độ chi tiết nhất có thể.

*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ Hoàng Đức Cường./.


Thắng Trung

Xem thêm