Sức khỏe

Nâng cấp hệ thống y tế dự phòng: Tạo nền tảng vững chắc cho phòng chống dịch bệnh

Một trong những trọng tâm của quy hoạch là việc thành lập Cơ quan Kiểm soát bệnh tật (CDC) Trung ương và ba trung tâm kiểm soát bệnh tật khu vực, với các tiêu chuẩn phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp độ cao.

Sử dụng các thiết bị hiện đại để xét nghiệm về bệnh phẩm, thực phẩm, môi trường nước, khí...tại Trung tâm CDC Bắc Giang.
Ảnh: TTXVN

Ngày 27/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này không chỉ nhằm nâng cao chất lượng hệ thống y tế mà còn đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực y tế dự phòng và y tế công cộng. Với sự thay đổi toàn diện về tổ chức và vận hành, mạng lưới này hứa hẹn sẽ đáp ứng hiệu quả các thách thức hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp trên toàn cầu.

*Hình thành Cơ quan Kiểm soát bệnh tật trung ương và khu vực

Một trong những trọng tâm của quy hoạch là việc thành lập Cơ quan Kiểm soát bệnh tật (CDC) Trung ương và ba trung tâm kiểm soát bệnh tật khu vực, với các tiêu chuẩn phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp độ cao. Cụ thể, CDC Trung ương sẽ sở hữu hệ thống phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 4, còn các trung tâm khu vực sẽ vận hành các phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3, gắn liền với các Viện Vệ sinh Dịch tễ và Pasteur hiện nay.

Những đơn vị này không chỉ đảm bảo khả năng kết nối và hỗ trợ các trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh mà còn đóng vai trò cầu nối với các tổ chức quốc tế. Điều này tạo tiền đề để Việt Nam tăng cường năng lực dự báo, giám sát, phát hiện sớm và khống chế hiệu quả các dịch bệnh. Đồng thời, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Hiện tại, mạng lưới y tế dự phòng của Việt Nam gồm 7 viện chuyên ngành tuyến trung ương, bao gồm hai Viện Vệ sinh Dịch tễ tại khu vực Đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên; hai Viện Pasteur tại Đông Nam Bộ và Bắc Trung Bộ - Duyên hải miền Trung; cùng ba Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng đặt tại Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

Ngoài ra, lĩnh vực y tế công cộng có ba viện chuyên ngành quan trọng, gồm Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Viện Dinh dưỡng, và Viện Y tế Công cộng TP Hồ Chí Minh. Viện Y học Biển tại Hải Phòng cũng đóng vai trò then chốt trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Các viện này đảm nhận các nhiệm vụ chuyên môn như giám sát dịch bệnh, nghiên cứu yếu tố nguy cơ đến sức khỏe, chỉ đạo tuyến, cung cấp dịch vụ y tế, nghiên cứu khoa học và đào tạo. Tuy nhiên, theo đánh giá từ Bộ Y tế, hiện vẫn tồn tại sự chồng chéo giữa các hoạt động giám sát dịch tễ và giám sát yếu tố nguy cơ của các viện chuyên ngành và CDC 

Nhân viên phòng xét nghiệm (CDC Đà Nẵng) tiến hành xét nghiệm.
Ản: TTXVN

*Tối ưu hóa nguồn lực

Bối cảnh toàn cầu hóa, sự mở cửa và gia tăng thương mại quốc tế đang đặt Việt Nam trước những nguy cơ dịch bệnh mới. Đặc biệt, vị trí địa lý đặc thù của đất nước làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm qua biên giới, bao gồm các bệnh lây từ động vật sang người.

Mặt khác, những bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi vẫn tiếp tục xuất hiện tại nhiều quốc gia. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần nâng cao năng lực giám sát và phản ứng nhanh để đối phó với các tình huống khẩn cấp về y tế công cộng.

Việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ đến từ môi trường và sự tương tác giữa con người, gia súc và động vật hoang dã cũng là một thách thức lớn. Đây không chỉ là vấn đề nội bộ mà còn có tính liên kết toàn cầu, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế.

Trong bối cảnh trên, mô hình CDC Trung ương và các trung tâm khu vực là lời giải phù hợp. Hệ thống này không chỉ tinh gọn các đầu mối quản lý mà còn thống nhất trong chỉ đạo và triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.

Việc hình thành các trung tâm kiểm soát bệnh tật khu vực gắn liền với các Viện Vệ sinh Dịch tễ và Pasteur sẽ giúp tận dụng tối đa nguồn lực hiện có, đồng thời nâng cao hiệu quả giám sát dịch bệnh. Những trung tâm này sẽ hoạt động như các đơn vị đầu mối trong việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ sức khỏe và tổ chức các chiến dịch y tế cộng đồng quy mô lớn.

Đặc biệt, việc xây dựng các phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp cao sẽ giúp nâng cao khả năng chẩn đoán và nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đây là bước tiến quan trọng trong việc đối phó với những dịch bệnh mới nổi, đồng thời góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế công cộng.

Mặc dù mạng lưới y tế dự phòng hiện nay đã có những thành tựu đáng kể, nhưng sự chồng chéo trong nhiệm vụ của các viện chuyên ngành và CDC tỉnh vẫn là điểm cần khắc phục. Quy hoạch mới không chỉ hướng tới việc tinh gọn các đầu mối mà còn đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ nhân sự.

Việc đầu tư vào nghiên cứu và nâng cấp cơ sở hạ tầng sẽ giúp các đơn vị y tế dự phòng nâng cao năng lực chuyên môn. Đồng thời, các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng cần được đẩy mạnh để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, không chỉ là một kế hoạch mang tính chiến lược mà còn là nền tảng để xây dựng một hệ thống y tế dự phòng toàn diện, hiệu quả và bền vững. Với việc thành lập CDC Trung ương và các trung tâm khu vực, cùng sự cải thiện trong công tác giám sát dịch bệnh và kiểm soát yếu tố nguy cơ, Việt Nam đang hướng tới một mô hình y tế công cộng hiện đại, đáp ứng tốt hơn các thách thức toàn cầu và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Nếu được thực hiện đúng lộ trình, quy hoạch này sẽ mang lại những thay đổi tích cực không chỉ về mặt chuyên môn mà còn về cơ cấu tổ chức, giúp ngành y tế Việt Nam hội nhập sâu rộng và tạo ra giá trị lâu dài cho người dân.

PV

Xem thêm