Thời tiết

Nâng chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai bằng công nghệ

Với hệ thống siêu máy tính này, ngành đã và đang thực hiện đồng hóa số liệu, tích hợp toàn bộ các hệ thống quan trắc thời gian thực.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres xem hệ thống dự báo lũ quét, sạt lở đất cho khu vực Đông Nam Á tại Trung tâm tác nghiệp khí tượng thủy văn.
Ảnh: Minh Đức-TTXVN

Là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi thiên tai, Việt Nam thuộc nhóm nước chịu nhiều tác động nhất do biến đổi khí hậu. Những năm qua, các hình thái thời tiết cực đoan, nguy hiểm thường xuyên xuất hiện như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, rét đậm, rét hại… đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Xác định rõ vai trò quan trọng trong dự báo, cảnh báo thiên tai, ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam đã triển khai hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo thông qua nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế, hợp tác truyền thông đã góp phần đưa ra các dự báo, cảnh báo sớm, kịp thời, mang tính chính xác cao, ứng phó với các loại hình thiên tai, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

*Ứng dụng công nghệ trong dự báo

Tiến sĩ Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, qua 79 năm trưởng thành và phát triển (3/10/1945-3/10/2024), hiện ngành Khí tượng thủy văn đã từng bước hiện đại hoá hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai bằng việc sử dụng hệ thống siêu máy tính CrayXC40 - hệ thống tính toán dành cho bài toán dự báo khí tượng mạnh trong khu vực Đông Nam Á. Hệ thống này được đánh giá tương đương với hệ thống CrayXC40 của Cơ quan khí tượng Singapore.

Theo đó, hệ thống CrayXC40 của Việt Nam được trang bị 56 máy chủ tính toán với trên 2.100 bộ vi xử lý, cho phép đạt năng lực tính toán đạt xấp xỉ 80TFLOPS và thực hiện bài toán dự báo thời tiết ở quy mô 2- 3km cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và Biển Đông; dự báo 3 ngày trong thời gian 30 - 40 phút. Với hệ thống siêu máy tính này, ngành đã và đang thực hiện đồng hóa số liệu, tích hợp toàn bộ các hệ thống quan trắc thời gian thực gồm: Vệ tinh, radar, quan trắc bề mặt, đo mưa tự động; trên cơ sở đó, đưa ra các tính toán, phân tích dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai, từ ngày, tuần đến tháng.

Thiết bị đo gió tại Trạm khí tượng Mẫu Sơn, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lạng Sơn.
Ảnh: Anh Tuấn-TTXVN

Hệ thống trực quan hóa và biên tập dữ liệu dự báo khí tượng (SmartMet) cũng được Tổng cục sử dụng trong quá trình thực hiện dự báo. Hệ thống này tích hợp nhiều loại số liệu quan trắc và số liệu của các mô hình, có thể mở được cùng lúc trên một bản đồ làm việc, dễ dàng cho việc so sánh; đồng thời giúp các dự báo viên có thể tùy chỉnh hiển thị, phân tích các thông số đặc trưng khí quyển tùy theo mục đích dự báo.

Bên cạnh đó, ngành xây dựng được bộ công cụ, chương trình tính toán chỉ số SPI phục vụ giám sát hạn hán khí tượng giúp đưa ra các bản tin thông báo về phạm vi, cường độ, diễn biến hạn hán trên toàn quốc; triển khai trong nghiệp vụ các hệ thống mô hình dự báo số trị quy mô khu vực để tăng cường khả năng dự báo định lượng mang tính cực trị như mưa lớn, gió mạnh trong bão; thu thập đồng bộ thống nhất toàn bộ các hệ thống dự báo tất định và tổ hợp từ các trung tâm toàn cầu (Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu). Bên cạnh đó, ngành cũng phối hợp với các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu toán, trí tuệ nhân tạo (AI), cập nhật, đưa vào các công cụ mới để tăng cường tính tự động hóa, số hóa trong thiết lập các loại hình bản tin dự báo khí tượng thủy văn; phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các đề tài, dự án từ cấp bộ đến cấp Nhà nước về ứng dụng AI trong dự báo các hiện tượng khí tượng-thủy văn-hải văn nguy hiểm (dự báo xoáy thuận nhiệt đới ở Biển Đông; dự báo sóng biển, nước dâng, dự báo định lượng mưa hạn cực ngắn; giám sát, dự báo, cảnh báo ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh…).

*Mở rộng hợp tác quốc tế và truyền thông

Theo Giám đốc Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, mở rộng hợp tác quốc tế trong công tác cảnh báo, dự báo thiên tai, Trung tâm đã thực hiện nhiệm vụ đầu mối kỹ thuật của nhiều hợp tác quốc tế đa phương, song phương như: Chương trình công tác của Tổ chức Khí tượng thế giới; Ủy ban Bão khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Tiểu ban Khí tượng Vật lý Địa cầu ASEAN; Ủy ban Hải dương học (IOC); Trung tâm Khí hậu châu Á - Thái Bình Dương; với các nước Phần Lan, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Hàn Quốc,...

Trung tâm cũng đảm nhiệm vai trò Trung tâm hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm (SWFP-SeA) và Trung tâm hỗ trợ cảnh báo lũ quét và sạt lở đất (SeAFFGS) cho khu vực Đông Nam Á; phối hợp với Tổ chức Khí tượng thế giới để triển khai các lớp đào tạo tập huấn về dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm và Dự báo tác động cho các Học viên trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, phối hợp với các chuyên gia của và Trung tâm nghiên cứu thủy văn Hoa Kỳ về xây dựng hệ thống Cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á; các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quốc tế khí hậu và xã hội (IRI) về đào tạo, tập huấn xây dựng các sản phẩm dữ liệu, dự báo phục vụ Khung dịch vụ khí hậu toàn cầu tại Việt Nam, tập trung trước tiên cho lĩnh vực Nông nghiệp…..

Quá trình hợp tác quốc tế đã đem lại những hiệu quả rõ rệt trong công tác dự báo, cảnh báo, ứng phó với thiên tai. Điển hình là với bão số 3, với quốc tế là siêu bão Yagi, các cơ quan khí tượng thủy văn quốc tế của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc)... đã kịp thời, chủ động trao đổi thông tin với cơ quan Khí tượng thủy văn Việt Nam ngay từ khi bão số 3 mới xuất hiện khu vực đảo Luzon (Philippines). Nhờ trao đổi thông tin thường xuyên giữa các cơ quan khí tượng và chuyên gia quốc tế, bão số 3 đã được nhận định đúng hướng đi, sức ảnh hưởng, phạm vi, quy mô, từ đó, lực lượng chức năng có phương án "đón" bão, giúp giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

Để thực hiện tốt hơn công tác phát triển khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thời gian tới, ông Mai Văn Khiêm cho biết, Trung tâm sẽ triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu các cấp theo tiến độ phê duyệt, đánh giá khả năng tiếp nhận, chuyển giao các sản phẩm của các đề tài, dự án trong và ngoài Tổng cục Khí tượng thủy văn để từng bước hiện đại hóa công nghệ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Cùng với đó, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế với trọng tâm phục vụ nâng cao năng lực, tiếp thu khoa học tiên tiến, các công nghệ và quy trình hiện đại trong dự báo, cảnh báo thiên tai, dự báo tác động. Đồng thời, triển khai Khung dịch vụ khí hậu toàn cầu tại Việt Nam; nghiên cứu rà soát các thông tin và yêu cầu của Tổ chức Khí tượng thế giới cho một Trung tâm khí tượng chuyên biệt (RSMC) về Dự báo thời tiết nguy hiểm (SWF), từ đó, đăng ký chuyển đổi từ Trung tâm hỗ trợ khu vực (RSFC) sang Trung tâm khí tượng chuyên biệt về dự báo thời tiết nguy hiểm cho khu vực Đông Nam Á.

Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Thứ trưởng Lê Công Thành dẫn đầu làm việc với lãnh đạo Cơ quan Tài nguyên nước Quốc gia Cuba.
Ảnh: Mai Phương - Pv TTXVN tại Cuba

Qua trình dự báo, cảnh báo thiên tai, theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, không thể không nhắc tới công tác phối hợp với các cơ quan truyền thông nhằm cung cấp thông tin kịp thời tới từng người dân.

Trong bão số 3, Trung tâm đã cung cấp các thông tin về nhận định, dự báo bão đến Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan một cách kịp thời, từ đó giúp cho công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trên được chủ động.

Thông tin được cung cấp bằng văn bản; các thông tin dự báo, cảnh báo được cập nhật liên tục, sát thực tế về bão số 3, hoàn lưu bão số 3 trên Website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực. Trung tâm đã ban hành 46 tin chính thức và 63 tin nhanh bổ sung phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó.

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia đã chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí truyền thông theo hình thức trực tiếp tại Tổng cục Khí tượng thuỷ văn với 47 cuộc phỏng vấn, thực hiện ghi hình 30 video clip về các nội dung diễn biến thiên tai, cảnh báo thiên tai, hướng dẫn nhận biết về thiên tai bão, tác động của gió, bão đối với con người và công trình...

Nhờ sự chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, hàng loạt bản tin trên các loại hình báo chí đã được đăng tải, cập nhật kịp thời, chính xác thông tin dự báo, cảnh báo về bão số 3, giúp người dân nắm rõ và có phương án chủ động ứng phó, từ đó giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Ngay trong những ngày này, thông tin về tình hình mưa lũ, sạt lở, không khí lạnh ở các tỉnh phía Bắc, triều cường gây ngập lụt ở Đồng Bằng sông Cửu Long cũng như tình hình thời tiết các vùng trên cả nước luôn được cập nhật trên trang web của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia. Các chuyên gia khí tượng, không quản ngày đêm, luôn sẵn sàng giải đáp thông tin về tình hình thời tiết, thiên tai để đưa những bản tin dự báo, cảnh báo sớm nhất, chính xác nhất về thiên tai cho lực lượng chức năng và cộng đồng. Chính sự kết nối này đã góp phần đưa công tác dự báo, cảnh báo thiên tai của nước ta ngày càng kịp thời, góp phần ứng phó linh hoạt hơn với thiên tai, đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội./.

Thắng Trung

Xem thêm