Hội nhập

Nâng hiệu quả hợp tác Việt Nam-Ấn Độ trong bối cảnh mới

Đối thoại lần thứ 5 với chủ đề "Ấn Độ và Việt Nam trong trật tự thế giới mới" mang ý nghĩa quan trọng, giúp xác định vai trò của hai quốc gia trong bối cảnh thế giới đang thay đổi.

Trưởng ban Hợp tác Quốc tế (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Nguyễn Thanh Hà, phát biểu khai mạc Đối thoại thường niên giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội đồng các vấn đề quốc tế của Ấn Độ lần thứ 5 với chủ đề "Ấn Độ và Việt Nam trong trật tự thế giới mới".
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Ngày 27/9, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Đối thoại thường niên giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội đồng các vấn đề quốc tế của Ấn Độ lần thứ 5 với chủ đề "Ấn Độ và Việt Nam trong trật tự thế giới mới". Sự kiện thu hút đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Hợp tác quốc tế (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, sự kiện đánh dấu bước hợp tác mạnh mẽ, bền vững giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) và Hội đồng các Vấn đề quốc tế Ấn Độ (ICWA) trong gần một thập kỷ qua. Đối thoại chiến lược VASS-ICWA bắt đầu triển khai từ năm 2017 sau chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đến nay đã tổ chức thành công 4 kỳ, đem lại những kết quả thiết thực.

Trong bối cảnh biến động của tình hình thế giới và khu vực, việc thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin giữa hai cơ quan là cần thiết để thích ứng và hành động vì lợi ích chung. Đối thoại lần thứ 5 với chủ đề "Ấn Độ và Việt Nam trong trật tự thế giới mới" mang ý nghĩa quan trọng, giúp xác định vai trò của hai quốc gia trong bối cảnh thế giới đang thay đổi.

Ông Nguyễn Thanh Hà đánh giá, trong bối cảnh nhiều thay đổi toàn cầu đang diễn ra, hợp tác giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. Trưởng ban Hợp tác Quốc tế hy vọng, đối thoại lần này sẽ đề xuất được những giải pháp mới nhằm cải thiện hợp tác và phát triển mối quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ, đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ và nhân dân hai nước.

Đại sứ Soumen Bagchi, Quyền Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế của Ấn Độ khẳng định, mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa ICWA và VASS bắt nguồn từ Hội nghị quan hệ châu Á (Asian Relations Conference) năm 1947 và tiếp tục được củng cố qua các sự kiện sau đó. Trong bài phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ tại Hội đồng các Vấn đề quốc tế Ấn Độ vào tháng 8/2024. Ông đề cập đến những thay đổi lãnh đạo gần đây ở cả Ấn Độ và Việt Nam đã tạo động lực mới cho quan hệ song phương.

Quảng cảnh Đối thoại thường niên giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội đồng các vấn đề quốc tế của Ấn Độ lần thứ 5, tại Hà Nội.
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Về kinh tế, hai nước đang nỗ lực đạt mục tiêu thương mại song phương 15 tỷ USD và đầu tư 2 tỷ USD từ Ấn Độ vào Việt Nam. Cả hai quốc gia có tiềm năng hợp tác mạnh mẽ trong các lĩnh vực như công nghệ số, 5G, 6G và quốc phòng. Giao lưu văn hóa cũng được thúc đẩy qua các dự án như phim "Love in Vietnam." Về hợp tác quốc tế, Ấn Độ đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong các diễn đàn toàn cầu và hy vọng Việt Nam sẽ tham gia các liên minh như Liên minh năng lượng mặt trời. Đại sứ mong muốn, các học giả của hai nước tăng cường nghiên cứu để tìm kiếm cơ hội hợp tác hiệu quả hơn trong tương lai.

Theo ông Tôn Sinh Thành, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được nâng lên cấp cao nhất từ năm 2016. Hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2022 và đang nỗ lực tăng cường hợp tác đa chiều. Trật tự thế giới mới tạo cơ hội để Việt Nam và Ấn Độ làm sâu sắc quan hệ, đặc biệt trong lĩnh vực chiến lược, kinh tế, và văn hóa, nhằm định hình một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định và kiên cường.

Giáo sư, Tiến sỹ Prabir De, Trung tâm Ấn Độ- ASEAN, Viện Thông tin và Nghiên cứu các nước đang phát triển cho biết, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Ấn Độ và Việt Nam có thể thúc đẩy xuất khẩu song phương, củng cố chuỗi giá trị toàn cầu, giảm rào cản thương mại, khuyến khích đầu tư và cải thiện các quy định về sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử và mua sắm của Chính phủ.

Hai nước có thể xem xét thành lập nhóm nghiên cứu chung để triển khai Hiệp định này. Trong bối cảnh Ấn Độ và Việt Nam đang hướng tới sự ổn định và tăng trưởng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hợp tác song phương sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt trong các lĩnh vực như thương mại, kết nối, an ninh hàng hải và công nghệ. Một số dự án hợp tác cũng có tiềm năng như: Kinh tế, công nghệ số, biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Tại sự kiện, các đại biểu cũng tập trung thảo luận những vấn đề trọng tâm trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ, đặc biệt là trong các lĩnh vực hợp tác quốc phòng, kinh tế, công nghệ. Các ý kiến đóng góp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước; đồng thời đưa ra những gợi ý cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác trong bối cảnh trật tự thế giới mới. Các đại biểu cũng đề xuất tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác phát triển công nghệ số và quốc phòng, cũng như mở rộng giao lưu văn hóa và nhân dân, góp phần củng cố mối quan hệ vững chắc giữa hai quốc gia./.

Lý Thị Thanh Hương

Xem thêm