Văn hóa

Nét văn hóa độc đáo của Lễ hội Cúng miếu bà Thượng Động Cố Hỷ

Cần Thơ

Các tiết mục múa bóng rỗi được trình diễn trong không gian lễ hội, góp phần tạo nên không khí trang nghiêm, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.

Người dân và du khách viếng, thắp hương tại miếu bà Thượng Động Cố Hỷ. 
Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Ngày 27/3 (nhằm ngày 28/2 âm lịch), đông đảo người dân và du khách đã đến Khu di tích lịch sử Giàn Gừa (huyện Phong Điền, Cần Thơ) tham gia Lễ hội Cúng miếu bà Thượng Động Cố Hỷ.

Lễ hội là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính đối với bà Thượng Động Cố Hỷ, vị thần được tin là mang lại may mắn, sức khỏe và sự bình an cho cộng đồng. Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, sự kiện còn là dịp để người dân địa phương và du khách cùng hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống đặc sắc, qua đó, có dịp tìm hiểu nghi thức cúng tế cũng như tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi động.

Điểm nhấn đặc sắc của sự kiện là hoạt động múa bóng rỗi (hay múa bóng). Đây là một loại hình nghệ thuật dân gian, kết hợp giữa âm nhạc, vũ đạo và các yếu tố tín ngưỡng. Các tiết mục múa bóng rỗi được trình diễn trong không gian lễ hội, góp phần tạo nên không khí trang nghiêm, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.

Một điểm đặc biệt khác của lễ hội là không gian sinh hoạt văn hóa, diễn ra xung quanh Khu di tích lịch sử Giàn Gừa với cây gừa cổ thụ hơn 160 tuổi. Tán cây rộng lớn bao phủ cả Khu di tích hơn 2.700 m2, tạo nên không gian vừa linh thiêng, vừa mang đậm dấu ấn lịch sử. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Giàn Gừa là địa điểm cách mạng quan trọng, nơi diễn ra nhiều cuộc họp triển khai kế hoạch, nghị quyết, chỉ thị của Khu ủy, Tỉnh ủy, đồng thời là nơi cất giấu vũ khí và tập kết quân để tấn công vào cơ quan đầu não của Mỹ - Ngụy.

Bà Trần Thị Hường, người dân ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền chia sẻ, bà cảm thấy rất vui khi đến tham dự lễ hội. Bà tham gia lễ hội để cầu mong sức khỏe và tài lộc cho gia đình. Không chỉ tham gia các nghi lễ, bà còn hòa mình vào các hoạt động văn nghệ trong khuôn khổ lễ hội. Qua nhiều năm tham gia, bà nhận thấy số lượng khách năm sau luôn bằng hoặc đông hơn năm trước.

Bà Nguyễn Thị Lễ, du khách đến từ ấp Tân Tây, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, bày tỏ sự gắn bó đặc biệt với lễ hội này. Bà cho biết, những may mắn trong công việc kinh doanh đã thúc đẩy bà trở lại viếng miếu bà Cố Hỷ mỗi năm. Đây là lần thứ 5 bà tham gia sự kiện này. Bà Lễ cũng đặc biệt ấn tượng với nghi thức múa bóng rỗi. Mặc dù đã tham dự lễ hội nhiều lần, bà cho biết, đây là lần đầu tiên bà được tận mắt chứng kiến và cảm nhận sự thú vị của loại hình nghệ thuật này./.

Trung Kiên

Xem thêm