Các đại biểu đề xuất giải pháp để tạo động lực thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học; ứng dụng các công nghệ mới.
TTXVN - Hưởng ứng Ngày Nước Thế giới (22/3), Ngày Khí tượng Thế giới (23/3) và Chiến dịch giờ Trái đất (25/3), chiều 22/3, tại thành phố Hòa Bình, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội”.
Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, chủ đề có tính thời sự cao, phù hợp với xu thế chung của khoa học khí tượng thủy văn trong nước và quốc tế. Việc quy tụ được các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia góp ý, trao đổi, thảo luận là cơ hội tốt để làm rõ hơn các yêu cầu phải nghiên cứu toàn diện trong lĩnh vực khí tượng thủy văn.
Các nhà khoa học, các đại biểu tham dự hội thảo sẽ trao đổi về các công nghệ, giải pháp tiên tiến đã và đang tập trung nghiên cứu đối với việc dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu; làm rõ những vấn đề cần tiếp tục triển khai, hoàn thiện các nghiên cứu về giải pháp công nghệ hiện đại trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Các đại biểu đề xuất giải pháp để tạo động lực thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học; ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ hiện đại, đặc biệt là các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong dự báo, cảnh báo thiên tai nói riêng và lĩnh vực khí tượng thủy văn nói chung.
Các nhà khoa học cũng thảo luận các giải pháp tăng cường sự kết nối, chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ mới trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn từ các đơn vị quản lý nhà nước của Tổng cục Khí tượng thủy văn tới các đơn vị nghiên cứu là Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu và các trường: Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...
Đề cập đến việc nghiên cứu đặc điểm của các cơn bão có quỹ đạo thay đổi bất thường trên khu vực Biển Đông, Tiến sỹ Võ Văn Hòa, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, theo kết quả nghiên cứu, từ năm 2011-2021, có 107 cơn bão trong đó có 69 cơn có thay đổi bất thường, 22 cơn xảy ra trong thời kỳ hoạt động của ElNino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương) và 47 cơn xảy ra trong thời kỳ hoạt động của LaNina (hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương trên lạnh đi dị thường). Trong thời gian hoạt động của 107 cơn này, có 278 lần có sự thay đổi hướng dị thường trong đó có 187 lần quay trái và 91 lần quay phải. Với những cơn bão di chuyển bằng nội lực, cấu trúc bão có ảnh hưởng tới sự đổi hướng do tính đối xứng của nó.
Chia sẻ về những khó khăn trong nghiên cứu xác định nguyên nhân gây triều cường cao kèm theo sóng lớn tại ven biển Tây Cà Mau, Thạc sỹ Lê Đình Quyết, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, hiện không có số liệu quan trắc tại ven biển Tây Cà Mau nên khó khăn cho việc phân tích, đánh giá nguyên nhân và hiệu chỉnh kiểm định mô hình triều cường, sóng. Cùng với đó, việc triển khai tính toán từ mô hình triều cường, sóng đòi hỏi năng lực tính toán lớn, song với năng lực tính toán hiện tại sẽ mất nhiều thời gian.
Thông tin về chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Thạc sỹ Trần Đỗ Bảo Trung, Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nêu rõ, mục tiêu của chiến lược là chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu, cạnh tranh của nền kinh tế.
Đến năm 2030, Việt Nam xây dựng, thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan 30% so với mức phát thải khí mê-tan năm 2020. Việt Nam xây dựng tổng hạn ngạch và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính từ năm 2026.
Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính. Về giải pháp chung, đến năm 2050, Việt Nam xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan 40% so với mức phát thải khí mê-tan năm 2030. Thực hiện kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính đối với các cơ sở phát thải hàng năm từ 2.000 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2030; 500 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2040; 200 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2050.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những vấn đề liên quan như: Mối quan hệ của dòng xiết cận nhiệt đới đối với một số đợt rét trên khu vực Bắc Bộ, xây dựng hệ thống tự động giám sát mặt nước theo chuỗi thời gian sử dụng ảnh sentinel 1; phương pháp dự báo tác động bão, áp thấp nhiệt đới và lũ cho khu vực Trung Bộ; ứng dụng phương pháp học máy trong dự báo sóng biển tại Việt Nam…/.