6 đơn vị gồm: Sở Y tế, Sở Công Thương và 4 huyện: Kỳ Sơn, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Quế Phong.
Năm 2025, Ban Chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính tỉnh Nghệ An sẽ lựa chọn 6 đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo điểm trong cải cách hành chính gồm: Sở Y tế, Sở Công Thương và 4 huyện: Kỳ Sơn, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Quế Phong. Ban Chỉ đạo cũng ưu tiên bố trí đủ nguồn lực tài chính, nhân lực để phục vụ triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số, nhất là các địa phương miền núi khó khăn.
Trong năm 2025, Nghệ An ưu tiên tập trung cải cách thủ tục hành chính theo “3 tăng, 2 giảm, 2 không”. Ba tăng gồm: Tăng tính công khai, minh bạch, trách nhiệm trong thực thi công vụ; tăng cường giải quyết thủ tục hành chính công thông qua môi trường mạng; tăng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Hai giảm gồm: Giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính ". Hai không, gồm: Không gây phiền hà sách nhiễu; không trễ hẹn. Qua đó tạo môi trường thuận lợi nhất cho các hoạt động của người dân và doanh nghiệp theo tinh thần “Tốt nhất, nhanh nhất, thuận lợi nhất”.
Nghệ An phấn đấu tỷ lệ hồ sơ thủ tục ở các cấp được giải quyết đúng hạn đạt từ 95% trở lên. 100% hồ sơ chậm phải được xin lỗi tổ chức, cá nhân kịp thời theo quy định, không có hồ sơ tồn đọng. Tỉnh công khai kịp thời, minh bạch 100% kết quả xử lý hồ sơ giải thủ tục hành chính của các sở, ngành, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức.
Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt từ 95% trở lên. Trong đó, mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt trên 90%. Mức độ hài lòng của người dân về cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục công lập đạt trên 85%. 100% cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt chỉ thị của các cấp về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, không có vi phạm. 100% cơ quan, đơn vị thành lập Tổ kiểm tra nội bộ để kiểm tra kết quả xử lý công việc của cán bộ, công chức, viên chức. Hằng tháng, 100% công việc cá nhân được rà soát công bố trước cuộc họp cơ quan, đơn vị và có biện pháp xử lý kịp thời đối với hồ sơ, công việc xử lý chậm.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh Nghệ An cho biết: Để công tác cải cách hành chính đạt hiệu quả, cần ưu tiên, quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến cải cách hành chính, chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các ngành, cấp cần tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, đặc biệt là việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức, viên chức. Những cán bộ, công chức, viên chức có vấn đề, có dư luận phải được xem xét xử lý nghiêm và có biện pháp xử lý những cán bộ không làm được việc.
Những năm qua, Nghệ An được đánh giá là một trong các địa phương thực hiện tốt việc cải cách hành chính, có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo để thực hiện Đề án số 06/CP về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong triển khai một số nhiệm vụ Chính phủ giao như xây dựng Đề án vị trí việc làm, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, Nghệ An cũng là một địa phương được Bộ Nội vụ đánh giá Đề án có chất lượng./.
- Từ khóa:
- Nghệ An
- đơn vị
- cải cách
- hành chính