Xã hội

Nghệ An: Dân bản vùng cao, miền núi háo hức đón Tết Độc lập 2/9

Nghệ An

Với đồng bào dân tộc Thái, Mông, Ơ Đu, Khơ Mú… phía Tây Nghệ An, Tết Độc lập là một ngày lễ quan trọng trong năm. Đây là dịp để đồng bào thể hiện lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ kính yêu, tình yêu quê hương, làng bản và thêm một lần để thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, cố kết cộng đồng.

Khung cảnh Khu Bản làng Xốp kho (huyện Tương Dương, Nghệ An) rợp bóng cờ Tổ quốc. 
Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Hòa chung không khí của người dân cả nước hướng về Quốc khánh 2/9, người dân cộng đồng các dân tộc sinh sống tại các bản làng vùng cao, miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An đang gấp rút trang trí, khánh tiết cổng bản; quét dọn đường liên xã, liên bản, trục đường qua khu dân cư tạo môi trường, không gian sạch đẹp, thông thoáng; cắm cờ Tổ quốc điểm tô sắc thắm dọc những con đường, trên những ngôi nhà sàn và lên kế hoạch tổ chức các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ truyền thống trong dịp nghỉ lễ. Với đồng bào dân tộc Thái, Mông, Ơ Đu, Khơ Mú… phía Tây Nghệ An, Tết Độc lập là một ngày lễ quan trọng trong năm. Đây là dịp để đồng bào thể hiện lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ kính yêu, tình yêu quê hương, làng bản và thêm một lần để thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, cố kết cộng đồng.

* Cộng đồng dân tộc Ơ Đu háo hức đón Tết Độc lập

Bản Văng Môn của người Ơ Đu (một trong 5 dân tộc ít người nhất của cả nước) nằm dọc hai bên Quốc lộ 48C, soi bóng bên hạ nguồn dòng Nậm Ngân khởi nguồn từ vùng lõi của đại ngàn Pù Huống. Năm 2006, thực hiện việc di dân để nhường mặt bằng cho dự án Thủy điện Bản Vẽ, cộng đồng dân tộc Ơ Đu đã thực hiện một cuộc “thiên di” có bước ngoặt lịch sử: Rời đại ngàn về sinh sống tại bản tái định cư Văng Môn, là một trong 9 bản của xã vùng cao Nga My (Tương Dương, Nghệ An).

Hiện nay, người Ơ Đu hiện diện ở 9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tương Dương với tổng cộng hơn 130 hộ, hơn 570 người. Xã Nga My nằm cách trung tâm huyện hơn 70 km, là nơi tập trung người Ơ Đu đông nhất với hơn 110 hộ, hơn 334 người, trong đó bản Văng Môn có 102 hộ dân tộc Ơ Đu.

Vượt hành trình hơn 170km, chúng tôi trở lại bản Văng Môn trong những ngày cả nước bước vào dịp Quốc khánh 2/9. Điều dễ nhận thấy nhất khi đến bản Văng Môn là tuyến đường 48C huyết mạch chạy qua bản được quét dọn, phát quang cây bụi và cắm nhiều cờ Tổ quốc trên đường, tạo điểm nhấn rất ấn tượng. Mặt đường bê tông trong bản cũng được quét dọn sạch sẽ. Đặc biệt, sắc thắm của cờ Tổ quốc hiện diện nhiều ở đầu ngõ, trên nhà sàn của người dân.

Ông Lo Thanh Bình, người dân bản Văng Môn cho biết, để tạo môi trường xanh, sạch, khô ráo, người dân trong bản đã đồng loạt ra quân tổ chức thu gom, quét dọn và xử lý rác trên các tuyến đường dân sinh nội bản. Trong những ngày nghỉ Quốc khánh, dân bản cũng không thả gia súc, vật nuôi ra đường mà nuôi nhốt trong chuồng, đi chăn ở khu vực chăn thả phải có người trông coi.

Từ nhiều năm qua, cộng đồng người Ơ Đu coi dịp Quốc khánh 2/9 là một sự kiện lớn, có ý nghĩa trọng đại của đất nước. Những ngày nghỉ lễ là dịp để bà con nghỉ ngơi, thăm thân và tổ chức, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ để người dân gần gũi, thắt chặt tình đoàn kết.

Ông Lo Văn Cường, người uy tín của bản Văng Môn cho biết, cuộc sống của người dân Ơ Đu hôm nay đã phát triển hơn nhiều so với khi ở trong rừng, nhất là giao thông thuận lợi, nhà cửa khang trang, các dịch vụ y tế khám, chữa bệnh thuận lợi, con cái được học hành đầy đủ; người dân được thụ hưởng các chính sách mà Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ, đầu tư, tạo tiền đề cho dân tộc Ơ Đu ngày càng phát triển.

Các thiết chế văn hóa bản làng, gia đình được bảo lưu, gìn giữ. Theo ông Lo Văn Cường, trước đây khi còn ở trong rừng, điều kiện mọi mặt còn khó khăn, hạn chế nên việc tổ chức các hoạt động chào mừng ngày Quốc khánh 2/9 của dân bản diễn ra quy mô nhỏ. Từ khi về định cư ở bản Văng Môn, người Ơ Đu sống tập trung nhiều, gần nhau nên các hoạt động văn hóa, văn nghệ dịp Tết Độc lập được dân bản tổ chức quy mô hơn, đông vui hơn vì có nhiều người dân tham gia.

Hiện bản Văng Môn đã thành lập được “Câu lạc bộ dân ca, dân vũ dân tộc Ơ Đu” với 29 thành viên, được đánh giá đạt Câu lạc bộ dân ca, dân vũ cấp huyện. Đây là "hạt nhân" để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Ơ Đu và trình diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ trong các dịp lễ, Tết, những dịp trọng đại, ý nghĩa của đất nước. Các trò chơi như khắc luống, thổi sáo, múa sạp... sẽ được dân bản tổ chức để vui chung.

Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 là dịp đoàn viên, sum vầy nên người Ơ Đu làm ăn xa trên mọi miền Tổ quốc đều cố gắng về với bản làng. Trong những ngày lễ, các gia đình thường tổ chức nấu những mâm cơm có những món ăn độc đáo, đặc trưng, mang tính nhận diện văn hóa ẩm thực của người Ơ Đu như: Moọc cá, moọc thịt được tẩm ướp bằng nhiều gia vị gói trong những lớp lá chuối rừng; món cá nướng kẹp trên những thanh tre, vầu; cơm lam, rượu cẩm, rượu cần, rượu siêu…

* Tinh thần Quốc khánh của đồng bào Thái giữa đại ngàn

Miền Tây Nghệ An có 5 huyện vùng cao, 6 huyện miền núi, có các dân tộc sinh sống gồm Kinh, Thái, Thổ, Mông, Ơ Đu và Khơ Mú. Người Thái ở Nghệ An có khoảng 300.000 người, là dân tộc có dân số lớn thứ 2 ở tỉnh Nghệ An (sau người Kinh). Nằm trong vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (một trong 3 khu dự trữ sinh quyển của tỉnh Nghệ An) có hơn 120 bản thuộc 15 xã của 5 huyện miền núi, vùng cao Nghệ An, trong đó dân tộc Thái chiếm hơn 90%.

Những ngày này, khi về với những bản làng của người Thái, du khách sẽ cảm nhận được không khí chuẩn bị và sự háo hức đón Tết Độc lập của đồng bào nơi đây.

Cờ Tổ quốc được treo tại các bản làng miền núi của huyện Tương Dương
Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Dọc hành trình bằng xe máy trên tuyến đường dài hơn 30km về các bản Na Ngân, Na Kho (xã Nga My, huyện Tương Dương) nằm sâu trong đại ngàn Pù Huống, chúng tôi đi qua các bản Na Ca, Xốp Kho, Canh nằm yên bình bên suối Nậm Ngân, Nậm Kho. Tại các tiểu vùng văn hóa Thái này dễ dàng bắt gặp cảnh đông đảo người dân cùng tham gia quét dọn đường sá, bản làng sạch sẽ, chặt cây che khuất tầm nhìn, giăng băng rôn khẩu hiệu tại các vị trí cửa ngõ của bản, nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng.

Cờ Tổ quốc, cờ Đảng được treo bên hiên, lối cầu thang lên nhà sàn. Tại các vị trí bãi trống của bản, các chị em phụ nữ đang tập các tiết mục văn nghệ để trình diễn trong dịp nghỉ lễ. Những bộ cồng chiêng cổ cũng được chủ nhân mang ra lau chùi sạch sẽ, giữ cho âm thanh trong trẻo, ngân xa và treo trên giá đỡ, đặt ở vị trí trang trọng chuẩn bị phục vụ dịp dân bản vui chơi.

Ông Van Văn Hoàn (bản Na Kho) - chủ nhân của một trong ba bộ cồng chiêng trong bản cho biết: Cồng chiêng là vật dụng có giá trị tinh thần to lớn, tiếng chiêng gắn liền với từng gia đình trong các lễ đặt tên, lễ mừng lúa mới, lễ cầu mưa, lễ cưới, lễ mừng nhà mới, làm vía… Cồng chiêng càng không thể thiếu vắng trong những dịp bản làng tổ chức vui chơi dịp Tết, các sự kiện trọng đại của đất nước, bởi âm thanh tiếng chiêng là sợi dây gắn bó tình đoàn kết bản làng.

Trưởng bản Lữ Văn Uôn chia sẻ, Na Kho nằm giữa đại ngàn, có gần 80 hộ, hơn 370 nhân khẩu là dân tộc Thái. Vào dịp nghỉ lễ 2/9, người dân đều tạm nghỉ công việc đồng áng, lên nương rẫy, bắt cá ở khe suối, vào rừng hái măng… để dành thời gian cho các hoạt động vui Tết Độc lập.

Năm nay, ngoài việc quét dọn bản làng sạch sẽ, tổ chức các trò chơi, văn nghệ, thể thao, dân bản cũng tổ chức liên hoan chung để mọi người gặp gỡ đông đủ, tăng tình đoàn kết và chúc nhau những điều tốt đẹp, may mắn trong cuộc sống; dặn dò thế hệ trẻ nỗ lực học tập, lao động, biết ơn đến các bậc tiền nhân đã có công định cư, lập bản và luôn có lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

Trong dịp nghỉ lễ 2/9, chính quyền địa phương các xã vùng cao, miền núi, biên giới miền Tây tỉnh Nghệ An cũng đã có kế hoạch cụ thể trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để tạo những sân chơi bổ ích, lành mạnh cho cộng đồng dân bản; tuyên truyền đến người dân gìn giữ an ninh trật tự địa bàn, phòng, chống cháy nổ, vui chơi tiết kiệm, tham gia giao thông an toàn.

Ông Lương Tuấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nga My cho hay, xã tổ chức họp chợ phiên và tăng thời gian họp chợ lên nhiều ngày (từ ngày 30/8 đến hết ngày 2/9) để tạo không gian trải nghiệm văn hóa độc đáo, hấp dẫn cho người dân các dân tộc Thái, Khơ Mú, Ơ Đu, Kinh trên địa bàn và các địa bàn lân cận khi đến chợ.

Vừa qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên xã và các hộ dân kinh doanh tại chợ cũng đã làm được tuyến đường bê tông trong khuôn viên chợ, tạo môi trường sạch sẽ, di chuyển dễ dàng hơn. Ngoài ra, xã cũng tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ trong chợ để thu hút nhiều người dân tham gia./.

Nguyễn Xuân Tiến

Xem thêm