Trong 11 tháng của năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành nhiều nhiệm vụ lập pháp, lập quy, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
TTXVN - Ngày 1/12, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 203/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2023.
*Xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược
Nghị quyết nêu rõ: Xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược của Đảng. Thực hiện chủ trương của Đảng, trong 11 tháng của năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành nhiều nhiệm vụ lập pháp, lập quy, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, đòi hỏi có tầm nhìn mới, tư duy mới về công tác xây dựng pháp luật, điều hành và quản lý nhà nước.
Chính phủ đánh giá cao các bộ, cơ quan đã chủ động nghiên cứu, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nhiều dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã tổ chức 9 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 40 nội dung quan trọng, trong đó có 16 đề nghị xây dựng luật, 14 dự án luật và 10 nội dung khác, được các cơ quan có thẩm quyền và nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ.
Trong thời gian tới, để hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng pháp luật, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật. Các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ đạo việc tiếp thu, hoàn thiện các dự án luật, nhất là các vấn đề còn ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng, tính khả thi trong thực tiễn thi hành.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đổi mới quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật. Hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải thuyết minh rõ lý do kế thừa quy định tại văn bản được sửa đổi, bổ sung, lý do sửa đổi, bổ sung, ban hành mới từng quy phạm pháp luật, nội dung phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính.
Văn phòng Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/2022 nhằm đẩy nhanh tiến độ trình, xem xét, cho ý kiến, thông qua dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; làm rõ cơ chế xử lý, quyết định những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lập pháp, lập quy.
*Bảo đảm tiến độ và chất lượng
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình; chịu trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu để xảy ra việc chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Bộ Tư pháp theo dõi, nắm tình hình, đôn đốc và thường xuyên báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung này.
Các bộ, cơ quan tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; bảo đảm tiến độ và chất lượng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao năng lực phản ứng chính sách trong bối cảnh tình hình thực tiễn diễn biến nhanh và có nhiều điểm mới, chưa có tiền lệ; đầu tư công sức, nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật, thể chế; bổ sung, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác pháp chế; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng pháp luật.
Chính phủ yêu cầu các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải cụ thể hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo đánh giá chất lượng của dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; triệt để tuân thủ nguyên tắc tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường năng lực thực thi cho các cơ quan ở cơ sở, cơ quan trực tiếp áp dụng pháp luật ở địa phương; đơn giản, cắt giảm hóa thủ tục hành chính, giảm tối thiểu chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, kiểm soát thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng các quy định thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh phù hợp với từng nội dung dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và yêu cầu quản lý nhà nước.
*Cho ý kiến 3 Đề nghị xây dựng Luật
Tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2023, Chính phủ cho ý kiến đối với 3 Đề nghị xây dựng Luật, bao gồm: Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước; Đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi).
Chính phủ quyết nghị các nội dung cụ thể đối với 03 Đề nghị xây dựng luật.
*Về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007. Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật với các yêu cầu là: Tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về: Hoàn thiện thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017; chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019; Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022.
Tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ việc thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, xác định rõ các quy định còn phù hợp để kế thừa; các quy định không còn phù hợp với thực tiễn, yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển hoạt động này trong điều kiện hiện nay; nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm phù hợp với đặc điểm về chính trị và điều kiện thực tế của Việt Nam, bảo đảm tính khả thi của các chính sách mới.
Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật phải thuyết minh rõ lý do kế thừa các quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; lý do sửa đổi, bổ sung các quy định cần ban hành mới. Nội dung thuyết minh cần phân tích kỹ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc kế thừa, sửa đổi, bổ sung từng quy định cụ thể.
Nội dung của Đề nghị xây dựng Luật phải thể hiện rõ nguyên tắc, chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giữa cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Chính phủ đề nghị tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn; đẩy mạnh công tác truyền thông về các chính sách và nội dung của Đề nghị xây dựng Luật nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội, người dân, tổ chức, cơ quan có liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự án Luật.
Về các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật, Chính phủ cơ bản thống nhất với các Chính sách 1, 2, 3 và 5 trong Đề nghị xây dựng Luật như đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ; không thống nhất với Chính sách 4; yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chỉnh lý, hoàn thiện các chính sách.
Cụ thể: Chính sách 1: Sửa đổi quy định về xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, rà soát quy định các nội dung về: Tiêu chí xác định sản phẩm, hàng hóa có tính chất rủi ro cao và sản phẩm, hàng hóa có tính chất rủi ro trung bình, thấp; Làm rõ các thủ tục hành chính được cắt giảm đối với giải pháp thực hiện chính sách về hậu kiểm; Làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đối với việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2...
Chính sách 2: Ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, nghiên cứu quy định bao quát các loại ứng dụng công nghệ để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa.
Chính sách 3: Thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế và phù hợp thông lệ quốc tế. Bộ Khoa học và Công nghệ làm rõ về nội dung bắt buộc thực hiện theo các Điều ước quốc tế, nội dung Điều ước quốc tế khuyến khích các nước thực hiện và những nội dung được bảo lưu để xác định giải pháp thực hiện chính sách đó, đồng thời chỉnh lý tên gọi chính sách cho phù hợp với nội dung chính sách tại Đề nghị xây dựng Luật.
Chính sách 4 : Tăng cường vai trò, hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm soát viên chất lượng. Bộ Khoa học và Công nghệ không quy định các nội dung về tổ chức bộ máy theo quy định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 56/2017/QH 14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội và Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nội vụ giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành Luật theo thẩm quyền.
Chính sách 5: Tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phân cấp quản lý để phù hợp với tình hình hiện nay. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định rõ nội dung về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa để thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, tăng tính hiệu quả của quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Về phạm vi sửa đổi Luật, Bộ Khoa học và Công nghệ cân nhắc sửa đổi toàn diện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 để bảo đảm xử lý tổng thể các vấn đề tồn tại của Luật, đáp ứng yêu cầu phát triển lĩnh vực này trong tình hình mới.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo việc xây dựng dự án Luật này.
*Về Đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước
Chính phủ cơ bản thống nhất với 3 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước như đề xuất của Bộ Xây dựng, bao gồm: Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; Quản lý, vận hành và khai thác hệ thống cấp, thoát nước; Bảo đảm nguồn lực phát triển cấp, thoát nước.
Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước với các yêu cầu sau: Tiếp tục tổng kết các quy định pháp luật về cấp, thoát nước; làm rõ những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn để đề xuất các chính sách phù hợp, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về cấp, thoát nước; đánh giá tác động chính sách một cách khoa học, đầy đủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm khả thi và hiệu quả; tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tiếp thu, vận dụng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; tổ chức hội thảo, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, các cá nhân, tổ chức có liên quan để hoàn thiện các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật; tăng cường công tác truyền thông về các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật; phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để tạo sự đồng thuận trong việc xem xét, thông qua Đề nghị xây dựng Luật này.
Nội dung và giải pháp thực hiện chính sách phải thể hiện rõ chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cấp, thoát nước; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động cấp nước sạch, thoát và xử lý nước thải.
Tiếp tục rà soát, xác định rõ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Giá, Luật Phí và lệ phí, các luật khác có liên quan; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc quy định về quy hoạch cấp, thoát nước phải phù hợp với pháp luật về quy hoạch. Quy định rõ nội dung quản lý nhà nước về cấp, thoát nước, tiêu chuẩn, quy chuẩn nước sạch; cách thức quản lý phù hợp đối với công trình cấp nước phân tán, công trình cấp nước quy mô hộ gia đình; trách nhiệm quản lý nhà nước thống nhất của Chính phủ, trách nhiệm cụ thể của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, các bộ, cơ quan có liên quan; không quy định cụ thể về tổ chức bộ máy trong dự án Luật này. Nội dung chính sách về nguồn lực cần nghiên cứu để có cơ chế huy động các nguồn lực xã hội trong đầu tư, vận hành công trình cấp, thoát nước và kiểm soát chất lượng nước sạch.
*Về Đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi)
Chính phủ cơ bản thống nhất 6 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật như đề xuất của Bộ Công Thương, bao gồm: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với các yêu cầu sau: Tiếp tục tổng kết thi hành Luật Điện lực năm 2004 và các quy định có liên quan; xác định rõ các vấn đề bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, nguyên nhân của các bất cập, vướng mắc đó; đề xuất đầy đủ các chính sách nhằm khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, khai thác, sử dụng điện, thúc đẩy đầu tư, bảo đảm an ninh năng lượng, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng.
Tiếp tục tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, các cá nhân, tổ chức có liên quan để hoàn thiện các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông về các chính sách nhằm tạo sự đồng thuận cao của nhân dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có liên quan và các đối tượng khác chịu sự tác động trực tiếp của chính sách...
Rà soát nội dung chính sách và các giải pháp thực hiện chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi); bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các chính sách, giải pháp thực hiện chính sách với kết quả tổng kết thi hành Luật Điện lực năm 2004 và kết quả đánh giá tác động của từng chính sách theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phương án sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực hiện hành phải bảo đảm sự thống nhất với các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các luật khác có liên quan; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Nội dung các chính sách và giải pháp thực hiện chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) phải thể hiện rõ chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, yêu cầu của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực điện lực; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về điện lực. Việc phát triển điện lực phải bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước, an toàn trong sử dụng điện và tiết kiệm điện năng; có cơ chế huy động các nguồn lực, xã hội hóa trong đầu tư, xây dựng các công trình điện lực; bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền. Đối với phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới cần nghiên cứu để tạo cơ chế đột phá trong đầu tư, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng mới. Nội dung về hoạt động mua bán điện cần nghiên cứu, xây dựng theo hướng thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường.
Bộ Công Thương hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo hướng trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại một kỳ họp (Kỳ họp thứ 8, tháng 10 năm 2024), trong đó làm rõ tính cấp thiết phải đẩy nhanh quá trình xây dựng, ban hành dự án Luật này theo quy trình một kỳ họp. Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi), tập trung tối đa nguồn lực, khẩn trương tổ chức soạn thảo dự án Luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng, trình Chính phủ trước ngày 1/7/2024.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật năm 2024 theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.