Để phục vụ người dân tốt hơn, xã công khai quy trình, biểu mẫu, lịch làm việc; đồng thời cử cán bộ biết tiếng dân tộc đến hỗ trợ tại các thôn có đông đồng bào dân tộc sinh sống; qua đó giúp tăng sự tin tưởng và gắn bó giữa chính quyền với nhân dân.
Thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, từ ngày 1/7, xã biên giới Minh Tân (tỉnh Tuyên Quang) đã nhanh chóng triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Chính quyền xã đi sâu, sát dân hơn, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, tạo chuyển biến rõ nét trong phục vụ người dân vùng cao, biên giới ngay từ cơ sở.
Xã Minh Tân có địa bàn rộng, dân cư phân tán, giao thông đi lại giữa các thôn còn nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Tày, Dao, Hán…; trong đó, người Mông chiếm hơn 51% và tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm tới 48,1%. Đây là những thách thức lớn đối với bộ máy chính quyền mới trong việc giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính và phát triển kinh tế - xã hội.
*Đến từng thôn, sát từng hộ dân để tháo gỡ khó khăn
Trên con đường đi vào các thôn biên giới Mã Hoàng Phìn, Hoàng Lỳ Pả…, những chiếc xe máy rồ ga, "ì ạch leo" những con dốc. Đoàn cán bộ xã vẫn miệt mài đi để sớm đến với người dân. Suốt chặng đường, ông Lý Nam Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Minh Tân kể cho chúng tôi về những khó khăn của địa phương.
Ông Thủy cho biết, hiện nay, Minh Tân được giao 59 chỉ tiêu biên chế, nhưng mới bố trí được 38 cán bộ, thiếu nhiều vị trí chủ chốt. Trong điều kiện đó, chính quyền xã đã linh hoạt phân công cán bộ kiêm nhiệm, điều tiết công việc hợp lý để duy trì hoạt động, đặc biệt không để gián đoạn các dịch vụ phục vụ người dân.
“Để thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp hiệu quả, xã Minh Tân chú trọng tăng cường tiếp cận từ cơ sở. Hằng tuần, lãnh đạo xã phân công cán bộ trực tiếp đến từng thôn gặp người dân, trao đổi và lắng nghe những nguyện vọng của người dân nhằm nắm bắt những vướng mắc, khó khăn trong đời sống, sản xuất. Từ đó có hướng giải quyết thích hợp và nhanh gọn”, ông Thủy nhấn mạnh.
Tại thôn Mã Hoàng Phìn (xã Minh Tân, Tuyên Quang), từ sáng sớm, không khí tại hội trường thôn đã trở nên rộn ràng khi bà con nghe tin đoàn cán bộ xã đến làm việc trực tiếp với nhân dân. Người dân các dân tộc đều có mặt đông đủ, mang theo nhiều tâm tư, nguyện vọng. Từ những vấn đề thiết thực như: Định danh điện tử, làm căn cước công dân đến các chính sách về bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục cho con em vùng cao, phát triển kinh tế hộ gia đình... đều được bà con mạnh dạn đóng góp ý kiến.
Ông Hầu Mí Vương, thôn Mã Hoàng Phìn cho hay, việc cán bộ xã trực tiếp xuống thôn không chỉ giúp tháo gỡ vướng mắc ngay từ cơ sở mà còn tăng thêm niềm tin của người dân với chính quyền, tạo động lực để đồng bào vùng biên vươn lên phát triển, ổn định cuộc sống.
Ông Thượng Duy Du, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân chia sẻ, trước đây người dân các thôn vùng biên giới, các thôn nằm cách xa trụ sở chính quyền xã nếu có phản ánh những vấn đề như: Đất sản xuất, điện thắp sáng, hồ sơ hộ nghèo hay thủ tục hành chính thì phải chờ cán bộ xuống hoặc lên xã báo cáo, nhưng nay có thể chủ động đến tận nơi. Nhiều buổi tối mưa gió, cán bộ xã vẫn đi bộ lên bản họp với dân, nghe dân nói, ghi chép từng ý kiến. Có trường hợp bà con phản ánh vướng mắc về xác nhận đất canh tác, cán bộ xuống kiểm tra thực địa, giải quyết ngay trong buổi họp thôn, không để tồn đọng.
Thời gian tới, xã tiếp tục triển khai việc cán bộ phụ trách thôn kiêm hỗ trợ hành chính lưu động, tạo kênh trung gian giúp người dân vùng sâu,vùng xa được hỗ trợ kịp thời các thủ tục giấy tờ, dịch vụ công.
*Giải quyết nhanh gọn mọi thủ tục cho người dân
Một trong những điểm sáng rõ nét sau khi áp dụng mô hình chính quyền địa phương hai cấp ở xã Minh Tân là việc thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã. Trung tâm đi vào hoạt động đã rút ngắn đáng kể khoảng cách giữa chính quyền và nhân dân, đặc biệt đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Bà Nguyễn Thị Thu, cán bộ Trung tâm Hành chính công xã Minh Tân cho biết, mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận hàng trăm hồ sơ các loại. Các cán bộ vừa tiếp nhận, vừa hướng dẫn tận tình cho người dân vì nhiều bà con không biết chữ hoặc chưa quen với giấy tờ hành chính. "Có những người từ bản xa đi nửa ngày mới đến được xã nên chúng tôi cố gắng giải quyết ngay trong ngày nếu hồ sơ đơn giản".
Để phục vụ người dân tốt hơn, xã công khai quy trình, biểu mẫu, lịch làm việc; đồng thời cử cán bộ biết tiếng dân tộc đến hỗ trợ tại các thôn có đông đồng bào dân tộc sinh sống; qua đó giúp tăng sự tin tưởng và gắn bó giữa chính quyền với nhân dân.
Anh Lò Sèo Lèng, người dân tộc Mông, thôn Lùng Vài cho hay, trước kia khi cần làm một số giấy tờ quan trọng, người dân phải đi xuống tận huyện, đi sớm về muộn. Bây giờ, người dân xuống xã là có cán bộ làm cho ngay. "Có hôm mưa to, vẫn có cán bộ đến bản họp với dân, hỏi xem nhà có thiếu điện, thiếu nước hay có thắc mắc gì không. Thấy cán bộ xã rất nhiệt tình, mình cũng quý, cũng rất ấm lòng", anh Lèng bày tỏ.
Sự gần dân, sát cơ sở của chính quyền xã Minh Tân đang từng bước tạo dựng niềm tin, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước tại địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn.
Bí thư Đảng ủy xã Minh Tân Lý Nam Thủ cho biết, từ ngày 1-11/7, Trung tâm Phục vụ Hành chính công xã đã thực hiện hướng dẫn và hỗ trợ 8 công dân gửi hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, tiếp nhận 2 hồ sơ thuộc lĩnh vực Bảo trợ xã hội và 7 hồ sơ thuộc lĩnh vực bảo hiểm. Ngoài ra, Trung tâm đã xử lý và trả kết quả cho 8 hồ sơ hộ tịch nộp trực tuyến, 56 hồ sơ chứng thực nộp trực tiếp...
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; trọng tâm là nâng cao tỷ lệ hồ sơ được nộp trực tuyến, giảm dần hình thức nộp trực tiếp nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân. Trung tâm cũng đặt mục tiêu mở rộng tiếp nhận và xử lý hồ sơ trên các lĩnh vực như Bảo trợ xã hội, Bảo hiểm, Hộ tịch và Chứng thực một cách nhanh chóng, chính xác, đúng quy trình. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ hoàn thiện việc đăng ký tài khoản thanh toán trực tuyến để chính thức triển khai thu phí, lệ phí qua môi trường số, tạo thuận lợi cho công dân trong thanh toán dịch vụ hành chính. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoàn tất thủ tục cấp mới con dấu cho Trung tâm, đảm bảo đầy đủ pháp lý trong triển khai nhiệm vụ. Đồng thời, Trung tâm tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách và hướng dẫn người dân, nhất là đồng bào vùng sâu vùng xa, tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ hành chính công hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính tại địa phương.
Thời gian tới, xã Minh Tân sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy, kiến nghị bổ sung biên chế để hoàn thiện tổ chức. Song song với đó, địa phương đặt mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, nhất là lĩnh vực đất đai, chính sách hỗ trợ y tế và giáo dục.
Việc xã Minh Tân từng bước kiện toàn bộ máy, đưa dịch vụ công đến gần dân hơn và tổ chức bộ máy sát dân là minh chứng rõ nét cho tính hiệu quả của mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Trong bối cảnh mới, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, sự đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân sẽ là nền tảng để xã biên giới Minh Tân phát triển bền vững, giữ vững ổn định vùng biên, từng bước vươn lên thoát nghèo…/.