Chính phủ hành động

Phân cấp, phân quyền hợp lý, thực hiện mục tiêu bộ máy “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”

Trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay, phân quyền, phân cấp giữa Nhà nước Trung ương với chính quyền địa phương là vấn đề vừa cấp bách, vừa then chốt, có tính đột phá chiến lược.

Hội thảo “Phân quyền, phân cấp trong cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy”.
 Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Sáng 5/12, Bộ Nội vụ phối hợp với Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học phân quyền, phân cấp trong cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, vấn đề phân quyền, phân cấp trong quản lý nhà nước là một trong những nội dung quan trọng nhằm phân định quyền hạn theo từng cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, đặc biệt, trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Qua 7 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, với sự nỗ lực và quyết tâm cao, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết đã đạt được những kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức chưa thực sự rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo, có nơi bỏ sót nhiệm vụ.

Đặc biệt, việc phân quyền, phân cấp giữa Trung ương, Chính phủ với chính quyền địa phương chưa thực chất, chưa đồng bộ, hợp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của kỷ nguyên mới, làm chậm tiến trình phát triển đất nước, dẫn đến cơ chế xin – cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí và tiêu cực.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long phát biểu khai mạc hội thảo. 
Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Trước yêu cầu cấp bách của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa Chính phủ, chính quyền địa phương đóng vai trò then chốt, tạo động lực thúc đẩy phát triển, là điều kiện tiên quyết để tổ chức bộ máy “Tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, bảo đảm xây dựng quản trị quốc gia hiệu quả, sự quản lý thống nhất của Chính phủ và phát huy được vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của chính quyền địa phương.

Theo Thứ trưởng Trương Hải Long, hội thảo là không gian khoa học quý báu để nghe lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi về lý luận và thực tiễn về vấn đề phân quyền, phân cấp, mô hình tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương trong bối cảnh đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia, kiểm soát quyền lực; các giải pháp xử lý những rào cản, thực trạng về phân cấp, phân quyền hiện nay. Qua đó tổng kết, đưa ra những kiến nghị, đề xuất, các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn cơ chế này, tạo tiền đề đổi mới và phát triển đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Trong đề dẫn hội thảo, Tiến sỹ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, phân cấp, phân quyền trong bộ máy Nhà nước vừa phát huy tính chủ động, tự quyết, tự làm và tự chịu trách nhiệm của địa phương, vừa bảo đảm tính thống nhất trong quản lý quốc gia của Trung ương. Phân cấp, phân quyền hợp lý sẽ thúc đẩy sự phát triển, thực hiện được mục tiêu “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng -hiệu lực - hiệu quả” của toàn bộ hệ thống chính trị. Ngược lại, sẽ kìm hãm sự phát triển của từng địa phương và của cả đất nước.

Tiến sỹ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu đề dẫn hội thảo. 
Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Ở Việt Nam, trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy lần này, phân quyền, phân cấp giữa Nhà nước Trung ương với chính quyền địa phương là vấn đề vừa cấp bách, vừa then chốt, có tính đột phá chiến lược, xóa bỏ các điểm nghẽn để từng địa phương và cả đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh. Do đó, cần có một cách tiếp cận đúng về tư duy, nhận thức, về thực tiễn đối với phân quyền, phân cấp.

Hiện nay, tư duy, nhận thức về phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và địa phương chậm thay đổi. Phân quyền chưa có gì thay đổi, mới tập trung vào phân cấp và ủy quyền. Việc phân cấp, ủy quyền cũng chỉ mang tính hình thức, thực chất vẫn phải hỏi ý kiến, thống nhất ý kiến, thỏa thuận, trước khi quyết định... “Ai cũng có quyền nhưng không ai chịu trách nhiệm cả”, ông Tuấn nói.

Ông cho rằng, để “lách qua” các điểm nghẽn, ách tắc trong phân cấp, phân quyền, nhiều địa phương đã tìm mọi cách để “xin cho được thí điểm” một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội về phân cấp, phân quyền, ủy quyền, vượt ra ngoài các quy định của pháp luật. Đặc thù quá nhiều sẽ không còn là đặc thù nữa và tạo nên sự không công bằng với các địa phương khác.

Trong cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, bên cạnh tái cấu trúc cơ cấu tổ chức của Chính phủ và chính quyền địa phương tinh gọn, muốn hiệu lực, hiệu quả thì phải đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và địa phương.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp nhận định, muốn tinh gọn bộ máy, giảm biên chế thì phải phân cấp, phân quyền. “Tinh giản là gấp rút rồi, bộ máy đông quá, dân không chịu nổi”.

Dẫn chứng ở Việt Nam 9-10 người dân “nuôi” 1 người hưởng lương ngân sách, trong khi Trung Quốc là 170, Nga là 200, Mỹ là 400, Nhật Bản 700, ông cho rằng bộ máy của ta “biên chế tăng, trình độ cao, mà xử lý công việc cho dân thì chậm trễ, chất lượng thấp”.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp phát biểu tại hội thảo. 
 Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Ông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh, phân cấp thì phải giảm sự vụ cho cấp trên, kể cả Chính phủ. Song song là tăng thẩm quyền cho cấp dưới; đẩy nhanh tiến độ công việc; bảo đảm 3 rõ “rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm”. Khi phân cấp, phân quyền, phải tôn trọng 5 nguyên tắc. Nguyên tắc đầu tiên là, cấp nào nhận đủ thông tin thì ưu tiên cho cấp đó ra quyết định. Thứ hai, cấp nào chịu trách nhiệm trực tiếp thì cấp đó ra quyết định. Thứ ba, cấp nào hiểu cán bộ và gần cán bộ nhất thì cấp đó ra quyết định. Thứ tư, phân cấp lệ thuộc về đạo đức cán bộ, năng lực cán bộ, tín nhiệm của cán bộ. Thứ năm, khi phân cấp, phải chú ý 3 vấn đề quan trọng là: tài chính, biên chế và cán bộ.

Đề cập đến những việc cần làm sau phân cấp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh việc phải đốc thúc thực hiện. Chia sẻ câu chuyện thực tiễn, một công văn, nếu ông chuyển một vụ xử lý với yêu cầu ngày này phải báo cáo bộ trưởng, thì không ai chậm hết, nhưng nếu viết “kính chuyển vụ tài chính xử lý và báo cáo” thì có khi phải mất 2-3 tháng, theo ông Hợp, “điều đó chứng tỏ nhanh hay chậm là do người đứng đầu, chứ không phải bộ máy tham mưu”, người đứng đầu đó phải nắm được công việc, dự đoán được công việc và thời gian.

Sau phân cấp phải kiểm tra, khen chê kịp thời. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện những điều mình phân cấp mà không đúng để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Ông Hợp chia sẻ, khi làm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông quyết định phân cấp cho vụ trưởng tiếp nhận và đề bạt phó phòng, trưởng phòng, nên xử lý công việc nhanh. “Trưởng, phó phòng này giúp việc cho vụ trưởng chứ có phải cho bộ trưởng đâu. Tôi làm ai cũng thừa nhận đúng, cả một nhiệm kỳ suôn sẻ”, chia sẻ điều này, ông Hợp cho rằng thực hiện phân cấp, phân quyền phải làm rất quyết liệt. Phân cấp, phân quyền quan trọng nhất là cán bộ cấp trên, phân cấp phải gắn với chọn cán bộ.../.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm