Môi trường

Phát triển cấp thoát nước bền vững, bảo đảm an sinh xã hội

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Cấp Thoát nước sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp tháng 5/2025 và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2025.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Ảnh: TTXVN phát

Trong khuôn khổ Tuần lễ ngành Nước Việt Nam "Vietnam Water Week 2024", chiều 6/11, tại Hà Nội, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam tổ chức Hội thảo về dự thảo Luật Cấp Thoát nước nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển cấp thoát nước bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết thực tế khó khăn từ góc độ quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã và đang nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Cấp Thoát nước. Đây là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm huy động, tập trung các nguồn lực bảo đảm cấp nước, thoát nước an toàn, ổn định và bền vững.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp mong muốn nhận được góp ý của các đại biểu để Ban soạn thảo tiếp thu, lắng nghe với tinh thần cầu thị nhằm sớm hoàn thiện Dự thảo Luật Cấp Thoát nước. Theo kế hoạch, dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ Nhất tại kỳ họp tháng 5/2025 và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2025.

Bà Phạm Anh Thư, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) góp ý xây dựng Dự thảo Luật Cấp Thoát nước.
Ảnh: TTXVN phát 

Bà Phạm Anh Thư, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, nhiều năm qua, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam đã đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Cục Hạ tầng kỹ thuật trong quản lý phát triển ngành Nước Việt Nam. Hội đã tham gia đóng góp ý kiến, phản biện nhiều chính sách ngành nước, đặc biệt trong việc xây dựng dự thảo Luật Cấp Thoát nước.

Góp ý xây dựng Dự thảo Luật Cấp Thoát nước, bà Phạm Anh Thư đề xuất xem xét cách tiếp cận xây dựng Luật theo hướng giữ nguyên về tổ chức quản lý cấp nước phân theo khu vực thành thị và nông thôn để đảm bảo ổn định tổ chức quản lý nhà nước; quy hoạch, kế hoạch cấp, thoát nước; quản lý tài sản công về hạ tầng cấp thoát nước; đặc biệt về huy động nguồn lực tư nhân tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Tiến sỹ Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cấp Thoát nước Việt Nam đề cập một số vấn đề thống nhất, luật hóa trong Luật Cấp Thoát nước.
Ảnh: TTXVN phát

Đề cập một số vấn đề thống nhất, luật hóa trong Luật Cấp Thoát nước, Tiến sỹ Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cấp Thoát nước Việt Nam cho biết, dự thảo Luật (lần 3) bao gồm 8 chương với 75 điều; trong đó, chương I: Quy định Chung; chương II: Cơ sở dữ liệu, điều tra cơ bản, chiến lược quy hoạch và kế hoạch phát triển cấp thoát nước; chương III: Đầu tư phát triển hệ thống cấp thoát nước; chương IV: Quản lý, vận hành hệ thống cấp thoát nước; chương V: Dịch vụ cấp thoát nước; chương VI: Giá nước sạch và dịch vụ thoát nước; chương VII: Trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp thoát nước và chương VIII: Điều khoản thi hành.

Mặc dù Dự thảo Luật đã quy định tương đối đầy đủ các nội dung liên quan đến hoạt động cấp thoát nước, tuy nhiên, Tiến sỹ Trần Anh Tuấn cho rằng, thời gian tới, Ban soạn thảo Luật cần xem xét quy định cụ thể hơn một số nội dung như: Đồng bộ thống nhất các pháp luật hiện hành; chiến lược - quy hoạch - kế hoạch phát triển cấp thoát nước; quản lý đầu tư, phát triển hệ thống cấp thoát nước; quản lý vận hành hệ thống cấp, thoát nước; giá nước sạch, dịch vụ thoát nước; trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp thoát nước….

Các đại biểu tham dự Hội thảo về Dự thảo Luật Cấp Thoát nước.
Ảnh: TTXVN phát

Chia sẻ định hướng phát triển nguồn nhân lực ngành Nước, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam cho biết, ngành Cấp Thoát nước là ngành hẹp, khó tuyển sinh do xã hội ít biết đến, dẫn đến tỷ lệ cạnh tranh thấp, chất lượng đầu vào không cao. Ngoài ra, hiện chưa có điều khoản nào liên quan đến nội dung đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ ngành Cấp thoát nước, chưa nêu rõ được trách nhiệm của Chính phủ, Bộ và cơ quan ngang Bộ liên quan đến nội dung xây dựng nguồn nhân lực và phổ biến, tuyên truyền, truyền thông, cũng như nội dung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về cấp thoát nước….

Do đó, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Việt Anh đề xuất, Nhà nước cần có kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên ngành Nước một cách bài bản, dài hạn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn; quy định doanh nghiệp phải có chiến lược và kế hoạch xây dựng đội ngũ một cách bài bản, dài hạn, gắn với chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh, phù hợp với bối cảnh và xu thế mới; quy hoạch lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp có đào tạo ngành Nước để đáp ứng nhân lực cho các địa phương, vùng miền. Đồng thời, Nhà nước cần có kế hoạch và phân bổ nguồn lực cho tăng cường năng lực các cơ sở đào tạo ngành Nước; bổ sung đầy đủ hơn cho hoạt động phổ biến, tuyên truyền, truyền thông về ngành nước...

Tại hội thảo, các đại biểu cũng nêu một số nội dung liên quan đến thực trạng giá nước sạch, giá dịch vụ thoát nước và nước thải; thu hút đầu tư trong lĩnh vực cấp thoát nước ở Việt Nam, một số nội dung về quy hoạch trong Luật Cấp Thoát nước./.

Trần Diệu Thúy

Tin liên quan

Xem thêm