Công nghệ sinh học có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Thời gian tới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ tập trung phát triển công nghệ sinh học thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới và Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây là một trong nội dung chính được Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện trưởng Viện Sinh học đề cập tại Hội nghị khoa học “Công nghệ sinh học - phục vụ phát triển bền vững và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn”, ngày 9/5, tại Hà Nội.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Hà, công nghệ sinh học có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết số 36-NQ/TW đặt mục tiêu tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Công nghiệp sinh học đóng góp 10 - 15% vào GDP. Nghị quyết 57-NQ/TW cũng nêu quan điểm, công nghệ sinh học là một trong những lĩnh vực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Hà nhận định, Hội nghị là cơ hội để các nhà khoa học trong lĩnh vực sinh học và công nghệ sinh học đưa ra vấn đề chuyên sâu của ngành, từ đó đóng góp cho định hướng phát triển của lĩnh vực này trong thời gian tới.
Chia sẻ quá trình nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phí Quyết Tiến, Viện Công nghệ sinh học cho biết, giai đoạn từ 2016-2025, Viện đã xây dựng và hoàn thiện một số công nghệ nền về sàng lọc, nuôi cấy đa chủng vi sinh vật, lên men vi sinh vật quy mô pilot, phân tích hệ gen, cố định vi sinh vật, enzyme và sản xuất chế phẩm vi sinh vật đặc thù, ứng dụng chế phẩm vi sinh vật vào doanh nghiệp và thực tiễn sản xuất nông nghiệp… Các kết quả nghiên cứu này đã được triển khai thông qua 12 nhiệm vụ cấp quốc gia và cấp bộ liên quan. Một số công nghệ đã được ứng dụng thực tế vào mô hình trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại các địa phương và cho kết quả thực tế. Đây là bước tiến quan trọng, góp phần xây dựng nền tảng công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp, nâng cao giá trị chuỗi sản xuất và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Tiến sỹ Cao Thị Thúy Hằng, Viện Hải dương học nhận định, trong tương lai, việc kết hợp công nghệ enzyme vào các quy trình chiết tách, tinh chế hoạt chất từ rong biển sẽ mở ra hướng phát triển các sản phẩm dược - mỹ phẩm, chế phẩm nông nghiệp sinh học và giải pháp xử lý môi trường biển thân thiện. Những hướng đi này cần được nghiên cứu mở rộng, đầu tư dài hạn để có được kết quả thực tiễn. Tiến sỹ Cao Thị Thúy Hằng đề xuất, để phát triển lĩnh vực công nghệ sinh học, cần có các chính sách đầu tư dài hạn và cơ chế kết nối liên ngành giữa viện nghiên cứu - trường đại học - doanh nghiệp để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hình thành chuỗi sản phẩm sinh học biển có giá trị gia tăng cao.
Tại hội nghị, các nhà khoa học tiêu biểu đã chia sẻ một số công nghệ mới trong nghiên cứu để hình thành các sản phẩm thương mại như: Công nghệ Omics; công nghệ chọn tạo giống cây trồng, động vật, thủy sản; công nghệ chỉnh sửa gen; công nghệ tế bào gốc; công nghệ vaccine thế hệ mới; công nghệ vi-sinh và xử lý ô nhiễm môi trường; công nghệ giám định ADN.../.
- Từ khóa:
- công nghệ sinh học
- kinh tế tuần hoàn