Xã hội

Phát triển hệ thống thư viện số lĩnh vực khoa học xã hội

Viện Thông tin Khoa học xã hội vừa hoàn thành việc sáp nhập Trung tâm Thông tin, thư viện Quốc tế thành Trung tâm Thư viện khối quốc tế, bước đầu triển khai mô hình quản lý thống nhất hệ thống thư viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Đây được coi là một trong những kết quả nổi bật trong quá trình hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả khai thác dữ liệu khoa học xã hội, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển hệ thống thư viện điện tử, thư viện số trong toàn Viện.

Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Thông tin Khoa học xã hội (1975–2025) tổ chức ngày 8/5 tại Hà Nội, Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề nghị, Viện cần tập trung phát triển đồng bộ hai chức năng chính là nghiên cứu thông tin khoa học và thư viện, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, xây dựng cơ sở dữ liệu học thuật mở, có khả năng liên thông trong nước và quốc tế, phục vụ hiệu quả lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cộng đồng nghiên cứu.

Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh cũng yêu cầu Viện Thông tin Khoa học xã hội đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chủ động kết nối với các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học trong và ngoài nước để phát triển mạng lưới dữ liệu học thuật; chú trọng đổi mới các sản phẩm thông tin khoa học theo hướng chuyên sâu, cập nhật, sát với nhu cầu thực tiễn; đồng thời tập trung đào tạo, thu hút đội ngũ cán bộ nghiên cứu và thông tin – thư viện có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hội nhập quốc tế và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn phát triển mới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, song song với quá trình hiện đại hóa thư viện, Viện Thông tin Khoa học xã hội đã phát triển hệ thống sản phẩm thông tin khoa học có giá trị tham khảo cao, gồm Niên giám Thông tin Khoa học xã hội, Tài liệu phục vụ nghiên cứu, sách thông tin chuyên đề và hai tạp chí học thuật, trong đó có Tạp chí khoa học xã hội xuất bản bằng tiếng Anh (Social Sciences Information Review), góp phần cung cấp tư liệu chuyên sâu cho nghiên cứu và hoạch định chính sách.

Hướng tới giai đoạn tiếp theo, Viện Thông tin Khoa học xã hội xác định trọng tâm là đẩy mạnh số hóa toàn diện tài liệu khoa học xã hội và nhân văn, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ thư viện số, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong thu thập, phân loại, khai thác dữ liệu; đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế, phát triển cơ sở dữ liệu học thuật mở liên thông khu vực và quốc tế, xây dựng hệ thống thư viện cộng đồng học thuật, thúc đẩy văn hóa chia sẻ tri thức nội sinh.

Quang cảnh Lễ Kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Thông tin Khoa học xã hội (1975–2025)
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Các chuyên gia ngành thông tin cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển hệ thống thư viện số hiện đại, cần xây dựng chiến lược quốc gia về số hóa tri thức khoa học xã hội và nhân văn; kết nối cơ sở dữ liệu nghiên cứu của các viện, trường đại học và tổ chức khoa học trong nước; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong quản trị thư viện số; phát triển nền tảng lưu trữ học thuật mở nhằm phổ biến tri thức nội sinh. Đồng thời, tập trung đầu tư tài chính, xây dựng cơ chế ưu đãi đặc thù để thu hút, phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu chất lượng cao, đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên viện, từng bước hoàn thiện mô hình quản lý thống nhất hệ thống thư viện của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

Sau 50 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Thông tin Khoa học xã hội từng bước khẳng định vai trò trung tâm của mạng lưới thông tin - thư viện khoa học xã hội trong nước, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đổi mới, phát triển khoa học xã hội và xây dựng đất nước trong thời kỳ hội nhập./.

Lý Thị Thanh Hương

Xem thêm