Các doanh nghiệp Việt Nam hy vọng bài viết của Tổng Bí thư sẽ là động lực, truyền cảm hứng, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân; tạo điều kiện, giao nhiệm vụ để kinh tế tư nhân tham gia các chương trình, dự án lớn của đất nước, vững tâm thế để bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới.
Bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, khu vực kinh tế tư nhân trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam hy vọng bài viết của Tổng Bí thư sẽ là động lực, truyền cảm hứng, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân; tạo điều kiện, giao nhiệm vụ để kinh tế tư nhân tham gia các chương trình, dự án lớn của đất nước, vững tâm thế để bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới.
*Gỡ khó cho doanh nghiệp khoa học
Liên quan đến nội dung trong bài viết, nhấn mạnh mục tiêu chiến lược của Việt Nam đến năm 2030 trở thành quốc gia đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, ông Hoàng Đức Thảo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học Công Nghệ Việt Nam (Busadco) khẳng định, trong gần 40 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với khu vực kinh tế tư nhân. Vì vậy, khu vực kinh tế tư nhân đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo ông Hoàng Đức Thảo, trong bài viết, Tổng Bí thư đã nhận dạng được hạn chế, bất cập trong hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Thể hiện rõ nhất là nhiều doanh nghiệp hiện chưa chú trọng đến vấn đề đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ và đặc biệt là chuyển đổi số trong các hoạt động kinh doanh. Các công nghệ hiện nay của các doanh nghiệp đều là những công nghệ được nhập từ nước ngoài, lạc hậu so với thế giới và chỉ tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp... Ngoài ra, dù đã có những đột phá về cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý về đầu tư kinh doanh với nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy vậy hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật vẫn chưa minh bạch, thiếu cụ thể và không ổn định, dẫn đến rủi ro gia tăng cho khu vực kinh tế tư nhân.
Để phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu, ông Hoàng Đức Thảo cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung đổi mới sáng tạo, chú trọng vào phát triển công nghệ, đây là vấn đề cốt lõi để đảm bảo tính bền vững, vừa phát triển thị trường, vừa làm chủ khoa học công nghệ. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển dần từ gia công sang tham gia chuỗi giá trị cao hơn bằng cách tập trung vào các ngành chủ lực như: Công nghệ cao, sáng tạo và dịch vụ chuyên sâu... Các doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng sản phẩm và chứng minh được sản phẩm thân thiện với môi trường, được sản xuất theo các quy trình bền vững. Điều này đòi hỏi kinh tế tư nhân phải đầu tư công nghệ mới, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và minh bạch hóa thông tin về sản phẩm, phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt hơn về môi trường và xã hội. Đây là cách mà các nước như Hàn Quốc và Singapore đã thành công khi khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách đồng bộ và thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, giảm thuế cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với tập đoàn nước ngoài; phát động, khuyến khích và hỗ trợ tài chính, chuyên gia trong thực hiện chuyển đổi số và các dự án xanh hóa, sử dụng năng lượng tái tạo, thực hiện phát triển xanh và bền vững.
*Tăng cường các chính sách hỗ trợ
Theo bà Hoàng Phương, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương Mại Công nghiệp và Truyền thông Blue Việt Nam, bài viết của Tổng Bí thư là một thông điệp rõ ràng đối với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Việc nhắc đến vai trò và những đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân không chỉ khẳng định sự quan trọng của khu vực này mà còn là lời khẳng định kinh tế tư nhân sẽ được đầu tư và hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân cũng cần có tâm thế dám và sẵn sàng “ra biển lớn”, đồng nghĩa với việc cần trang bị năng lực đổi mới sáng tạo bằng cách đầu tư mạnh cho ứng dụng công nghệ, tạo ra sản phẩm và dịch vụ giá trị gia tăng cao, để bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới.
Đề cập giải pháp "Phát triển kinh tế tư nhân trên nền tảng bền vững, có đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội" được thể hiện trong bài viết của Tổng Bí thư, bà Hoàng Phương cho rằng, trách nhiệm xã hội, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn sẽ là những yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Việc Nhà nước tăng cường các cơ chế hỗ trợ như: Chính sách đối với doanh nghiệp phát thải thấp, khuyến khích đổi mới công nghệ và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo sẽ giúp doanh nghiệp tư nhân hình thành mô hình kinh doanh bền vững.
Để kinh tế tư nhân phát triển bền vững trong thời gian tới, bà Hoàng Phương đề xuất, khu vực kinh tế tư nhân cần phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt chuẩn bị các điều kiện duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng tham gia và năng lực cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế thị trường. Đẩy mạnh liên kết kinh tế vừa là giải pháp ứng phó, vừa là phương thức cạnh tranh chiến lược, nâng cao khả năng thích ứng trước các biến động, bất ổn khó lường của kinh tế thế giới. Nhà nước cần phải tăng cường hỗ trợ các chính sách về vấn đề như: vốn, thuế và đầu tư về các sản phẩm công nghệ cao... Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị, kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đầu tư vào đổi mới sáng tạo nhiều hơn, minh bạch trong các chính sách, cơ chế quản lý đối với các doanh nghiệp tư nhân cũng như là các doanh nghiệp nhà nước.
Bà Hoàng Phương cho rằng, cần có sự công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước khi tham gia bất cứ một dự án đầu tư nào nhằm đảm bảo cạnh tranh công khai và minh bạch; cần thiết lập cơ chế phản biện chính sách giúp doanh nghiệp tư nhân có cơ hội tham gia, góp ý và giám sát, giảm bớt sự can thiệp hành chính vào các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân, định hướng lên những mô hình hoạt động theo cơ chế thị trường tự do nhiều hơn nữa./.