Môi trường

Phòng, chống lãng phí trong khai thác khoáng sản

Luật Địa chất và Khoáng sản có nhiều quy định mới so với Luật Khoáng sản năm 2010, trong đó có việc bổ sung quy định mới về phân cấp mạnh cho địa phương.

Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm đẩy mạnh điều tra địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.
Ảnh: TTXVN phát

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Luật Địa chất và Khoáng sản đã được thông qua với nhiều nội dung quan trọng. Luật gồm 12 chương, 111 điều, quy định việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; phân cấp, phân quyền cho các địa phương; quy định cụ thể về công tác đóng cửa mỏ... nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; góp phần phòng, chống lãng phí trong khai thác khoáng sản.

* Phân cấp cho chính quyền địa phương

Đánh giá về việc Luật Địa chất và Khoáng sản được thông qua, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội - Ủy viên, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho rằng, việc Quốc hội ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm thể chế quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước được nêu tại Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phù hợp với thực tiễn; hoàn thiện cơ chế quản lý theo nguyên tắc thị trường....

Đáng chú ý, Luật Địa chất và Khoáng sản có nhiều quy định mới so với Luật Khoáng sản năm 2010 như: Phân nhóm khoáng sản trên cơ sở công dụng và mục tiêu quản lý; các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản; công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; điều tra địa chất công trình... Trong đó, việc bổ sung quy định mới về phân cấp mạnh cho địa phương, đặc biệt là cấp tỉnh là một “bước đi” tích cực và phù hợp với xu hướng hiện nay.

Theo nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An, việc phân cấp mạnh cho địa phương sẽ tạo thuận lợi trong quá trình quản lý và thuận lợi cho các doanh nghiệp khi lập các thủ tục thăm dò, khai thác khoáng sản không phải đi nhiều nơi, nhiều cơ quan (như hiện nay) đồng thời gắn trách nhiệm của địa phương, đơn vị trong quản lý khoáng sản trong quá trình khai thác. Việc đánh giá, nhận xét các yếu tố ảnh hưởng, hiện trạng, điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán cũng sẽ sát với tình hình thực tế tại địa phương hơn. Các địa phương cũng sẽ có động lực hơn trong việc bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn đồng thời đảm bảo việc khai thác được thực hiện đúng quy định, hạn chế tối đa tình trạng khai thác trái phép.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An kiến nghị để thực hiện hiệu quả quy định mới trên, các địa phương cần lưu ý việc nâng cao năng lực của cán bộ; hoàn thiện cơ chế phối hợp, đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, giữa chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương để đảm bảo sự thống nhất trong quản lý nhà nước về khoáng sản.

*Tháo gỡ vướng mắc công tác đóng cửa mỏ

Ông Nguyễn Văn Nguyên, nguyên Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề xuất chính quyền địa phương cần đẩy nhanh việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường.
Ảnh: TTXVN phát

Một trong những vướng mắc nhiều năm qua của ngành Địa chất và Khoáng sản trước khi Luật được ban hành là các quy định về đóng cửa mỏ ở cả cấp Trung ương và địa phương. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nguyên, nguyên Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Luật đã có những quy định chi tiết, cụ thể đối với công tác đóng cửa mỏ và trách nhiệm của cơ quan quản lý của tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản. Đặc biệt, Luật nêu rõ các trường hợp không phải thực hiện đóng cửa mỏ gồm: Có giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản chấm dứt hiệu lực nhưng chưa tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản; giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản đã hết thời hạn khai thác và đang được xem xét để điều chỉnh, gia hạn, cấp lại; tổ chức, cá nhân có đề nghị trả lại giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản nhưng chưa tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản.

Để Luật Địa chất và Khoáng sản đi vào cuộc sống, góp phần tháo gỡ khó khăn trong khai thác khoáng sản nhằm khai thác tối đa, đảm bảo bền vững khoáng sản quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, theo ông Nguyễn Văn Nguyên, trước hết, cần phổ biến pháp luật đến mọi đảng viên, cán bộ, công chức thuộc hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Thông qua các tổ chức, hiệp hội, phổ biến đến các doanh nghiệp trực tiếp đầu tư trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản để thống nhất về nhận thức và hành động trong triển khai thi hành Luật; kịp thời xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật để tổ chức thực hiện ngay khi Luật có hiệu lực.

Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan Nhà nước từ khâu lập quy hoạch đến cấp phép, đóng cửa mỏ; bảo đảm giảm thiểu tất cả các tác động tiêu cực, rủi ro, sự cố về môi trường và xã hội có thể xảy ra trong suốt vòng đời của dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản ở mỏ và sau khi đóng cửa mỏ… Chính quyền địa phương cần đẩy nhanh việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường, không để lãng phí đất đai đối với các mỏ đưa ra khỏi quy hoạch; đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ tiếp tục quy hoạch, sớm bổ sung vật liệu san lấp cho thị trường, giao Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh hướng dẫn hướng dẫn lập hồ sơ đóng cửa mỏ theo các tài liệu hiện có... Ngoài ra, cần có chế độ khuyến khích các phương án hoạt động khai thác bền vững khoáng sản nhằm hài hòa lợi ích khai thác khoáng sản và bảo vệ tốt môi trường, lợi ích của các bên liên quan./.

Trần Diệu Thúy

Tin liên quan

Xem thêm