Xã hội

Quảng Nam triển khai Đề án hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực

Quảng Nam

Việc phát triển các trung tâm công nghiệp dược theo hướng hiện đại, nghiên cứu chế biến sâu và xây dựng thương hiệu là hướng đi bức thiết, đặc biệt là khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nơi có điều kiện đặc thù, khí hậu thổ nhưỡng phù hợp.

Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam. 
Ảnh: Trần Tĩnh - TTXVN

Ngày 10/5, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai Quyết định 463/QĐ-TTg ngày 28/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực”.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cùng lãnh đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược liệu...

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, việc mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu quý, kết hợp bảo tồn rừng, phát triển du lịch không chỉ giúp bảo vệ nguồn gen quý hiếm mà còn tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi. Việc phát triển các trung tâm công nghiệp dược theo hướng hiện đại, nghiên cứu chế biến sâu và xây dựng thương hiệu là hướng đi bức thiết, đặc biệt là khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nơi có điều kiện đặc thù, khí hậu thổ nhưỡng phù hợp. Phát triển công nghiệp dược liệu mang lại lợi ích kinh tế tạo sinh kế bền vững và xóa đói giảm nghèo.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, đề án sẽ là cơ sở pháp lý và động lực quan trọng để định hướng người dân phát triển tiềm năng thế mạnh, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, nuôi trồng chế biến các sản phẩm, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đã công bố Quyết định 463/QĐ-TTg, với mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị đồng bộ từ trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm dược liệu, lấy sâm Ngọc Linh - một loại dược liệu quý hiếm, đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh là cây chủ lực.

Cũng tại hội nghị, các biên bản hợp tác đầu tư đã được ký kết giữa UBND tỉnh Quảng Nam và các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, tập trung vào phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng hạ tầng, chuyển giao công nghệ và chế biến sâu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO, GMP-WHO.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh vai trò của đề án trong thúc đẩy kinh tế - xã hội, đặc biệt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Do vậy, dược liệu có ý nghĩa đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển được nguồn cho y tế, tạo điều kiện nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là ở vùng cao. Tuy nhiên, đề án mới chỉ là điểm khởi đầu, còn khá nhiều việc Quảng Nam phải làm sau đó. Đây là đề án chứa đựng nhiều kỳ vọng, đặt ra nhiều động lực để phấn đấu, đóng góp sự phát triển kinh tế - xã hội của đại phương.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị Quảng Nam chủ trì và phối hợp với các tỉnh lân cận, các doanh nghiệp cùng hỗ trợ nhau "làm lớn", "nhìn xa" để tạo sự cạnh tranh cho sâm Ngọc Linh và dược liệu, đặc biệt là ở thị trường quốc tế. Quảng Nam cũng cần sớm hoàn thiện công bố quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch có liên quan, quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng dược liệu…

Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Thành Long, đồng thời ghi nhận ý kiến của các đại biểu, doanh nghiệp, các nhà đầu tư để tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai trong thời gian tới. Thời gian tới lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, công khai, minh bạch, phát triển ngành dược liệu theo hướng bền vững, tạo chuỗi giá trị khép kín, gắn với chế biến sâu và xuất khẩu.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cùng các đại biểu tham quan sản phẩm sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam. 
Ảnh: Trần Tĩnh - TTXVN

Theo kế hoạch, lộ trình triển khai được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 2025 - 2035, tỉnh tập trung phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn GACP-WHO, hoàn thiện hạ tầng tại Khu kinh tế mở Chu Lai (50ha), thu hút đầu tư xây dựng 3-5 nhà máy chế biến đạt chuẩn GMP-WHO, thành lập Trung tâm Nghiên cứu sâm Ngọc Linh tại thành phố Tam Kỳ.

Giai đoạn 2036 - 2045, tỉnh hướng tới hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng đồng bộ, đa dạng hóa sản phẩm dược liệu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao. Các nhiệm vụ cụ thể bao gồm xây dựng chính sách ưu đãi, bảo tồn nguồn gen sâm Ngọc Linh, phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, tổ chức lễ hội sâm và dược liệu định kỳ 2 năm/lần, tạo việc làm cho 10.000 lao động tại vùng trồng…/.


Trần Tĩnh

Tin liên quan

Xem thêm