Chính sách mới

Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí

Quy chế nêu rõ, Trưởng Ban Chỉ đạo, các Phó Trưởng ban và các ủy viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí vừa ký Quyết định số 145/QĐ-BCĐ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo này (Quy chế).

Quy chế nêu rõ, Trưởng Ban Chỉ đạo, các Phó Trưởng ban và các ủy viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Đề cao trách nhiệm của Trưởng Ban Chỉ đạo trên cơ sở trao đổi, bàn bạc dân chủ, tập thể và thực hiện theo kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Trưởng Ban chỉ đạo quyết định vấn đề theo phân công, ủy quyền của Trưởng Ban Chỉ đạo.

Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì các cuộc họp định kỳ và triệu tập các cuộc họp đột xuất khi cần thiết. Trưởng Ban Chỉ đạo có thể ủy quyền cho Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì các cuộc họp để thảo luận, quyết định một số vấn đề cụ thể thuộc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Theo Quy chế, các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, trường họp do bận công tác quan trọng khác không thể tham dự họp, phải báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo và ủy quyền cho người đại diện có trách nhiệm dự họp; ý kiến của người dự họp là ý kiến chính thức của thành viên Ban Chỉ đạo.

Trưởng Ban Chỉ đạo phân công nhiệm vụ đối với từng thành viên Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo hàng năm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để tổ chức thực hiện.

Ban Chỉ đạo họp định kỳ 02 lần/năm (sơ kết 06 tháng và tổng kết năm) và họp đột xuất theo yêu cầu của Trưởng Ban Chỉ đạo. Các cuộc họp của Ban Chỉ đạo do Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc Phó Trưởng Ban Chỉ đạo (khi Trưởng Ban Chỉ đạo ủy quyền) triệu tập.

Tùy theo yêu cầu và nội dung của cuộc họp, Trưởng Ban Chỉ đạo có thể triệu tập cuộc họp với thành phần phù hợp hoặc mời thêm đại biểu không thuộc Ban Chỉ đạo (cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân).

Quy chế nêu rõ, kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc Phó Trưởng Ban Chỉ đạo (được ủy quyền tại các phiên họp) được thể hiện bằng thông báo của Văn phòng Chính phủ.

Các thành viên Ban Chỉ đạo báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo tình hình triển khai các nhiệm vụ được phân công hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ động báo cáo những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Báo cáo của các thành viên Ban Chỉ đạo gửi Trưởng Ban Chỉ đạo và Cơ quan thường trực để theo dõi, tổng hợp chung.

Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chuẩn bị các tài liệu phục vụ cuộc họp của Ban Chỉ đạo; xây dựng báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí và các nội dung khác theo yêu cầu của Trưởng Ban Chỉ đạo.

Bộ Tài chính là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo; có trách nhiệm tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo, cụ thể: Giúp Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Chỉ đạo điều phối, xử lý, giải quyết các vấn đề trong quá trình chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; điều hành các công việc thường xuyên của Ban Chỉ đạo. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, địa phương tổng hợp, đề xuất kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo, giải pháp triển khai hiệu quả công tác phòng, chống lãng phí.

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Quy chế này. Trường hợp cần bổ sung, sửa đổi Quy chế, trên cơ sở đề xuất của các thành viên Ban Chỉ đạo, các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định. Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Chỉ đạo giao.

* Ngày 17/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1579/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến phòng, chống lãng phí.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí, Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng khác trong phòng, chống lãng phí các nguồn lực của nền kinh tế./.

Ngô Hải Ngọc

Xem thêm