Thời sự

Sớm đưa các quy định của Luật Đất đai và Luật Tài nguyên nước đi vào cuộc sống

Hậu Giang

Việc nghiên cứu, quán triệt kịp thời, áp dụng chính xác nội dung các quy định về đất đai và tài nguyên nước là rất cần thiết, để các quy định sớm đi vào cuộc sống.

Sáng 13/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai quy định của Luật Đất đai năm 2024, Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm điều kiện cho việc đưa Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường tích cực, chủ động phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 4 nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành đồng bộ với Luật, ban hành theo thẩm quyền 4 thông tư được giao trong Luật. Qua đó góp phần quản lý hiệu quả và giải phóng nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát biểu. 
Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Đối với Luật Tài nguyên nước, Chính phủ ban hành 2 nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành 3 thông tư hướng dẫn thi hành Luật, đảm bảo có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành Luật Tài nguyên nước. Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành, đánh dấu bước tiến lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là còn nhiều thách thức.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị, các báo cáo viên tập trung những nội dung cơ bản, nội dung mới gắn thực tiễn địa phương. Các đại biểu nghiên cứu kỹ tài liệu và trao đổi làm rõ nội dung có thể có nhiều cách hiểu khác nhau để Bộ giải đáp, tạo thuận lợi, thống nhất trong triển khai thi hành Luật và các văn bản quy định chi tiết.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, Luật Đất đai năm 2024 và Luật Tài nguyên nước năm 2023 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành có nhiều quy định mới mang tính đột phá, sẽ là bước tiến mới, tạo dựng hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ hơn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước và đất đai tại địa phương, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Các điểm mới của Luật và các văn bản thi hành giải quyết được vướng mắc hiện nay, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng.

Do đó, việc nghiên cứu, quán triệt kịp thời, hiểu sâu và áp dụng chính xác nội dung các quy định về đất đai và tài nguyên nước là rất cần thiết, để các quy định sớm đi vào cuộc sống.

Đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước giới thiệu các nội dung về Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. 
Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Tại hội nghị, đại biểu được báo cáo viên Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai như: Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 quy định về giá đất; Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15/7/2024 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 101/2024/NĐ-CP ngày 29/7/2024 quy định về điều tra cơ bản đất đai, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai; Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT ngày 16/5/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.../.

Hồng Thái

Xem thêm