Đánh giá đa ngành phục hồi sau bão Yagi có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy các nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, ngay cả khi bão Yagi xảy ra cách đây hơn 3 tháng.
Ngày 10/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Cơ quan thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức họp tổng kết Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp và Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis với tư cách là đồng Chủ tịch Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai chủ trì cuộc họp.
Cuộc họp nhằm tổng kết kết quả đạt được trong các nỗ lực chung giảm thiểu và khắc phục hậu quả sau thiên tai, trong đó có đề cập đến các nỗ lực ứng phó và cứu trợ sau bão Yagi - cơn bão lớn và gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: Bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nghiêm trọng. Nhân dân Việt Nam đã đối mặt với những khó khăn đó bằng sự quyết tâm, quả cảm và lòng nhân hậu. Khi bão số 3 chưa tan, nước lũ chưa rút, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được rất nhiều lời hỏi thăm, chia sẻ cùng các cam kết hỗ trợ và sự vào cuộc nhanh chóng của cộng đồng quốc tế, cơ quan chính phủ nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ...
Tại cuộc họp, các đại biểu đã được nghe kết quả Đánh giá đa ngành phục hồi sau thiên tai, cụ thể là sau bão Yagi. Đánh giá đa ngành phục hồi sau thiên tai đưa ra kết quả chi tiết, quan trọng dựa trên thông tin thu thập nhằm hướng dẫn việc lập kế hoạch phục hồi bền vững sau thiên tai và huy động nguồn lực. Hoạt động đánh giá được thực hiện trên phạm vi 14 tỉnh đại diện cho khu vực ven biển, trung du và miền núi, bao gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ninh, Hải Phòng và Phú Thọ. Báo cáo đánh giá đã phân tích các thiệt hại, tổn thất và nhu cầu khôi phục của 15 ngành chính gồm: Giáo dục, y tế, dinh dưỡng, văn hóa và du lịch, nông nghiệp, công nghiệp và thương mại, cấp nước và vệ sinh, nhà ở và cơ sở hạ tầng cộng đồng, công trình phòng chống thiên tai, điện, giao thông vận tải, viễn thông, sinh kế việc làm bảo trợ xã hội, môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nhà nước cùng với các đánh giá về các tác động đến kinh tế vĩ mô và đến người dân. Báo cáo cũng chỉ ra, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong bão Yagi là nhà ở và cơ sở hạ tầng cộng đồng, nông nghiệp, công nghiệp và thương mại, văn hóa và du lịch, giao thông vận tải.
Đánh giá đa ngành phục hồi sau bão Yagi có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy các nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, ngay cả khi bão Yagi xảy ra cách đây hơn 3 tháng. Đánh giá đưa ra bức tranh toàn diện về các thiệt hại, tổn thất và nhu cầu phục hồi của các lĩnh vực chính. Đánh giá cũng đóng vai trò là một diễn đàn quan trọng điều phối các hoạt động hỗ trợ dựa trên thông tin đầy đủ. Các phát hiện của Đánh giá không chỉ giúp hướng dẫn việc lập kế hoạch phục hồi sớm mà còn cung cấp số liệu cần thiết để "xây dựng lại tốt hơn", đảm bảo rằng cơ sở hạ tầng, sinh kế của cộng đồng được xây dựng lại sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn. Đánh giá nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biến các bài học kinh nghiệm thành các chiến lược thực tiễn nhằm tăng cường khả năng chống chịu của Việt Nam trước các thiên tai liên quan đến khí hậu trong tương lai.
Đề cập đến tầm quan trọng của hành động tập thể, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc Pauline Tamesis cho rằng, bão Yagi chính là bài kiểm tra khả năng chống chịu của Việt Nam; đồng thời cho thấy sức mạnh của quan hệ đối tác trong phòng, chống thiên tai. Kế hoạch ứng phó chung và Đánh giá Đa ngành Việt Nam đã chứng minh những gì có thể đạt được nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; ứng phó biến đổi khí hậu.
Hội nghị kết thúc bằng lời kêu gọi tất cả các bên liên quan cùng hành động để tăng cường sự chuẩn bị, các giải pháp tăng cường chống chịu, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tăng cường tài trợ, đảm bảo Việt Nam được trang bị tốt hơn để ứng phó với các hình thái thiên tai liên quan đến khí hậu trong tương lai./.