Sức khỏe

Tăng năng lực dự phòng, giám sát dịch bệnh mới nổi, bệnh lây từ động vật sang người

Dự án hướng tới tăng cường năng lực phòng ngừa và giảm thiểu bệnh mới nổi, nguy cơ bệnh lây từ động vật sang người, cải thiện hệ thống giám sát và chia sẻ dữ liệu dịch bệnh liên ngành; nâng cao năng lực truyền thông, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng.

Quang cảnh buổi làm việc. 
Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Ngày 30/10, UBND thành phố Cần Thơ phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Program for Appropriate Technology in Health (PATH) họp tham vấn về cơ chế phối hợp, triển khai dự án "Tăng cường năng lực địa phương trong dự phòng, giám sát và đáp ứng với dịch bệnh".

Dự án triển khai tại 7 tỉnh, thành phố của nước ta. Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Dự án triển khai tại Cần Thơ và An Giang trong 5 năm, từ năm 2024-2029.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tố Như, Giám đốc Dự án cho biết: Dự án hướng tới tăng cường năng lực phòng ngừa và giảm thiểu bệnh mới nổi, nguy cơ bệnh lây từ động vật sang người; cải thiện hệ thống giám sát và chia sẻ dữ liệu dịch bệnh liên ngành; nâng cao năng lực truyền thông, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng. Qua đó, tăng cường năng lực của địa phương trong phòng ngừa, phát hiện và đáp ứng hiệu quả với các mối đe dọa về bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ trình bày tổng quan công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố trong 9 tháng năm 2024. 
Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Dự án do USAID tài trợ kinh phí, PATH là đầu mối, phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI), Trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội, Tổ chức Phát triển nông thôn bền vững (SRD) triển khai thực hiện.

Khi Dự án triển khai, tại 7 địa phương sẽ được hỗ trợ xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động cụ thể trong giảm thiểu nguy cơ các bệnh truyền nhiễm mới nổi; hỗ trợ triển khai sáng kiến theo định hướng của Chính phủ như “vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh”… Dự án hỗ trợ các địa phương xây dựng, triển khai hệ thống báo cáo, giám sát thú y; chuyển mẫu bệnh phẩm; quản trị dữ liệu “Một sức khỏe - One Health”; tăng cường năng lực cho đội phản ứng nhanh giám sát bệnh truyền nhiễm…

Các địa phương còn được hỗ trợ xây dựng chiến lược, nâng cao năng lực truyền thông; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phòng ngừa và ứng phó dịch bệnh mới nổi, bệnh lây từ động vật sang người. Trên cơ sở đó, thành lập nhóm kỹ thuật cộng đồng, làm hạt nhân cho sự thay đổi nhận thức, thói quen của xã hội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè chỉ đạo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thông tin và Truyền thông kết nối thông tin chặt chẽ với Ban điều phối Dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường tích cực hỗ trợ thông tin, tham vấn và tham mưu những vấn đề liên quan để thực hiện dự án đạt hiệu quả cao nhất.../.

Hoàng Ánh Tuyết

Tin liên quan

Xem thêm