Luật Giáo dục được xem là luật gốc khi xây dựng các luật có liên quan đến lĩnh vực giáo dục.
Ngày 14/5, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, với sự tham gia của thành viên Ban soạn thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục phổ thông.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết: Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6/2019, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Trong quá trình thực hiện, Luật đã góp phần tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai đã nảy sinh một số bất cập, hạn chế cần được tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ trưởng nhấn mạnh, Luật Giáo dục được xem là luật gốc khi xây dựng các luật có liên quan đến lĩnh vực giáo dục. Vì vậy, việc bổ sung, điều chỉnh một số điều của Luật Giáo dục cần bám sát, phù hợp với chủ trương đổi mới giáo dục, đào tạo của Đảng, Nhà nước; giải quyết các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn triển khai; phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và đảm bảo căn cứ khoa học.
Đề cập đến những điểm mới trong dự thảo Luật, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Mai Thị Anh cho biết: Trong dự thảo Luật, giáo dục nghề nghiệp được xác lập là một cấp học, gồm hai bậc: Trung học nghề và Cao đẳng. Cách thiết kế này bảo đảm cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng phân rõ cấp học, phân loại rõ trình độ đào tạo và tăng cường tính mở, liên thông, phù hợp với Khung trình độ quốc gia và thông lệ quốc tế.
Dự thảo Luật quy định bỏ bằng tốt nghiệp Trung học Cơ sở và giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục Trung học Cơ sở xác nhận hoàn thành chương trình Trung học Cơ sở thay cho việc Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp như hiện nay; giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục Trung học Phổ thông cấp bằng tốt nghiệp thay cho việc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp bằng như hiện nay.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi theo hướng bỏ Hội đồng trường ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập nhằm làm gọn bộ máy, tăng hiệu lực thực thi và tạo điều kiện để đổi mới thực chất hoạt động nhà trường dựa trên các thiết chế dân chủ sẵn có như cấp ủy, công đoàn, Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội đồng sư phạm...
Đồng thời, Dự thảo Luật xác định rõ tài liệu giáo dục địa phương không phải là sách giáo khoa; sửa đổi quy định về thẩm quyền biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương theo hướng giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng góp ý về các nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Giáo dục liên quan đến hệ thống giáo dục quốc dân; quy định văn bằng, chứng chỉ; hội đồng trường; sách giáo khoa, tài liệu giáo dục; thủ tục hành chính...
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhận định: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là cần thiết, phù hợp với mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo. Trong đó, với nội dung luật hóa quy định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi, ông Nguyễn Hữu Độ lưu ý về lộ trình triển khai, kinh phí, các điều kiện đảm bảo để thực hiện, phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo khả thi.
Góp ý quy định về hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Nguyễn Siêu (Hà Nội) Nguyễn Thị Minh Thúy đề xuất bổ sung quy định về hội đồng trường đối với hệ thống cơ sở giáo dục tư thục nhằm tránh chồng chéo giữa các chức danh Chủ tịch hội đồng quản trị, Chủ tịch hội đồng trường và Hiệu trưởng nhà trường.
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Đức Sơn cũng đề xuất Ban soạn thảo rà soát các quy định về nhà giáo, hội đồng trường, dịch vụ giáo dục, đánh giá chương trình để tránh chồng chéo đối với các luật đang triển khai... Đơn cử như quy định về “dịch vụ hỗ trợ giáo dục” cần phải làm rõ, quy định cụ thể để vừa đảm bảo tính khả thi, vừa đảm bảo đồng bộ với tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học được quy định trong Luật Giáo dục đại học./.