Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền bảo vệ rừng gắnvới phát triển kinh tế, nhận thức đồng bào Than Uyên từng ngày thay đổi.
Những năm qua, cùng với các địa phương khác trong tỉnh Lai Châu, huyện Than Uyên luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đặc biệt là tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia chăm sóc, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Về Than Uyên chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của vùng quê nơi đây bởi cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, bản làng giàu đẹp. Đặc biệt, những cánh rừng xanh ngút ngàn trải dài khắp huyện như lá “phổi xanh” vừa tạo không khí trong lành và mang đến nhiều nguồn lợi cho người dân. Những cánh rừng ở Than Uyên nói chung và dọc theo đường từ thị trấn Than Uyên vào xã Hua Nà càng tô điểm vẻ đẹp hùng vĩ nơi đây.
Ông Lù Văn Sợi - Trưởng bản Đắc, xã Hua Nà, huyện Than Uyên chia sẻ: “Ngày trước, người dân chưa hiểu rõ về lợi ích từ việc bảo vệ rừng nên thường thờ ơ như: Đốt nương làm rẫy, chặt gỗ. Sau khi được cán bộ kiểm lâm giải thích về tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân đã chủ động hơn trong việc chăm sóc, phòng cháy rừng. Hàng năm được tiền hỗ trợ bảo vệ rừng. Đất sản xuất có nước tưới ổn định. Bão lũ cũng bớt hoành hành”.
Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế tới từng gia đình, nhóm hộ, chủ rừng, Cấp ủy, chính quyền xã Hua Nà đã và đang từng ngày làm thay đổi nhận thức đồng bào nơi đây. Thay vì chặt phá rừng bừa bãi, người dân đứng ra nhận trồng, chăm sóc, giữ rừng để góp phần bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, nước tưới trồng lúa và phát triển kinh tế từ rừng. Hiện nay, xã có trên 1.000ha rừng, 115ha rừng tự nhiên, 500ha rừng bảo vệ khoanh nuôi tái sinh, 220ha rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng lên 41%; thu nhập bình quân của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn năm 2023 là 4,4 triệu đồng/hộ/năm.
Xác định giữ rừng để mang lại nhiều nguồn lợi thiết thực, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Phúc Than (huyện Than Uyên) đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển rừng. Tích cực tuyên truyền Nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, Luật Bảo vệ và phát triển rừng; đặc biệt lợi ích chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mang lại. Phân tích cho bà con hiểu tác hại việc phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Tổ chức họp đến từng bản về nội dung chính sách, phương án khoán, nhiệm vụ các hộ, cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng. Tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đối với các chủ rừng, các hộ ven rừng tại 24/24 thôn bản.
Phúc Than có tổng diện tích tự nhiên 6.283ha, trong đó diện tích rừng toàn xã 2.608,93ha (1.702ha rừng phòng hộ, 906harừng sản xuất). Từ khi có tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng ý thức của bà con trong bảo vệ, phát triển rừng ngày càng tốt hơn; nhân dân tích cực tham gia công tác tuần tra, kiểm tra, canh gác rừng. Năm 2023, tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng trên 755 triệu đồng với 794ha với. Cũng từ việc giữ rừng, số vụ vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng đặc biệt là công tác phòng cháy chữa cháy rừng hàng năm giảm đáng kể.
Ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Phúc Than cho biết: “Trước đây người dân sống ở vùng giáp ranh những cánh rừng thường vào rừng chặt cây, săn bắt thú rừng, khai thác lâm sản trái phép. Sau nhiều năm tuyên truyền, cùng với tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp bà con hiểu tầm quan trọng của rừng mang lại. Từ đó tích cực giữ gìn tài nguyên rừng, khoanh nuôi bảo vệ, chăm sóc, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 43%. Cũng từ số tiền này giúp nhân dân trang trải cuộc sống”.
Thời gian qua, bên cạnh những kết quả khả quan về bảo vệ, phát triển rừng thì việc thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các hộ, chủ rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện được các cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, công tác phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục Luật bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng thường xuyên được triển khai trong các hội nghị của huyện và xã thị trấn đến các thôn, bản, khu phố. Các cơ quan chức năng của huyện đã chủ động nghiên cứu các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh tham mưu cho huyện ban hành các văn bản chỉ đạo và thực hiện chính sách cho các hộ nhận khoán, chăm sóc, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Ở các xã, thị trấn cũng họp bàn làm tốt triển khai thực hiện chi trả tiền theo đúng diện tích, đối tượng. Do vậy, tiền DVMTR được thực hiện công khai, minh bạch, kịp thời, đúng mức hỗ trợ theo quy định.
Chỉ tính riêng năm 2023, huyện Than Uyên có tổng số tiền được chi trả dịch vụ môi trường rừng là 27 tỷ 692 triệu đồng với diện tích 28.760ha. Từ việc bảo vệ, phát triển rừng đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng đất đai, khí hậu, nguồn nhân lực tại địa phương; ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng cao, giúp bà con gắn bó với rừng. Ngoài ra, để bảo vệ những cánh rừng thêm xanh, UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng cấp huyện gồm 29 thành viên, 12 ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng cấp xã, thị trấn, với 333 thành viên và 129 tổ chuyên trách quản lý bảo vệ rừng ở các bản.
Năm 2024, toàn huyện tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh 576 lượt phát, tuyên truyền lưu động tại 12 xã, thị trấn 278 lượt phát, tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy đối với 92 thôn, bản với 9.115 hộ gia đình tham gia. UBND các xã, thị trấn thành lập các chốt gác tạm thời tại các xã trên địa bàn huyện để kiểm soát, phát hiện sớm lửa rừng. Bên cạnh đó, cập nhật kịp thời thông tin cảnh báo cháy rừng, điểm cháy qua vệ tinh của Cục Kiểm lâm; điều chỉnh biển cấp dự báo cháy rừng tại các xã có nguy cơ cháy rừng cao…
Ông Nguyễn Văn Thăng – Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã khích lệ bà con thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó góp phần trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường, hạn chế sự xâm hại của con người. Hằng năm, UBND huyện ban hành kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng, giao các cơ quan chức năng, địa phương tích cực xuống phối hợp người dân bảo vệ rừng. Thường xuyên tuần tra, canh gác, tuyên truyền nhân dân về: Luật Bảo vệ và phát triển rừng, lợi ích từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng… Từ việc bảo vệ rừng tốt đến nay đã nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện trên 40,5%, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, thể hiện giá trị kinh tế của rừng”.
Từ việc giữ rừng tốt cũng như thực hiện tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của nhân dân, chủ rừng đối với công tác bảo vệ rừng, góp phần, điều hoà nguồn nước phục vụ nhà máy thuỷ điện, cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp.