Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển hạ tầng để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển đồng bộ, toàn diện, bao trùm
Thủ tướng chỉ đạo, hết nhiệm kỳ này, Đồng bằng sông Cửu Long có 600km cao tốc và phấn đấu tới năm 2030 có ít nhất 1.300km cao tốc, cao hơn dự kiến trước đây gần 100km.
Kết luận hội nghị về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm tại khu vực phía Nam vào chiều 21/4 tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, giải quyết thông suốt tất cả các phương thức giao thông đường bộ, hàng không, đường biển, đường sông, đường sắt thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thoát nghèo, phát triển; do đó chúng ta phải quyết tâm thực hiện, mỗi thế hệ làm một ít để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Xóa "vùng trũng" cao tốc
Hội nghị đánh giá, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại các tỉnh phía Nam, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ đó, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang và sẽ phát triển tất cả các loại hình giao thông: đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không.
Trong đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, từ nơi được coi là “vùng trũng” cao tốc, đến nay, mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối tại Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự chuyển biến.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 1.256km đường bộ, bao gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến đường bộ cao tốc trục ngang. Đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành 121 km đường bộ cao tốc trục dọc gồm Bến Lức - Trung Lương - Mỹ Thuận chiều dài 91km, Mỹ Thuận - Cần Thơ chiều dài 23km và cầu Mỹ Thuận 2 chiều dài 7km. Trong giai đoạn 2021 - 2025, đang triển khai 10 dự án/dự án thành phần đường bộ cao tốc với chiều dài 432km. Thời gian tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư thêm khoảng 703km, trong đó có dự án Cà Mau – Đất Mũi 90km.
Sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo, sát sao kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các dự án đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; các khó khăn, vướng mắc về vật liệu xây dựng cũng cơ bản được xử lý. Nhờ đó, các dự án đang được triển khai tương đối thuận lợi.
Trong đó, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 110km đang được thúc đẩy tiến độ, sẽ hoàn thành năm 2025. Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191 km sẽ hoàn thành trong tháng 7/2026. Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu hoàn thành năm 2027. Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh sẽ khởi công vào tháng 6/2025. Cao tốc Cao Lãnh - Lộ Tẻ và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ hoàn thành trong năm 2025. Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận có tiến độ hoàn thành năm 2025. Dự án cầu Rạch Miễu 2 tiến độ hoàn thành năm 2025.
Về hàng không, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 4 cảng hàng không gồm: Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá và Phú Quốc. Về đường sắt, Đồng bằng sông Cửu Long quy hoạch 1 tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, chiều dài 174 km, lộ trình đầu tư trước năm 2030. Hiện đang nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch đoạn tuyến kết nối thành phố Cần Thơ - thành phố Cà Mau.
Theo quy hoạch hàng hải, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm 12 cảng biển: Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang. Cùng với đó, hệ thống đường thủy nội địa đang triển khai mạnh, với nhiều dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics qua các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai; dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền qua tỉnh Đồng Tháp; chuẩn bị đầu tư nâng cấp tuyến vận tải thủy Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau…
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của các bộ ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong; sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, sự giúp đỡ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế; đặc biệt là nhân dân vùng có dự án đã nhường mặt bằng, nơi ở, nơi sinh kế, nơi chôn cất, mồ mả tổ tiên… cho các dự án, các các dự án hạ tầng giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long được triển khai đạt yêu cầu đề ra.
“Trong bối cảnh đặc biệt, với nỗ lực đặc biệt, cách làm đặc biệt, có nhiều đổi mới, việc triển khai các dự án đã đạt kết quả đặc biệt, đến thời điểm này đã vượt mục tiêu đề ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thực hiện 3 yêu cầu lớn và bảo đảm “3 có, 2 không”
Nêu rõ 3 yêu cầu lớn với các dự án là phải: kịp và vượt tiến độ; bảo đảm và nâng cao chất lượng; không đội vốn, đội giá; đồng thời không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm vệ sinh, hoàn nguyên môi trường, thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo ngay trong tuần tới, Bộ Xây dựng hướng dẫn xong việc triển khai các biện pháp ứng dụng khoa học công nghệ để rút ngắn thời gian gia tải, rút ngắn thời gian thi công.
Về nguyên vật liệu, đến nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương hướng dẫn về điều phối cát sau khi dỡ tải từ dự án này sang dự án khác cũng như phương án điều chuyển các mỏ đang còn trữ lượng nhưng không còn nhu cầu khai thác cho dự án khác.
Yêu cầu Bộ Tài chính, các cơ quan thu xếp, đáp ứng đủ vốn cho các dự án, Thủ tướng nhấn mạnh cả 3 vấn đề kỹ thuật, nguyên vật liệu và vốn đều đã được giải quyết, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục trực tiếp chỉ đạo xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan.
Nêu rõ một số bài học kinh nghiệm quan trọng trong việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; tinh thần đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường, tự tin; sự tin tưởng, hỗ trợ lẫn nhau; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, động viên, khen thưởng; vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, khó khăn thuộc thẩm quyền cấp nào thì cấp đó giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định..., Thủ tướng một lần nữa biểu dương các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Nai, Bình Dương đã khẩn trương làm việc với các địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án để thống nhất điều phối, cung ứng đủ vật liệu san lấp đắp nền đường cho các dự án còn thiếu nguồn - một trong những vấn đề quan trọng để các dự án được triển khai đạt yêu cầu.
Với kinh nghiệm, tự tin, bản lĩnh, kinh nghiệm, trưởng thành hơn sau 4 năm qua, Thủ tướng yêu cầu cần làm nhiều hơn, tốt hơn, mạnh mẽ hơn, “thần tốc hơn nữa, táo bạo hơn nữa” theo tinh thần Đại thắng mùa Xuân năm 1975 trong phát triển hạ tầng giao thông cho Đồng bằng sông Cửu Long cũng như các hạ tầng chiến lược khác, năm sau tốt hơn năm trước, nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước. Phải nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.
Thủ tướng cho rằng giải quyết thông suốt tất cả các phương thức giao thông đường bộ, hàng không, đường biển, đường sông, đường sắt thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thoát nghèo, do đó chúng ta phải quyết tâm thực hiện, mỗi thế hệ làm một ít để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo, hết nhiệm kỳ này, Đồng bằng sông Cửu Long có 600km cao tốc và phấn đấu tới năm 2030 có ít nhất 1.300km cao tốc, cao hơn dự kiến trước đây gần 100km.
Về hàng không, tiến hành mở rộng sân bay Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá, các địa phương phát huy tinh thần chủ động, tiến hành giải phóng mặt bằng.
Về đường biển, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể trong triển khai các dự án cảng lớn gồm Cái Cui, Trần Đề, Hòn Khoai. Về đường sông, quy hoạch đã có, Bộ Xây dựng thiết kế mẫu các cảng thủy nội địa, các tỉnh rà soát, chủ động, quyết định các dự án theo thẩm quyền. Tinh thần là Trung ương chỉ triển khai các dự án lớn kết nối vùng, kết nối quốc gia, quốc tế.
Về đường sắt, Thủ tướng chỉ đạo chuẩn bị khởi công đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ trong năm 2027, Cần Thơ - Cà Mau trong năm 2028.
Thủ tướng nhấn mạnh cần phát triển đồng bộ các phương thức giao thông tại đồng bằng sông Cửu Long với tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ”; “cùng làm, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng thắng, cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và tự hào khi có thành quả”.
Trong quá trình đó, phải bảo đảm “3 có, 2 không”: Có lợi ích của Nhà nước, có lợi ích của người dân, có lợi của doanh nghiệp; không tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và không để thất thoát, lãng phí tài sản, công sức, tiền bạc của nhân dân.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cùng với tập trung phát triển hạ tầng giao thông, Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đến phát triển toàn diện Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục có các cuộc làm việc để triển khai các dự án ứng phó sụt lún, sạt lở, hạn mặn, các đề án về đào tạo nhân lực, phát triển y tế… tại Đồng bắng sông Cửu Long, khai thác toàn bộ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển đồng bộ, toàn diện, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau./.
- Từ khóa:
- Thủ tướng
- Chính phủ
- Đồng bằng
- Hạ tầng
- Phát triển