Để triển khai tốt chủ trương này, các chuyên gia đề xuất, khi xây dựng Đề án sáp nhập cần phải tính toán rất nhiều phương diện, cân nhắc từng trường hợp, tham khảo tên gọi trong quá khứ với các tỉnh sáp nhập; có thể giữ lại tên gọi của một địa phương trong hai địa phương để tiết kiệm chi phí hành chính hoặc có thể xem xét một tên gọi mới.
Chủ trương cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy nhà nước đặt ra một yêu cầu quan trọng và cấp bách hướng tới một nền quản trị hiệu quả, giảm thiểu chi phí và thúc đẩy phát triển bền vững. Để chủ trương này đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng việc sáp nhập cần phải dựa trên các cơ sở khoa học, thực tiễn, đảm bảo sự phát triển bền vững và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
*Tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Nhuệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã là chủ trương đúng thể hiện quyết tâm cao của Bộ Chính trị, Chính phủ và được nhân dân đồng tình, ủng hộ cao. Trong đó, việc điều chỉnh địa giới hành chính cũng như sáp nhập tỉnh, xã đã được Đảng và Nhà nước, cũng như các chuyên gia xem xét trên nhiều yếu tố như: Quy hoạch, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đặc điểm văn hóa, lịch sử, dân tộc của địa phương, thực hiện theo những trình tự, thủ tục chặt chẽ theo quy định của pháp luật và được công khai, minh bạch đến mọi tầng lớp trong nhân dân.
Chỉ ra những thuận lợi cũng như khó khăn khi thực hiện chủ trương này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Nhuệ phân tích, về thuận lợi, chúng ta đã có sự đồng thuận từ trên xuống dưới, từ hệ thống Đảng, chính quyền đến người dân. Đặc biệt, với sự ủng hộ cao của toàn dân sẽ là động lực để hoàn thành mục tiêu xây dựng bộ máy Nhà nước hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện sẽ gặp không ít khó khăn như: Nguồn lực còn thiếu, công nghệ quản lý (dân cư, xã hội, đất đai, dân trí) chưa cao, đối tượng người sử dụng công nghệ còn ít; trình độ cán bộ, khả năng tư duy, nhận thức còn yếu…Việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới theo hướng kế thừa, giữ gìn các giá trị lịch sử - văn hóa cũng là khó khăn hiện hữu.
Chia sẻ kỹ hơn vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Nhuệ cho hay, thời Lê sơ, vào năm 1469, Lê Thánh Tông đặt 12 thừa tuyên, sắp xếp lại địa giới hành chính đất nước với một hệ thống tên gọi các trấn, phủ, huyện mang nhiều ý nghĩa đẹp, vừa kế thừa, vừa có nhiều phát triển theo hướng khai sáng, cẩn trọng. Sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Hồ Chủ tịch và lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta cũng đã dày công trong xây dựng chính quyền non trẻ và xác lập một hệ thống danh xưng các đơn vị hành chính thống nhất trong cả nước, rõ nhất là danh xưng các xã trong một huyện.
Để triển khai tốt chủ trương này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Nhuệ đề xuất, khi xây dựng Đề án sáp nhập cần phải tính toán rất nhiều phương diện, cân nhắc từng trường hợp, tham khảo tên gọi trong quá khứ với các tỉnh sáp nhập; có thể giữ lại tên gọi của một địa phương trong hai địa phương để tiết kiệm chi phí hành chính hoặc có thể xem xét một tên gọi mới.
Bên cạnh đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Nhuệ, nên có các tiêu chí định danh khi sáp nhập các đơn vị hành chính mới, quá trình dự thảo tên gọi nên tham vấn của các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa, các nhà giáo, các bậc lão thành, người cao tuổi có uy tín và kinh nghiệm để lựa chọn được những tên gọi “đẹp về từ ngữ”, kế thừa truyền thống vùng miền, ngắn gọn, thuận tiện cho giao tiếp và thể hiện trong các văn bản hành chính, giấy tờ của công dân. Đồng thời, cần áp dụng những kinh nghiệm từ những đánh giá quá trình chia tách, tái lập tỉnh trước đây, áp dụng kinh nghiệm quốc tế để có thể lường trước những khó khăn, phức tạp phát sinh. Cùng với đó, rà soát, nâng cao năng lực cán bộ cấp xã, tăng cường cán bộ có năng lực về cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý nhà nước, cần tính đến việc làm việc từ xa, quản lý con người trên hiệu quả công việc... Như vậy, bộ máy sau kiện toàn sẽ gọn nhẹ, triển khai chủ trương, chính sách nhà nước sẽ được thông suốt, hiệu quả.
*Cân nhắc kỹ lưỡng trên nhiều khía cạnh
Theo Tiến sỹ Tô Văn Trường, chuyên gia về tài nguyên và môi trường thuộc Hội Thủy lợi Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), sáp nhập tỉnh sẽ tăng cường nguồn lực phát triển, tận dụng tốt hơn lợi thế vùng miền; giảm được bộ máy hành chính, tăng hiệu quả quản lý. Sáp nhập tỉnh cũng sẽ nâng cao vị thế của tỉnh mới. Một tỉnh có quy mô lớn hơn sẽ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn trên bản đồ kinh tế - chính trị, thu hút đầu tư tốt hơn và có tiếng nói quan trọng hơn trong chiến lược phát triển vùng và quốc gia. Nếu biết cách kết hợp hợp lý, tỉnh mới có thể phát triển toàn diện cả về kinh tế và văn hóa - xã hội mà khi còn là tỉnh nhỏ không có đủ lợi thế.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức như: Tác động trong tổ chức hành chính, khó khăn trong chuyển đổi giấy tờ, thủ tục pháp lý; tâm lý người dân bị xáo trộn; đánh mất bản sắc địa phương… Việc tinh gọn, sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ tác động đến bộ máy quản lý nhà nước mà còn ảnh hưởng lớn đến cơ cấu tổ chức của các doanh nghiệp hoạt động theo địa bàn hành chính, đặc biệt là những doanh nghiệp có mô hình tổ chức theo ngành dọc từ trung ương tới địa phương như điện lực, viễn thông... sẽ phải được tái cấu trúc theo đơn vị hành chính cấp tỉnh mới.
Để hạn chế tác động tiêu cực khi sáp nhập tỉnh, Tiến sỹ Tô Văn Trường cho rằng, trong giai đoạn chuyển đổi, cần có chính sách hỗ trợ để giảm thiểu khó khăn cho người dân trong việc thay đổi giấy tờ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động bình thường, đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa các vùng, không để khu vực nào bị bỏ lại phía sau. Ngoài ra, việc quyết định đặt trung tâm hành chính của tỉnh mới sau sáp nhập cần được cân nhắc kỹ lưỡng trên nhiều khía cạnh, từ lịch sử, địa lý, kinh tế đến chiến lược phát triển lâu dài. Việc lựa chọn tên phải tùy vào tình hình thực tế, nét đặc trưng của các địa phương. Trụ sở hành chính nên đặt tại một địa phương nhằm đảm bảo cơ sở vật chất, không gian làm việc, hạ tầng kết nối thuận tiện, dễ dàng giữa các địa phương với trung ương.
Cùng với đó, việc trung ương lắng nghe ý kiến từ các địa phương phải được thực hiện thực sự nghiêm túc. Quan trọng hơn, mọi quyết định và lộ trình sáp nhập cần được công khai minh bạch, giúp người dân hiểu rõ lợi ích chung. Việc tổ chức các cuộc đối thoại với người dân là điều cần thiết để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận cao. Đồng thời, chính quyền phải bảo đảm an sinh xã hội, phân bổ ngân sách công bằng, thực hiện các dự án phát triển mang lại lợi ích thực tế, đồng đều cho người dân; chất lượng giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội cần được ưu tiên duy trì và nâng cao, tránh gây ra những xáo trộn tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống của người dân./.